05/11/2015 03:11:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị số 2164/CT- BNN-TCTS về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên các vùng biển.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2014 số tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ tăng so với năm 2013; công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển của các cơ quan chức năng còn chưa nghiêm, chưa chặt chẽ; nhiều địa phương còn phát sinh tàu thuyền thuộc diện cấm phát triển; việc chấp hành các quy định của Nhà nước về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá của các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc, dẫn đến nhiều tai nạn tàu cá vẫn xảy ra.Để khắc phục tình trạng này trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản theo nội dung của Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp và nội dung Chỉ thị 689/CT- TTg ngày 18 tháng 5 năm 2010 và Công điện số 1329/CĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.
Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Động viên, hỗ trợ ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, trấn cướp tài sản, đâm chìm, đâm hư hỏng tàu khi khai thác ở các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam (Hoàng Sa, Trường Sa, DK1).
2. Đối với công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản
Tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá kể từ khâu thẩm định hồ sơ thiết kế tàu cá, trong quá trình đóng mới và sử dụng tàu cá. Thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra giám sát trong đóng mới tàu cá theo đúng quy định tại Quy chế đăng kiểm tàu cá ban hành kèm theo Quyết định 96/2007/QĐ-BNN ngày 28/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đặc biệt là bước thử nghiêng ngang (thử ổn tính) và thử đường dài. Đảm bảo 100% số tàu cá được kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu và hàng năm được trang bị đủ các trang thiết bị an toàn và được sơn, kẻ, gắn biển số theo quy định.
Không để tình trạng ngư dân lắp đặt các loại máy kém chất lượng (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) đối với các tàu cá đóng mới, cải hoán có tổng công suất từ 250 sức ngựa trở lên. Thực hiện các bước kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với máy thủy cũ không có chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền lắp đặt trên các tàu cá đóng mới, cải hoán có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa trở lên.
Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung hoặc đưa ra ngoài danh sách đã được công bố các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT ngày 25/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định yêu cầụ kỹ thuật về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn tàụ cá do địa phương quản lý theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản, báo cáo nhanh khi có tai nạn xảy ra và tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Báo cáo số lượng tàu thuyền, tình hình đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại địa phương theo tháng gửi về Tổng cục Thủy sản trước ngày 15 của tháng kế tiếp. Định kỳ 06 tháng và hàng năm, tổng hợp báo cáo tình hình tàu cá giải bản và xóa đăng ký thuộc địa phương quản lý và thống kê, lập danh sách các tàu thuyền thuộc diện cấm phát triển chưa được quản lý trên địa bàn, nêu rõ nguyên nhân và phân tích, đánh giá gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông.
3. Đối với công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai chuyên ngành thủy sản
Tổ chức trực ban 24/24 khi có tin về bão và áp thấp nhiệt đới trong khu vực tàu thuyền của địa phương thường xuyên hoạt động; cử các cán bộ kỹ thuật đến các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn để sắp xếp neo đậu tàu thuyền trong khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới.
Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, nhất là đối với lực lượng đánh bắt xa bờ để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi có tai nạn và các sự cố thiên tai xảy ra.
4. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ quy định về quản lý hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam và các nước trong khu vực; hướng dẫn ngư dân biết ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; các kiến thức cơ bản về bão, áp thấp nhiệt đới và cách phòng tránh để người dân chủ động ứng phó nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.