29/06/2021 01:27:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Thực thi pháp luật trên biển là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển. Hiện nay, có nhiều lực lượng được pháp luật giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước trên biển, trong đó Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hoạt động phối hợp, hiệp đồng giữa Cảnh sát biển với các cơ quan, ban ngành, lực lượng, địa phương liên quan đóng vai trò quan trọng, là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải được thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả.
Quang cảnh Hội nghị trao đổi phối hợp thông tin tuyên truyền giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao). Ảnh: Đức Hạnh
Trong lĩnh vực quản lý về an ninh, trật tự, an toàn (ANTTAN) trên biển, mô hình thực hiện quản lý nhà nước của nước ta là quản lý theo ngành, theo lĩnh vực, tức mỗi cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng đảm nhiệm vai trò quản lý một (hoặc một số) ngành, lĩnh vực cụ thể. Xuất phát từ đặc điểm ANTTAT trên biển liên quan hầu như mọi ngành, lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Do vậy, để công tác quản lý nhà nước về ANTTAT trên biển được diễn ra chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả, tránh chồng chéo, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cảnh sát biển với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành, chính quyền địa phương có liên quan.
Thời gian qua, trên cơ sở hành lang pháp lý là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành để điều chỉnh các quan hệ phối hợp liên quan đến Lực lượng Cảnh sát biển, nhất là Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đẩy mạnh triển khai toàn diện các nội dung phối hợp, thường xuyên, tích cực tổ chức hoạt động phối hợp trên tất cả các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận:
Trong trao đổi, cung cấp thông tin: Cảnh sát biển đã thiết lập mối quan hệ với các địa phương ven biển và hầu hết các lực lượng thuộc bộ, ngành liên quan, đảm bảo việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình trên biển luôn nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Tiêu biểu như: phối hợp với Bộ Công an để trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật trên biển; với Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông Vận tải để trao đổi thông tin về an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn trên biển; với Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương ven biển về chống vi phạm IUU; với Hải quan trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển… Đặc biệt, với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu ven biển, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ đội Biên phòng… Cảnh sát biển đã phối hợp trao đổi, cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Qua đó, bảo đảm thống nhất trong nhận định, đánh giá tình hình và tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án, biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, đúng đối sách các tình huống, vụ việc xảy ra trên biển.
Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển: Bên cạnh việc chủ động các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát độc lập theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành khác kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện trên thực địa, ứng phó hiệu quả với các tình huống phức tạp, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển. Tiêu biểu là các hoạt động phối hợp, hiệp đồng với Quân chủng Hải quân tổ chức tuần tra, kiểm soát, trực canh tại các khu vực biển trọng điểm, xua đuổi hàng nghìn lượt/chiếc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, đấu tranh ngăn chặn các hành vi thăm dò, nghiên cứu khoa học, đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Việt Nam; phối hợp tổ chức hàng nghìn lượt tàu thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển; phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong giải quyết tình hình tàu thuyền ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển ký quy chế phối hợp với Ủy ban Nhân dân 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện huy động nhân lực, tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.
Trong điều tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật: Trước tình hình vi phạm pháp luật trên biển có chiều hướng gia tăng, đa dạng về hành vi, tinh vi về thủ đoạn, xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến yếu tố nước ngoài hoặc có mối liên hệ mật thiết với cá nhân, tổ chức trên đất liền. Cảnh sát biển đã chú trọng phối hợp với các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, đồng thời nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Nhiều vụ án lớn về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và địa bàn liên quan được phát hiện, xử lý; hay việc bắt giữ thành công các vụ cướp có vũ trang là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Cảnh sát biển và các lực lượng.
Trong tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển: Với ưu thế về tàu thuyền, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm, khả năng hoạt động dài ngày trên biển, thời gian qua, Cảnh sát biển đã chủ động tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng thực hiện các yêu cầu, mệnh lệnh của Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia và Bộ Quốc phòng; tổ chức phương tiện, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn được hàng trăm tàu thuyền, hàng ngàn người bị nạn. Hầu hết các vụ việc đều xảy ra ở vùng biển xa, trong điều kiện khó khăn, thời tiết phức tạp.
Trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân hoạt động trên biển: Đây là mảng phối hợp nổi bật của Lực lượng trong thời gian gần đây. Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết quy chế phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy của 12 tỉnh thành ven biển; ký kết và triển khai thực hiện mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo” tại 13 xã (huyện) đảo trên địa bàn 11 tỉnh thành; ký kết quy chế phối hợp với 20 cơ quan thông tấn báo chí; chủ trì, phối hợp hiệu quả với chính quyền các địa phương trên cả nước tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát tờ rơi, sách pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người dân thuộc nhiều đối tượng, thành phần, độ tuổi khác nhau; vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững ANTTAT biển, đảo Tổ quốc.
Trong một số hoạt động khác, công tác phối hợp cũng được Cảnh sát biển chú trọng thực hiện như: phối hợp nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp trong giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ; hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong khu vực; phối hợp thực hiện các hoạt động công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường biển, xây dựng địa bàn đóng quân an toàn…
Có thể nói, hoạt động công tác phối hợp của Lực lượng Cảnh sát biển thời gian qua đã tạo đòn bẩy, phát huy được sức mạnh tổng hợp cả về mặt lực lượng, thế trận, pháp lý để Cảnh sát biển xử lý đúng pháp luật các hành vi vi phạm, tội phạm trên biển; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các vấn đề ANTTAT trên biển, thực hiện tốt vai trò của một lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, là yếu tố quan trọng để Cảnh sát biển hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động phối hợp của Cảnh sát biển vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như: Nội dung, hình thức phối hợp còn đơn giản, chưa đi vào chiều sâu; chất lượng các hoạt động phối hợp trên thực tế chưa đáp ứng tốt yêu cầu “kịp thời, chặt chẽ, sâu sắc, liên tục”; một số nhiệm vụ phối hợp còn mang tính hình thức. Cá biệt, có lúc, có nơi nhận thức, vai trò của cán bộ chủ trì còn đơn giản, nhất là trong việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật về phối hợp nhằm vận dụng vào hoạt động thực tiễn, dẫn tới hiệu quả phối hợp xử lý những tình huống về ANTTAT trên biển chưa cao.
Giai đoạn hiện nay, việc tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng trong quản lý nhà nước về ANTTAT trên biển đã trở thành một yêu cầu tất yếu, khách quan và cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước trên biển trong bối cảnh tình hình mới và phát huy hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công tác phối hợp theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, Nghị định 61/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, một số yêu cầu đặt ra đối với hoạt động phối hợp quản lý nhà nước về ANTTAT của Cảnh sát biển trong thời gian tới là:
Đối với việc xây dựng hệ thống văn bản về công tác phối hợp:
Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về ANTTAT trên biển được ban hành; Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng dành một chương quy định về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển. Tuy nhiên, thực tiễn trên biển đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề mới, ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp như: quy định về vai trò chủ trì phối hợp giữa các lực lượng trên biển nằm tại nhiều văn bản khác nhau, chưa đồng bộ, thống nhất; thẩm quyền, phạm vi hoạt động, trách nhiệm của nhiều lực lượng đã được pháp luật quy định nhưng chưa đi kèm với các quy định về công tác phối hợp với lực lượng khác; nội dung phối hợp còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của mỗi bên khi phối hợp,…
Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng liên quan, tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác phối hợp trong từng ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước cụ thể, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Cần thiết phải hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng quy định rõ nội dung, phương thức, cơ chế phối hợp; vai trò của lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp; trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Các quy định, quy chế phối hợp cần dễ áp dụng, tránh việc quy định mang tính hình thức. Có như vậy, hành lang pháp lý về công tác phối hợp mới đảm bảo nâng cao trách nhiệm của từng lực lượng trong mối quan hệ phối hợp, đảm bảo cho Cảnh sát biển thực hiện đúng vai trò là lực lượng làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động phối hợp:
Trong điều kiện đặc thù của mô hình quản lý biển Việt Nam hiện nay, hoạt động phối hợp phụ thuộc rất lớn vào tính chủ động, linh hoạt của cán bộ chủ trì, trực tiếp chỉ huy, điều hành, lãnh đạo công tác phối hợp. Chính vì vậy, để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao, cần phân công rõ cơ quan chủ trì điều hành phù hợp, đồng thời phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Người chủ trì điều hành lực lượng phối hợp và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc và nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển, của cơ quan, đơn vị mình và của các lực lượng liên quan; quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật về công tác phối hợp; nhận thức đúng đắn về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải thực hiện công tác phối hợp. Trên cơ sở nội dung các quy chế, kế hoạch đã ký kết với các lực lượng phối hợp, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa thành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của mình để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nội dung phối hợp. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp, cần lưu ý lựa chọn, áp dụng, triển khai linh hoạt các nội dung, hình thức, phương pháp phối hợp sao cho phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, vùng biển được giao quản lý trong từng giai đoạn cụ thể, đảm bảo phát huy được tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp để đạt kết quả cao nhất.
