Phát huy vai trò của Quân đội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở

18/06/2022 12:44:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 30/7/2021.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” (sau đây gọi tắt là Đề án 1371), Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Đề án 1371. Theo đó, Thượng tướng Võ Minh Lương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban Chỉ đạo Đề án; Cơ quan Thường trực Đề án là Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng.

Hội nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Đề án 1371 do Bộ Quốc phòng Tổ chức.

Đề án 1371 được triển khai thực hiện trên phạm vi địa bàn cả nước, với mục tiêu phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân, Đề án phấn đấu 80% cán bộ, nhân dân nói chung, trong đó 60% cán bộ, nhân dân địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phổ biến, giáo dục pháp luật, có hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.

Về mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội, Đề án phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ được phổ biến, giáo dục pháp luật; có hiểu biết và ý thức chấp hành nghiêm pháp luật; có khả năng, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tỷ lệ vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội giảm theo từng năm.

Ngoài ra, Đề án cũng phấn đấu: 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các đơn vị quân đội được bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. 80% báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên của địa phương, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án tập trung thực hiện nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi cán bộ, chiến sĩ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng của Đề án; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thuộc phạm vi của Đề án.

Đề án cũng đưa ra các mục tiêu: đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng của Đề án. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết, đánh giá nhân rộng trên phạm vi cả nước; lồng ghép việc thực hiện Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan trong quá trình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng của Đề án.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2027 và năm 2022; ban hành Quy chế hoạt động; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc dự toán và phân bổ kinh phí hoạt động. Đồng thời, Cơ quan thường trực Đề án đã xin ý kiến Ban Chỉ đạo, đề xuất nhiều giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Đề án trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo Thượng tướng Võ Minh Lương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án: Đề án 1371 có phạm vi, đối tượng triển khai, đối tượng thụ hưởng rộng, vì vậy, đồng chí Thứ trưởng cho rằng cùng với phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong tham mưu, triển khai thực hiện, Quân đội cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức, huy động sự tham gia có hiệu quả của cả hệ thống chính trị; đồng thời huy động mọi nguồn lực, kết hợp chặt chẽ với các chương trình, Đề án có liên quan, trong đó kế thừa và phát huy kết quả từ Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2016 và giai đoạn 2017-2021”.

Bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 1371 ở các cấp, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng cần thường xuyên cập nhật tình hình để không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, cách thức triển khai đề án; tích cực xây dựng các mô hình điểm về phổ biến giáo dục pháp luật để nhân rộng trên phạm vi cả nước; tăng cường trang thiết bị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên kiện toàn và coi trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; chú trọng hoạt động khảo sát để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án sát với tình hình thực tiễn và đối tượng, nhằm hoàn thành tốt mục tiêu, giải pháp của Đề án đã đề ra.

Chi tiết văn bản xem tại đây:

Dean1371.pdf

Thái An

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com