Nguyên tắc pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ trong luật pháp và thực tiễn quốc tế

03/08/2017 09:32:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Quyền thụ đắc lãnh thổ là thuật ngữ dùng để chỉ quyền chiếm hữu lãnh thổ về biển, đảo trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Theo đó, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác định quyền thụ đắc lãnh thổ của một quốc gia phải hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế và được luật pháp quốc tế thừa nhận. Trong đó, quyền này thường được vận dụng theo các nguyên tắc: “quyền phát hiện”, “kế cận địa lý”, “chiếm hữu thật sự” và đó cũng là cơ sở để các bên tranh chấp biện minh cho quan điểm pháp lý của mình. Thực chất, các nguyên tắc trên đều là sự tiếp cận, lý giải dưới những góc nhìn khác nhau về quyền thụ đắc lãnh thổ trong thực tiễn quốc tế.

Đảo chìm Đá Lát cách đảo Trường Sa lớn 14 hải lý về phía Tây.

1. Như vậy, nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã thể hiện tính khách quan, khoa học, bình đẳng và toàn diện trong thực hiện quyền thụ đắc lãnh thổ đối với mọi quốc gia trên thế giới, mà không phân biệt đó là quốc gia lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, v.v. Theo nguyên tắc này, một quốc gia dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm hữu chủ quyền biển, đảo, dù kéo dài trong bao nhiêu năm cũng vẫn là phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận. Đây là một trong những căn cứ quan trọng, làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho từng khu vực và toàn thế giới.Phương thức thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “quyền phát hiện” hay còn gọi là “quyền ưu tiên chiếm hữu” một vùng lãnh thổ cho quốc gia đầu tiên phát hiện ra nó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không giúp xác định chủ quyền cho một quốc gia đã tuyên bố phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Bởi vì, trên thực tế, người ta không thể xác định được một cách cụ thể thế nào là phát hiện đầu tiên, ai là người đã phát hiện trước và lấy gì để ghi nhận hành vi phát hiện đó, v.v. Vì vậy, việc phát hiện này về sau được bổ sung thêm nội dung là phải để lại dấu tích cụ thể trên vùng lãnh thổ mới được phát hiện. Với sự bổ sung này, “quyền ưu tiên chiếm hữu” được đổi thành nguyên tắc “chiếm hữu danh nghĩa”. Tuy vậy, nguyên tắc “chiếm hữu danh nghĩa” vẫn không giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các “vùng đất hứa”, đặc biệt là các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng trăm, hàng nghìn hải lý. Mặt khác, người ta cũng không thể lý giải được “danh nghĩa” hay “danh nghĩa lịch sử” cụ thể là gì, được hình thành từ bao giờ và đã tồn tại như thế nào? Vì thế, trong thực tế, nguyên tắc này đã không còn được sử dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cho dù hiện tại vẫn còn một số quốc gia cố tình bám lấy nó để bảo vệ cho những yêu sách lãnh thổ vô lý của mình.

2. Đối với quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “kế cận địa lý”, được một số quốc gia có vị trí địa lý cận kề dựa vào để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền lãnh thổ của họ. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ về biển, đảo, lập luận này không được thừa nhận như là một nguyên tắc pháp lý. Bởi vì, có rất nhiều vùng lãnh thổ nằm sát ngay bờ biển của nước này nhưng vẫn thuộc chủ quyền của nước khác và không hề có sự tranh chấp nào xảy ra.

3. Về quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”, đã được quốc tế thống nhất sử dụng rộng rãi để xem xét, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, với các nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do thực thể nhà nước tiến hành. Thứ hai, việc chiếm hữu phải được thực hiện trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res-Nullius) hay trên một vùng lãnh thổ đã bị bỏ hoang (derelicto). Thứ ba, quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình một cách hiệu quả, thích hợp với những điều kiện tự nhiên, dân cư ở trên vùng lãnh thổ đó. Thứ tư, việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phải hòa bình, liên tục, rõ ràng; dùng vũ lực để xâm chiếm là phi pháp, không được thừa nhận1.

__________

1 - Ban Tuyên giáo Trung ương - 100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, H. 2013, tr. 71 - 73.

Hoàng Minh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com