Tổng kết thi hành Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

01/03/2016 10:51:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Sáng 29/02, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Pháp lệnh Lực lượngCảnh sát biển Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cùng Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển và lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ các cơ quan chức năng thuộc BTL Cảnh sát biển

Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ban hành năm 1998, đánh dấu sự ra đời của Lực lượng thực thi pháp luật trên biển mang tên “Cảnh sát biển Việt Nam”. Kế thừa các quy định của Pháp lệnh năm 1998, năm 2008, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển được chỉnh sửa, bổ sung và quy định cụ thể hơn, phù hợp hơn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển. Đồng thời với những sửa đổi, bổ sung mới, Pháp lệnh năm 2008 đã tạo nên bước ngoặt trong tổ chức, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển. Theo đó, Cục Cảnh sát biển (nay là BTL Cảnh sát biển) được điều chuyển từ trực thuộc BTL Hải quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng và là tổ chức hành chính cao nhất của Lực lượng Cảnh sát biển. Trực thuộc BTL Cảnh sát biển có Cơ quan BTL, các Vùng Cảnh sát biển, các Cụm Đặc nhiệm PCTP ma túy, các Cụm Trinh sát và Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát biển.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Qua 17 năm tổ chức hoạt động và thi hành Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã trình cơ quan có thẩm quyền, hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản pháp luật, triển khai các quy định của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển. Bao gồm: 01 Pháp lệnh, 09 Nghị định, 10 Thông tư; 08 Thông tư liên tịch, 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Các quy định của Pháp lệnh cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tạo cơ chế hoạt động độc lập cho Lực lượng Cảnh sát biển, góp phần thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển theo quy định của pháp luật; tạo cơ sở để Cục Cảnh sát biển (nay là BTL Cảnh sát biển) chỉ huy, điều hành cơ quan, đơn vị và xây dựng lực lượng.

Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định: Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ra đời là tiền đề để tổ chức, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển; là cơ sở pháp lý để lực lượng triển khai ngày càng mạnh mẽ các hoạt động thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện, thực hiện nhiệm vụ ở những vùng biển xa, nhất là vùng đặc quyền kinh tế. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng được trực tiếp tham mưu, giải quyết những tình huống chiến lược xảy ra trên biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển theo xu thế tiến bộ chung của thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển nảy sinh những vấn đề phức tạp; xuất hiện những vấn đề mới phức tạp, nhạy cảm và khó lường. Cảnh sát biển Việt Nam vừa thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, vừa xây dựng và phát triển lực lượng trong xu thế đất nước mở cửa, hội nhập sâu rộng, hợp tác, đối tác, đối tượng đan xen. Mặt khác, việc bảo vệ, quản lý vùng biển phải giải quyết nhiều vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, đòi hỏi phải phối hợp nhiều lực lượng và hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Vì vậy, bên cạnh những giá trị, tính đúng đắn của Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã được thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cũng như tổ chức, quản lý lực lượng chứng minh thì Pháp lệnh cũng xuất hiện những quy định bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ Cảnh sát biển.

Quang cảnh Hội nghị.

Từ tình hình thực tiễn trên, đồng chí Tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh: việc tổng kết thi hành Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời bổ sung các quy định mới, xây dựng thành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là vấn đề có tính cấp thiết, khách quan. Luật Cảnh sát biển Việt Nam được xây dựng và ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn trên các vùng biển của Việt Nam phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, hạn chế tính “nhạy cảm” trong xử lý các vấn đề phát sinh trên biển trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị: Cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và sáng tạo Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan. Qua tổng kết Pháp lệnh Cảnh sát biển, làm cho các cấp trong Quân đội và cả hệ thống chính trị thống nhất về nhận thức và sự ủng hộ chung, làm tiền đề xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trong nghiên cứu, xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam, cần kế thừa cũng như sửa đổi, thay thế những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh cho phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và các văn bản pháp lý liên quan; đáp ứng được yêu cầu thực thi pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; phù hợp với xu hướng và hợp tác quốc tế, trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, phát huy nội lực và sự ủng hộ của thế giới.

Anh Hào

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com