14/08/2013 05:34:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Vùng Cảnh sát biển 1 là đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát biển Việt Nam, với nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì, thực thi pháp luật, quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và đảm bảo việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên vùng biển từ cửa sông Bắc Luân (tỉnh Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Thời gian gần đây, trên các vùng biển, đảo của nước ta tiếp tục có những diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều động thái mới và tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường, nhất là trên các vùng biển trọng điểm. Từ sau khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc triển khai thực hiện Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá, tình hình trong Vịnh Bắc Bộ có ổn định hơn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nhiều tàu đánh bắt hải sản tại vùng đánh cá chung chưa tuân thủ các quy định của Hiệp định (treo cờ, xin giấy phép...) đã nảy sinh hiện tượng tranh giành ngư trường, xâm phạm vùng biển của hai nước đánh bắt trộm hải sản, bị xử phạt tương đối nhiều...
Để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền biển, đảo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến luợc của biển nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng trên thì hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân làm ăn trên biển đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhưng với trên 150 nghìn tàu cá các loại trải dài trên đường bờ biển dài 3260 km (không kể các đảo) của đất nước, vùng biển rộng, nhiều đảo phân tán, xa bờ, khí hậu biển khắc nghiệt, thất thường là trở ngại lớn. Ngư dân ngày đêm trên biển, đánh bắt xa bờ, nay đây mai đó, phương tiện thông tin duy nhất của họ là bộ đàm, ra-đi-ô nghe đài Tiếng nói Việt Nam. Khi cần thiết thì ngư dân dùng bộ đàm liên lạc với địa phương, bộ đội Biên phòng hoặc hệ thống đài canh của Quân chủng Hải quân. Tuy nhiên, do tập quán và muốn “độc quyền” khu vực biển nhiều hải sản, khá nhiều ngư dân thường bí mật ngư trường nên họ tự cô lập, cắt đứt hoàn toàn liên lạc trong thời gian dài, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền và tìm kiếm cứu nạn. Do vậy, việc tiếp cận tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho ngư dân của lực lượng Cảnh sát biển như hiện nay đạt kết quả tốt là việc làm hết sức khó khăn.
Kể từ khi được thành lập đến nay, trong hơn 14 năm làm công tác tuyên truyền pháp luật, Vùng CSB 1 đã tiến hành phát hàng trăm ngàn tờ rơi, tổ chức hàng chục buổi phổ biến tuyên truyền pháp luật tại các địa phương. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu những kiến thức cơ bản về pháp luật cho bà con ngư dân. Vì vậy, để thực hiện tốt nội dung này các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Cảnh sát biển cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức và biện pháp mới, trong đó tập trung vào các giải pháp như:
Thứ nhất, cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với các địa phương ven biển, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lực lượng Biên phòng, Quân chủng Hải quân... cụ thể hóa nội dung tuyên truyền trong việc ký kết quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với các bên liên quan. Thực tế cho thấy các địa phương và Chi Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản là các đơn vị chủ quản trực tiếp nắm chắc về số lượng, chất lượng, quy luật đánh bắt của bà con ngư dân, những thời gian và địa điểm có thể tập hợp một lượng lớn bà con trong năm để tuyên truyền..., nên việc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho công tác tuyên truyền.
Thứ hai, việc tuyên truyền cần phải được xây dựng một cách khoa học, chặt chẽ với các địa phương và các lực lượng, cần xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền cho từng thời điểm, giai đoạn; phải phối hợp với hệ thống chính trị các địa phương, các nghiệp đoàn đánh cá, các tổ đội đánh cá tự quản v.v. phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng cùng vào cuộc. Không để hiện tượng số buổi tuyên truyền nhiều nhưng ngư dân tham gia thì ít, nội dung không đến được ngư dân, nhiều lực lượng quản lý một vùng biển nhưng việc phối hợp để tuyên truyền cho ngư dân ít được thực hiện, ít hiệu quả.
Thứ ba, về nội dung cần tập trung tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản, phổ thông về các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Luật biển quốc tế; những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan; tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong ngư dân, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển. Bên cạnh đó, chúng ta cần tuyên truyền đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng ý thức trách nhiệm công dân trong việc tuyên truyền cho các “tổ đội tàu, thuyền đoàn kết”, dân quân tự vệ; đấu tranh chống các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo như: vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông trên biển; buôn bán hàng cấm, trốn lậu thuế; đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản, phá hoại môi trường sinh thái biển; kịp thời thông báo tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền tài phán vùng biển của nước ta; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch nhằm mục đích xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Tuyên truyền các chính sách khuyến khích nhân dân ra định cư ổn định trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thứ tư, cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về con người, kinh phí, phương tiện cho hoạt động tuyên truyền. Lực lượng của chúng ta hiện nay quá mỏng, số buổi tuyên truyền trực tiếp chưa nhiều. Việc tuyên truyền bằng việc phát tờ rơi trong quá trình làm nhiệm vụ mới chỉ đạt kết quả ban đầu, vì nội dung in trên đó chưa đáp ứng được hết yêu cầu cần tuyên truyền hiện nay.
Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân là việc làm thường xuyên lâu dài, để làm tốt được điều đó cần có sự vào cuộc cùng phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương, trong đó lực lượng CSB đóng một vai trò quan trọng. Làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, chúng ta sẽ có môi trường an ninh trật tự tốt trên biển, đó là điều kiện để lực lượng CSB hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.