Đối với các hoạt động phối hợp trên thực địa:
Để tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên biển, đảo, hoạt động phối hợp trên thực địa giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lực lượng liên quan cần phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu như tuần tra, kiểm soát, tăng cường sự hiện diện của các lực lượng quản lý biển trên các vùng biển chủ quyền; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, nhất là những vụ việc phức tạp, liên quan đến sự quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành. Trong một số nhiệm vụ cụ thể, cần thiết phải xây dựng kế hoạch hiệp đồng cụ thể, chi tiết trên cơ sở bám sát yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ phối hợp. Đồng thời, để tăng cường sự gắn kết, thống nhất cao trong phối hợp, hiệp đồng, các cơ quan, đơn vị cần chủ động mở rộng các mối quan hệ, bổ sung các hình thức, biện pháp phối hợp mới, như: Hội nghị trao đổi kinh nghiệm; diễn tập, luyện tập chung về xử lý các tình huống phức tạp; thiết lập đường dây nóng, duy trì nền nếp giao ban, thông báo tình hình…
Quá trình tổ chức các hoạt động phối hợp trên thực địa, các cơ quan, đơn vị, lực lượng phải xác định rõ phương châm: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; giữ vững nguyên tắc phối hợp, đảm bảo theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia và đúng quy định của pháp luật; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, giữ gìn ANTTAT trên biển làm chính, không phô trương, hình thức, không phối hợp lấy lệ chỉ để bảo đảm “đủ chỉ tiêu”; nội dung, hình thức phối hợp phải phong phú, đa dạng, sát với thực tiễn, điều kiện đặc thù của mỗi bên tham gia và không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ riêng của mỗi bên đã được pháp luật quy định.
Đối với các nội dung phối hợp phức tạp, rủi ro cao, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển, phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng cấp trên trước khi triển khai kế hoạch, nội dung phối hợp cụ thể. Quá trình phối hợp phải đảm bảo an toàn về mọi mặt, nhất là về con người, vũ khí, trang bị, tài liệu và các biện pháp nghiệp vụ.
Đối với công tác sơ kết, tổng kết hoạt động phối hợp:
Công tác sơ, tổng kết hoạt động phối hợp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phối hợp. Thông qua hoạt động này, những kết quả, hạn chế cũng như kinh nghiệm trong công tác phối hợp được xác định rõ ràng, từ đó có căn cứ để nâng cao hiệu quả phối hợp trong giai đoạn tiếp theo. Thời gian qua, mặc dù hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên trên thực tế, ở nhiều cấp khác nhau, song việc tiến hành sơ, tổng kết ở các đơn vị cơ sở chưa được chú trọng thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, những cách làm hay, phương án thực hiện hiệu quả trong công tác phối hợp. Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị phải định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng, kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt hoạt động phối hợp; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy chế hoạt động phối hợp, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo đảm ANTTAT biển đảo của Tổ quốc.
Tóm lại, phối hợp thực hiện quản lý về ANTTAT trên biển là một nhiệm vụ quan trọng của Lực lượng Cảnh sát biển, đồng thời cũng là yêu cầu tất yếu khách quan trong công cuộc quản lý, bảo vệ biển đảo. Trước đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về ANTTAT trên biển trong tình hình mới, Cảnh sát biển cần tăng cường hơn nữa các hoạt động phối hợp và thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra trong quá trình phối hợp, bảo đảm vừa tạo nên sức mạnh đoàn kết, sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, vừa chung sức, chung lòng cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự, an toàn trên biển, góp phần vào sự nghiệp quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Sơn
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam