10/07/2017 09:26:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm và hỗ trợ khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành công văn 2687/LĐTBXH-VL hướng dẫn hỗ trợ người lao động bị thiệt hại do sự cố môi trường biển thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Các chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người dân tỉnh Quảng Trị làm thủ tục nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển.
(Ảnh minh hoạ: Trần Tĩnh/TTXVN)
Hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp
Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; đào tạo theo trình độ trung cấp, cao đẳng.
Cụ thể, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Đối tượng là người học thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (sau đây gọi tắt là hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển) có đủ các điều kiện sau đây: Tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng nhập học trong thời gian từ ngày 1/1/2017- 31/12/2018; Chưa được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo các chính sách khác của Nhà nước trong thời gian trên, trừ trường hợp bị mất việc làm theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; Đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo trong thời gian từ sau ngày 1/1/2017- 31/12/2018. Trường hợp người học tham gia khóa đào tạo trong thời gian trên nhưng đến ngày 31/12/2018 chưa hoàn thành khóa đào tạo thì được tiếp tục hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại đến khi kết thúc khóa học.
Mức tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học. Trường hợp chi phí đào tạo lớn hơn 6 triệu đồng, thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở đào tạo. Trường hợp chi phí đào tạo bằng hoặc thấp hơn 6 triệu đồng, thì người học được hỗ trợ chi phí đào tạo theo số chi thực tế.
Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.
Mức hỗ trợ tiền đi lại: 300.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
Về hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Đối tượng là người học thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, tham gia khóa đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, chưa được hỗ trợ học phí đào tạo theo các chính sách khác của Nhà nước trong thời gian từ tháng 4 năm 2016 đến khi kết thúc khóa học.
Mức hỗ trợ học phí cho một khóa đào tạo: Mức tối thiểu bằng mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư; mức tối đa không vượt quá mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Về tín dụng học sinh, sinh viên: Người học thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tham gia khóa đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên nếu có nhu cầu. Mức vay: tối đa 1.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên; lãi suất 0,55%/tháng.
Hỗ trợ tạo việc làm
Hỗ trợ vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm: Lãi suất bằng 50% mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm: Người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, trang thông tin điện tử đăng ký tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm.
Căn cứ nhu cầu của người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo các hình thức sau đây: Tư vấn trực tiếp; Tư vấn tập trung; Các phiên giao dịch việc làm; Tư vấn qua điện thoại, trang thông tin điện tử.
Tham gia thực hiện chính sách việc làm công: Người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được ưu tiên lựa chọn tham gia các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công về khôi phục môi trường biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và ổn định, khôi phục, phát triển du lịch tại địa phương.
Hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh nhận người lao động vào làm việc: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh) tuyển dụng người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển từ ngày 1/1/2017 - 31/12/2018 vào làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, mỗi người một lần; Hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Hỗ trợ chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Đối tượng được hỗ trợ là người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển có đủ các điều kiện sau đây: Có thị thực và ký hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hợp đồng cá nhân ký với chủ sử dụng lao động trong thời gian từ ngày 1/1/2017 - 31/12/2018; Trường hợp người lao động đã hoàn thành việc đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, thực hiện khám sức khoẻ, làm hộ chiếu, lý lịch tư pháp nhưng được cấp thị thực sau 31/12/2018 đến trước ngày 31/12/2019 thì được hỗ trợ các chi phí thực tế phát sinh trước ngày 1/1/2019; Chưa được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo các chính sách khác của Nhà nước trong thời gian từ ngày 1/1/2017- 31/12/2018.
Nội dung hỗ trợ gồm : Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí khám sức khoẻ cho người lao động; Hỗ trợ các chi phí trước khi đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động
Về vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Đối tượng là người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đã ký hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hợp đồng cá nhân với chủ sử dụng lao động trong thời gian từ ngày 1/1/2017- 31/12/2018.
Mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định./.
Theo http://dangcongsan.vn