Tựa vào Luật Biển Việt Nam, ngư dân ta bám biển

22/02/2016 05:03:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều. Chương 4 có 5 điều quy định các nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển. Chương 5 có 3 điều quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển.

Ban hành Luật Biển Việt Nam là bước đi quan trọng, song để tiến ra biển một cách vững chắc, vấn đề là đội hình ngư dân ra biển cần đủ lớn, đủ đông cả về số lượng tàu và con người, có hướng dẫn ngư trường đánh bắt, có sự phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển…

Để trở thành quốc gia mạnh giàu từ biển còn phải áp dụng thành công phương thức quản lý tổng hợp biển, với một "chùm” cơ chế chính sách liên ngành, liên vùng. Trình độ KH&CN tiên tiến áp dụng trong điều tra, nghiên cứu biển và cả trong khai thác, sử dụng biển. Không thể dắt đội quân "thuyền thúng ra biển” mà ngộ nhận mình là quốc gia mạnh từ biển được! Công nghiệp đánh bắt hải sản thực sự hiệu quả thì phương tiện, phương pháp đánh bắt, hệ thống quản lý, thông tin liên lạc cũng phải khác. "Gọi mãi không biết nhau ở đâu giữa đại dương mênh mông ấy thì làm sao đón lõng, bắt được những đàn cá di cư đúng độ tuổi, đúng chất lượng!”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi từng lưu ý.

 

Các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.

Đáng mừng là thời gian qua, cả nước ta đã tăng đáng kể các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.Những thành viên tổ đội hợp tác thường xuyên liên lạc nên việc phát hiện ngư trường và tổ chức đánh bắt khá hiệu quả, sản lượng tăng từ 1,2 đến 1,5 lần, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế được nhiều rủi ro, bảo đảm an toàn hàng hải và ứng cứu kịp thời khi các thành viên gặp nạn. Quan trọng là sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu cá của ngư dân tại các vùng biển xa bờ sẽ góp phần đảm bảo an ninh chủ quyền trên biển...

Cần nhấn mạnh một lần nữa, chủ quyền biển đảo chỉ được khẳng định tốt khi ta khai thác có hiệu quả trên vùng biển của mình. Có lực lượng kiểm ngư mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngư dân am hiểu về an toàn hàng hải. Tăng cường đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Ngư dân phối hợp hiệu quả với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra...

Một yêu cầu quan trọng là tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, dù những tranh chấp ở nhiều mức độ khác nhau trên biển là rất khó tránh. Có chuyện phải giải quyết tay đôi, có chuyện phải giải quyết đa phương. Có chuyện cần kiên quyết, có chuyện cũng cần được xử lý một cách bình tĩnh, linh hoạt, tùy vào tình hình cụ thể. Khéo ứng xử có thể biến được đối tượng thành đối tác. Chúng ta đang tăng cường đối tác để giảm đối đầu, nghiêm túc đàm phán hòa bình, cân nhắc để các bên đều có lợi theo UNCLOS 1982 và các thỏa thuận khu vực khác. Bám biển để sinh kế và hiện diện dân sự trên vùng biển chủ quyền của đất nước là quyền và trách nhiệm của ngư dân Việt Nam đồng thời chúng ta yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng các quyền lợi chính đáng đó! Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta cũng rất rõ ràng và nhất quán về giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Đó là những nội dung có thể hiểu là những "ứng biến” từ Luật Biển Việt Nam.

 

Các tàu đánh cá của ngư dân vươn khơi bám biển.

Với số lượng khoảng 130.000 tàu thuyền lớn nhỏ, 10% trong số đó hàng ngày lênh đênh bám biển đánh bắt hải sản trong các vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh kiếm kế sinh nhai bằng nghiệp biển, ngư dân đã thực sự góp công sức của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Hơn lúc nào hết, Luật Biển VN phải tới được mọi nguồn nhân lực "hành nghề” biển nước ta, từ khoa học - công nghệ biển, các kỹ sư, tiến sĩ chuyên ngành về biển, tới nguồn nhân lực kỹ thuật, cuối cùng là người dân. Muốn Luật Biển Việt Nam cùng ngư dân vững vàng ra biển, tới các mô hình sản xuất khai thác hải sản trên biển theo Chiến lược phát triển thủy sản bền vững, Luật phải có trong chương trình đào tạo ngành hàng hải, trong các cơ sở đào tạo và sổ tay kỹ năng khai thác cho ngư dân, các trung tâm hậu cần nghề cá..., thấm lắng trong nhịp đập mỗi ngôi làng chài, khu dân cư ven biển.

PGS Nguyễn Chu Hồi cho rằng trong bối cảnh mới, cần phải bố trí lại quy hoạch dân cư biển, đảo để gắn với phát triển kinh tế đa mục đích. Đó không chỉ đơn thuần là việc đưa dân ra đảo mà cần đầu tư xây dựng năng lực "tự ứng xử” cho các cộng đồng và người lao động biển đảo; đào tạo cho họ hiểu về Luật Biển VN, về kiến thức, nhận thức về tài nguyên, môi trường, ứng phó với thiên tai, nhân tai,…để họ yên tâm bám biển, xử lý được các tình huống xấu trên biển. Các hoạt động hỗ trợ ngư dân trong các chuyến đánh bắt xa bờ phải sớm trở thành một chương trình quốc gia hoành tráng.

Bộ NN&PTNT đã có văn bản trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết trên biển, như hỗ trợ máy thông tin, hỗ trợ vay vốn để đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, miễn giảm thuế... Bộ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa kỹ thuật khai thác, đầu tư xây dựng hệ thông thông tin liên lạc phục vụ công tác giám sát…Rất cần trang bị kiến thức về các vùng biển, các quy định pháp lý đối với các vùng biển, chủ trương và biện pháp của Đảng và Nhà nước ta giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp Biển Đông, các chính sách và pháp luật nghề cá,…ngư dân hiểu được quyền và trách nhiệm của mình, không vi phạm các điều pháp luật Việt Nam cấm, không vi phạm các điều ước quốc tế khi hành nghề trên vùng biển của Tổ quốc.

Mục tiêu cuối cùng và quan trọng là để sớm có những cộng đồng ngư dân chủ động, tự chủ, có khả năng tự ứng phó khi làm nghề ngoài biển xa. Có một luật biển Việt Nam, một Chiến lược tổng thể và bài bản, chúng ta chắc chắn vững tiến ra biển một cách vững chắc để khẳng định vị thế, chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nhật Minh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com