Phổ biến Hiệp định Thương mại và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào

10/08/2016 02:40:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Lào tại Hà Nội, Bộ Công Thương Lào tổ chức Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Thoong-sạ-vẳn Phôm-vị-hản - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam cho biết, trong tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương hai nước cũng đã phối hợp tổ chức các Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại, Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào tại các tỉnh Sạ-vẳn-nạ-khệt, Viêng-chăn và Luông-pha-băng. Hội nghị phổ biến ngày hôm nay cũng nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến Hiệp định nói trên, theo tinh thần triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Lào giai đoạn 2016-2020 và Thỏa thuận hợp tác song phương hai nước năm 2016, Biên bản cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ Việt - Lào lần thứ 38 của Phân ban hợp tác hai nước. Với hy vọng thúc đẩy, đưa kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu (XNK) hai nước tăng trưởng 20% trong năm nay, hai bên đã phối hợp tổ chức phổ biến các Hiệp định Thương mại giữa hai bên một cách rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp hai nước để đưa nội dung của Hiệp định áp dụng vào đời sống. Mục đích của việc ký kết Hiệp định này nhằm tăng cường, nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị, thúc đẩy trao đổi mua bán thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.

Cửa khẩu Lao Bảo - một cửa khẩu của Việt Nam trên đường biên giới Việt Nam và Lào.

Tại Hội nghị, ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết, tháng 3/2015, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thương mại song phương để thay thế cho bản Hiệp định năm 1998. Tháng 6/2015, hai nước tiếp tục ký Hiệp định Thương mại biên giới, dành cho nhau các ưu đãi đặc biệt vốn không áp dụng với bất cứ nước nào khác. Do vậy, khi áp dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào vào thực tiễn, nhiều loại hàng hóa được tiếp cận với mức ưu đãi thuế quan đặc biệt giảm bằng 0% hoặc bằng một nửa (50%) với trên 95% các dòng thuế hàng hóa so với mức thuế ATIGA trong ASEAN. Trong khi đó, với Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, các doanh nghiệp hai nước cũng sẽ được hưởng các ưu đãi riêng có đặc biệt.

Ông Lê An Hải cũng khẳng định, trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành với nhiều cơ hội và thách thức, nếu các doanh nghiệp hai nước nắm bắt được những lợi thế mà hai Hiệp định này mang lại sẽ góp phần tăng cường hoạt động thương mại song phương, đồng thời sẽ giúp cho cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước trở nên đa dạng hơn. Hai Hiệp định đã này mở đường cho nhiều loại hàng hóa mới mà xưa nay chúng ta chưa có điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu được thuận lợi.

Trước đó, trong lĩnh vực thương mại, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương (1998), Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào (2009) và Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương (2010) trong đó, Việt Nam và Lào giành cho nhau những ưu đãi đặc biệt riêng có giữa hai nước về một số mặt hàng chiến lược và nhạy cảm của hai Bên và được gia hạn hàng năm. Các Hiệp định và thỏa thuận này là cơ sở giúp thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn 2008 - 2015 trung bình tăng trên dưới 25%/năm. Năm 2008, hai nước đã cùng nhau xây dựng và triển khai Đề án phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Lào giai đoạn 2008 - 2015 và đã đạt được nhiều thành quả khả quan. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, mục tiêu kim ngạch thương mại song phương cho tới 2015 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra (2 tỷ USD).

Trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào ngày 31/12/2015 với nhiều cơ hội và thách thức đặt ra đối với hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa hai nước một lần nữa được khẳng định và phát huy. Cụ thể, ngày 3/3/2015 đã ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Lào (thay thế bản Hiệp định ký năm 1998), trong đó đã tích hợp nội dung Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Lào để đảm bảo tính ổn định và bền vững của các cam kết ưu đãi thương mại giữa hai nước (thay vì gia hạn hàng năm, thì nay tự động gia hạn trong thời gian 5 năm nếu như các Bên không có ý kiến khác thông báo lẫn nhau bằng văn bản). Hiệp định này được coi là một công cụ hữu hiệu để thực hiện mong muốn của cả hai nước nhằm thúc đẩy, tăng cường hợp tác kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận với mức ưu đãi thuế quan đặc biệt giảm 0% hoặc bằng một nửa (50%) với trên 95% các dòng thuế hàng hóa so với mức thuế ATIGA trong ASEAN.

Ngày 27/6/2015, chúng ta đã ký Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Theo đó, hai nước giành cho nhau các ưu đãi riêng có đặc biệt mà không áp dụng cho bất kỳ nước nào khác như: (i) mở rộng giảm thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa xuất xứ hai nước; (ii) miễn thuế giá trị gia tăng và miễn giảm các biện pháp hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất, nuôi trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam; (iii) tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp hai nước tại khu vực biên giới, v.v... Đồng thời, Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển các cửa khẩu biên giới Việt - Lào, trở thành những cửa ngõ và cầu nối trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và thế giới; phục vụ thuận lợi hóa thương mại trong khu vực.

Sau khi hai Hiệp định được ký kết, các bộ, ngành và cơ quan liên quan của hai nước đã hết sức tích cực trong việc hoàn thiện các thủ tục phê chuẩn trong nước để sớm đưa nội dung hai Hiệp định này đi vào thực thi. Bộ Chính trị hai nước rất quan tâm và có chỉ đạo trực tiếp việc tuyên truyền, phổ biến nội dung và các điểm mới của 2 Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Về phía Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan, phối hợp chặt chẽ với phía Lào trong việc tuyên truyền nội dung các Hiệp định tới các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan hữu quan nhằm sớm giúp cho doanh nghiệp hai nước tận dụng tốt nhất những lợi ích từ các thỏa thuận này mang lại. Sự kiện tổ chức Hội nghị tuyên truyền ngày hôm nay tại Hà Nội là Hội nghị thứ 4 trong chuỗi Hội nghị tuyền truyền, phổ biến Hiệp định mà Bộ Công Thương hai nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức; trước đó là các Hội nghị tổ chức tại tỉnh Sạ-vẳn-nạ-khệt (5/7), tại Viêng-chăn (8/7) và Luông Pha-Băng (10/7) chính là cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ hai nước đối với việc hỗ trợ hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Trung Kiên
 

File đính kèm :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com