Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào: Biểu tượng của mối quan hệ truyền thống đặc biệt

29/10/2019 09:38:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trong 70 năm qua, quá trình hoạt động cũng như những đóng góp to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã góp phần làm sâu sắc hơn, củng cố hơn tình đoàn kết keo sơn và mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào.

Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh và giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, trong phát biểu chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam (năm 1976), Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã khẳng định: “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp máu xương vào thắng lợi của quân và dân Lào anh em trong suốt chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu và công tác trên đất nước Triệu Voi anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân trao cho”(1).

 Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước

Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào/Nhà xuất bản Thông tấn

Quân tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng quân đội và nhân dân Lào chống thực dân Pháp

Năm 1945, sau một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, Việt Nam và Lào giành lại được nền độc lập. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã nhanh chóng quay trở lại xâm lược Việt Nam và Lào lần thứ hai. Trước kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần, ngày 16-10-1945, hai nước đã ký “Hiệp định tương trợ Việt - Lào”. Đây là văn kiện ngoại giao chính thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng là văn kiện ngoại giao chính thức đầu tiên của Lào, là cơ sở pháp lý để chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào giúp đỡ nhau chống kẻ thù chung. Tiếp đó, ngày 30-10-1945, Việt Nam và Lào đã ký “Hiệp định thành lập liên quân Lào - Việt”, xác định sự hợp tác về mọi mặt, đặc biệt là về lĩnh vực quân sự.

Trên cơ sở pháp lý của những hiệp định đã được ký kết, trong những năm 1945 - 1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều giải phóng quân(2). Ngay từ đầu, các đơn vị Việt kiều giải phóng quân đã gắn bó chặt chẽ với các đơn vị vũ trang yêu nước của Lào trong xây dựng và chiến đấu, thậm chí cùng sinh hoạt trong một đơn vị, trở thành những đơn vị liên quân Việt Nam - Lào phối hợp với một số đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của Khu 4 (Việt Nam) sang chiến đấu, ngăn chặn các cuộc tiến công của quân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và cuộc sống của nhân dân Lào, của Việt kiều ở các thành phố, thị trấn vừa được giải phóng(3), tạo điều kiện cho cách mạng Lào vượt qua khó khăn, tiến lên xây dựng, phát triển lực lượng, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc.

Từ những đơn vị hoạt động phân tán với quy mô nhỏ (tổ, đội), đến những năm 1948 - 1949, bộ đội Việt Nam tại Lào từng bước phát triển, tổ chức thành những đơn vị độc lập với quy mô đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn(4). Trước sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng quân sự Việt Nam giúp Lào, ngày 30-10-1949(5), Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và quyết định: “Từ đây, các lực lượng quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào tổ chức theo hệ thống riêng của quân đội Việt Nam và mang danh nghĩa là quân tình nguyện”(6). Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi từ đây, quân tình nguyện Việt Nam có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và trực tiếp, khiến việc giúp cách mạng Lào ngày càng hiệu quả hơn. Thực chất nội dung của việc giúp cách mạng Lào như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự thật thì chưa tìm ra chữ gì để thay chữ giúp, thực ra không phải là giúp mà là làm một nhiệm vụ quốc tế”(7).

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời kỳ này các đoàn quân tình nguyện lần lượt được thành lập sang giúp cách mạng Lào đẩy mạnh kháng chiến, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang. Kết quả là ngày 20-1-1949, quân đội Lào Ít-xa-la ra đời, đánh dấu bước trưởng thành mới của cách mạng Lào.

Năm 1950, sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào đẩy mạnh phối hợp chiến đấu, tổ chức nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến, nổi bật là Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, mở màn vào ngày 8-4-1953 và kết thúc vào ngày 3-5-1953(8).

Phát huy kết quả đạt được, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, lực lượng vũ trang Việt Nam - Lào tiếp tục phối hợp mở các chiến dịch tiến công giành thắng lợi ở Trung Lào (tháng 11-1953), Thượng Lào lần thứ hai (tháng 2-1954) và Hạ Lào (tháng 4-1954), tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Việt Nam tiến lên tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân đội và nhân dân Lào tiếp tục thực hiện sự phối hợp, đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khắp nơi, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch và đến ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào kết thúc thắng lợi.

Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam sát cánh cùng quân đội và nhân dân Lào chống Mỹ

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, các đơn vị tình nguyện Việt Nam tại Lào lần lượt rút về nước. Song, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thế chân thực dân Pháp, xâm lược Việt Nam và Lào bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu giữa hai quân đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp, theo đề nghị của Chính phủ kháng chiến và Bộ Quốc phòng Lào, Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam, mang phiên hiệu Đoàn 100 đã được thành lập vào tháng 7-1954. Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Đoàn cố vấn quân sự 100 đã vận dụng những kinh nghiệm của Việt Nam vào thực tiễn cách mạng Lào, giúp xây dựng, củng cố lực lượng; rèn luyện, xây dựng khu căn cứ và công tác hậu cần trong quân đội Lào. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang Lào ngay từ đầu đã được Đoàn cố vấn quân sự 100 chú trọng, qua đó hình thành hệ thống lãnh đạo của Đảng trong quân đội Lào, giúp Lào bảo vệ thành quả cách mạng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ năm 1959, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào đứng trước nhiều thử thách. Trước diễn biến mới của tình hình cách mạng Lào, ngày 2-7-1959, báo cáo của Bộ Chính trị về tình hình mới và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, trong đó xác định nhiệm vụ của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào lúc này là: “Tích cực ủng hộ cách mạng Lào phải được coi là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta…, là một công tác có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”(9). Trên tinh thần đó, ngày 6-7-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thành lập Ban Công tác Lào, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Sau quyết định này, ngày 12-9-1959, Đoàn chuyên gia quân sự 959 được thành lập và sang hoạt động tại Lào. Đây là những quyết định quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong lãnh đạo các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Lào kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mặc dù các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ khác nhau, hoạt động trên các địa bàn khác nhau tại Lào,  nhưng đều chung mục đích là giúp Bạn trưởng thành, từng bước đảm nhận được nhiệm vụ của cách mạng. Trong quá trình giúp Lào, các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đều bắt đầu từ đề xuất, kiến nghị những vấn đề quan trọng, giúp Bạn xem xét, đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo kháng chiến, xây dựng và chiến đấu của quân đội; bám sát các nghị quyết của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Bộ Quốc phòng Lào tổ chức triển khai xây dựng lực lượng, đề xuất phương án tác chiến, phối hợp chiến đấu hiệu quả, đặc biệt là trong các chiến dịch lớn, như: Nậm Thà (năm 1962), 128, 74A (năm 1964), Nậm Bạc (năm 1968), Mường Xủi (năm 1969), Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1972)..., tạo bước tiến lớn trong công cuộc kháng chiến của cách mạng Lào và tác động tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau những thất bại liên tiếp, ngày 27-1-1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri. Một tháng sau, ngày 21-2-1973, đế quốc Mỹ tiếp tục phải ký Hiệp định Viêng Chăn về Lào. Đến đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào bước sang giai đoạn mới.

Tháng 12-1973, tại cuộc hội đàm giữa các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, hai bên thống nhất đưa các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, hỗ trợ cho bộ đội giải phóng Lào chiến đấu ở phía trước. Cùng với đó là việc rút phần lớn chuyên gia quân sự Việt Nam về nước. Theo đó, trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973 - 1975), dù quân số không đông, nhưng đội ngũ chuyên gia quân sự đã tập trung giúp cách mạng Lào những vấn đề cơ bản, then chốt nhất, đặc biệt là giúp cách mạng Lào đấu tranh giành chính quyền bằng “ba đòn chiến lược” và “mũi đấu tranh pháp lý”, tiến lên kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2-12-1975.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vận dụng sáng tạo đường lối, nguyên tắc đoàn kết quốc tế của Đảng cũng như phương châm chiến lược “giúp bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã tích cực hoạt động giúp cách mạng Lào đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, giành được nhiều chiến công vang dội, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào. Với những thành quả đạt được, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam giao phó, trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và là tài sản vô giá của hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp đối với nước bạn Lào. Như đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào khẳng định: “Ngay từ đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản cao cả, mấy chục năm ròng in dấu chân trên khắp mọi chiến trường ở đất nước Lào, đem máu xương, công sức và kinh nghiệm của mình giúp Lào xây dựng lực lượng chiến đấu và chiến thắng. Nhân dân Lào sẽ không bao giờ quên hình ảnh các chiến sĩ quốc tế Việt Nam vượt qua sự vây chặn dày đặc của quân thù đến với Lào khi cách mạng Lào hãy còn trong trứng nước, chịu đựng đói rét bệnh tật, âm thầm len lỏi đi sâu vào quần chúng giúp Lào xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng vũ trang… Trong những năm kháng chiến, mặc dù đất nước vẫn còn đang bị quân thù tàn phá, nhưng quân đội nhân dân Việt Nam vẫn chia sẻ sức người, sức của có hạn của mình, cùng nhân dân, quân đội Lào chiến đấu, ngày đêm giành giật với địch từng ngọn đồi, từng con suối, đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng của cách mạng Lào… Từ rừng núi đến đồng bằng, từng vùng giải phóng đến vùng địch hậu, biết bao chiến sĩ quốc tế Việt Nam đã đem xương máu của mình hòa với xương máu chiến sĩ và nhân dân Lào, trở thành những người con bất tử của dân tộc Lào, làm rạng rỡ thêm non sông của đất nước Lào thân yêu”.

Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhấn mạnh, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam là “những chiến sĩ quốc tế đặc biệt… đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đã đồng cam cộng khổ, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho chúng tôi, kề vai sát cánh chiến đấu, sống chết bên nhau với quân đội quân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời”(10).

Thực tiễn hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong 30 năm chiến tranh giải phóng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:

Một là, luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng và phương châm chiến lược “giúp bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động tại Lào.

Hai là, bám sát tình hình thực tiễn để xây dựng, phát triển quân tình nguyện và chuyên gia quân sự phù hợp với yêu cầu của cách mạng Lào.

Ba là, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế để xây dựng liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt.

Bốn là, không ngừng tìm hiểu tình hình đất nước, con người Lào, cũng như chủ trương, đường lối của Đảng Nhân dân cách mạng Lào để giúp cách mạng Lào thiết thực, hiệu quả.

Năm là, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giúp cách mạng Lào.

Tình hình quốc tế và khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch luôn đẩy mạnh các hoạt động chống phá Việt Nam về mọi mặt, nhất là xuyên tạc, bóp méo tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, trong đó có sự hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Do đó, hơn lúc nào hết, bên cạnh phát huy truyền thống quý báu và sức mạnh tổng hợp của hai nước, việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là kinh nghiệm từ quá trình hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Đó cũng là hành động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào (30-10-1949 - 30-10-2019), qua đó nhân lên niềm tự hào cho các thế hệ người dân Việt Nam và Lào, nhất là thế hệ trẻ, để tiếp tục bồi tụ, vun đắp mối quan hệ đặc biệt lên một tầm cao mới, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào./.

------------

(1) Bộ Quốc phòng: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào: Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào - Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 29

(2) Gồm Việt kiều yêu nước ở Lào, Việt kiều từ Thái Lan về và từ Việt Nam sang

(3) Điển hình là cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn (Lào) năm 1946

(4) Đầu năm 1948, Liên khu 3, 4, 5, 10 đã cử nhiều cán bộ sang giúp Lào xây dựng cơ sở, tổ chức quần chúng và huấn luyện tác chiến. Đến cuối năm 1948, Việt Nam có khoảng 1.000 quân ở Lào. Theo Bộ Quốc phòng: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Lào (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 196

(5) Ngày 30-10 được lấy làm ngày truyền thống của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào

(6) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007), Biên niên sự kiện, t.1 (1930 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 208

(7) Bộ Quốc phòng: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào: Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào - Biểu tượng tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, tlđd, tr. 300

(8) Chiến dịch Thượng Lào là chiến dịch lớn diễn ra trên đất Lào, lại là lần đầu bộ đội chủ lực Việt Nam sang tác chiến trên đất bạn, nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Tham gia chiến dịch còn có đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm chính trị và đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm cung cấp. Do tầm quan trọng của chiến dịch đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của hai dân tộc, Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Trung ương Đảng đặc trách công tác về Lào cùng đi với Bộ chỉ huy chiến dịch. Về phía Lào có đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến; Xinh Ca-pô, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Thao Ma, Bí thư tỉnh Hủa Phăn

 (9) Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng: Bộ Chính trị báo cáo Trung ương Đảng về tình hình mới và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, ngày 02-7-1959, Phòng Quân ủy Trung ương, Hồ sơ 223

(10) Cay-xỏn Phôm-vi-hản: Xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 183 - 184.

Lê Văn Phong

Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com