29/08/2013 10:12:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Công tác hàng hải và tìm kiếm cứu nạn có vị trí vai trò rất quan trọng trong hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển (CSB). Công tác hàng hải bảo đảm an toàn cho lực lượng tàu thuyền và các lực lượng chức năng khác của CSB trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì pháp luật trên biển. Hoạt động tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu thời bình của Quân đội và là một trong những chức năng của CSBVN. Trong 15 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên của Đảng ủy, Chỉ huy Cục CSB và Đảng ủy, Chỉ huy các cấp, công tác hàng hải và tìm kiếm cứu nạn đã được thực hiện tốt góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của lực lượng CSB. Nhìn lại chặng đường 15 năm đã qua, chúng ta ghi nhận những kết quả của công tác hàng hải và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được và trên cơ sở thực tiễn hoạt động cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho thực hiện nhiệm vụ này trong giai đoạn tiếp theo.
Về công tác hàng hải:
Với phương châm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhân viên, xác định tự học hỏi, tự đào tạo là chính; từng bước tổ chức triển khai thực hiện theo các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn cảng và luồng ra, vào cảng, phao neo buộc
tàu… kết hợp tận dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của trên đối với công tác bảo đảm hàng hải và sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan ban,ngành trong và ngoài Quân đội; công tác hàng hải đã bảo đảm hơn 14.000 lượt tàu thuyền hoạt động với gần 900.000 hải lý an toàn. Tiến hành
khảo sát và thả 26 bộ phao buộc tàu tránh bão cho tàu thuyền của toàn lực lượng, trong đó có 02 bộ phao tránh nạn thuộc Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tiến hành nạo vét vùng nước cảng, duy tu cầu cảng và sửa chữa, bổ sung, thay thế trang thiết bị cầu cảng các Hải đội. Năm 2002, triển khai hệ thống mạng LAN truy cập thông tin về thời tiết phục vụ Sở chỉ huy Cục và các đơn vị chỉ huy,điều hành, sử dụng lực lượng và từng bước triển khai hệ thống này cho các đơn vị. Ngoài ra, công tác huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về hàng hải cũng được chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm như: tập huấn, hội thi - hội thao tàu tốt, hội thi cán bộ thuyền giỏi, tổ chức học luồng cho đội ngũ cán bộ thuyền cấp Cục, cũng như cấp Vùng CSB nhằm nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức về hàng hải, kiến thức về pháp luật hàng hải
Việt Nam và quốc tế cho đội ngũ cán bộ thuyền và nhân viên Ngành hàng hải. Kết quả cụ thể: hội thi-hội thao cán bộ thuyền Quân chủng Hải quân năm 2005 đạt giải 3 khối tàu chiến đấu; hội thi cán bộ thuyền giỏi cấp Cục năm 2010 có 100% đạt khá giỏi, trong đó có 35% giỏi.
Khám sức khỏe cho ngư dân bị nạn trên biển.
Về thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn(TKCN):
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng CSBVN đã tổ chức hàng chục lần chuyến thực hiện nhiệm vụ TKCN trên biển, cứu được 17 phương tiện và 278 người. Hầu hết, các vụ việc đều diễn ra trên các vùng biển xa, trong điều kiện khó khăn, thời tiết phức tạp. Điển hình là tàu CSB 9002 Vùng CSB2 từ ngày 31/3 đến 04/4/2012 đã cứu nạn tàu cá QNg90046 TS và 11 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt cách đảo Phú Lâm/quần đảo Hoàng Sa 110 hải lý; từ ngày17/6 đến 22/6/2012 cứu nạn thành công tàu cá QNa 91594TS và 12 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt trên khu vực đảo đá Bông Bay/quần đảo Hoàng Sa, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng và UBQGTKCN tặng Bằng khen. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua công tác huấn luyện TKCN đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định. Qua huấn luyện đã trang bị cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng những kiến thức cơ bản về công tác TKCN, những tình huống giả định và cách thức xử lý. Đã kết hợp giữa huấn luyện lý thuyết và thực hành tại các vị trí chiến đấu, cao hơn nữa là luyện tập, diễn tập và diễn tập hiệp đồng. Cụ thể: đã tham gia 27 khóa huấn luyện với 63 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia do UBQGTKCN tổ chức; năm 2012 tổ chức 01 lớp tập huấn TKCN cho toàn lực lượng; tham gia 10 cuộc diễn tập có một phần thực binh về chống cướp biển và TKCN tại các Vùng CSB và với các lực lượng,địa phương có liên quan; năm 2012 Vùng CSB 1 đã phối hợp với Cục HHVN và CSB Nhật Bản diễn tập TKCN trên Vịnh Bắc Bộ.
Những bài học kinh nghiệm:
Một là, để công tác Hàng hải và Tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của lực lượng thì công tác tổ chức biên chế và trang bị cho các đơn vị là rất quan trọng và cấp thiết. Vì thế, cần sớm triển khai thành lập các Trung tâm HH, CN&BVMT tại các Vùng CSB 2, 3 & 4 và đưa các trung tâm này đi vào hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Hai là, thực tiễn cho thấy trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của một số cán bộ thuyền còn hạn chế,chủ quan, thiếu bản lĩnh trong xử lý các tình huống; còn xem nhẹ việc tự học, tự nghiên cứu và ôn luyện kiến thức chuyên ngành; chấp hành chưa nghiêm các quy định, quy tắc bảo đảm an toàn hàng hải khi điều động tàu; cơ quan ngành dọc về hàng hải ở các cấp trong lực lượng kiểm tra, bám nắm cơ sở, chấn chỉnh, hướng dẫn chỉ đạo chưa kịp thời; chưa thực sự làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp về công tác bảo đảm an toàn hàng hải. Nên cần phải chú trọng, tập trung hơn nữa công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý, trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên; tăng cường tổ chức hội thi, hội thao chuyên ngành; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân tự trau dồi, học hỏi nâng cao trình độ. Đơn vị cơ sở cần tích cực, chủ động phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đề xuất phương án, kế hoạch thực hiện công tác hàng hải và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị mình.
Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng nhận thức đầy đủ và xác định đúng đắn vị trí vai trò của lực lượng CSBVN là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và TKCN trên biển để luôn chủ động, cảnh giác, đề phòng và chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Bốn là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ TKCN, tính chủ động trong nắm bắt, xử lý thông tin còn hạn chế; cơ chế chỉ huy điều hành, phối hợp còn chưa đồng bộ, thống nhất và linh hoạt. Do vậy, phải tăng cường tính hệ thống, tính thống nhất trong công tác chỉ huy, điều hành, chỉ đạo lực lượng TKCN. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong toàn lực lượng, tổ chức phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng từ trên xuống dưới và giữa các lực lượng cùng thực hiện nhiệm vụ. Thực tế cho thấy để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ thì nhiệm vụ phối hợp là nhiệm vụ chính,chủ yếu, hàng đầu của tất cả các lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, đặc biệt là lực lượng chuyên trách.
Năm là, phải có chiến lược đầu tư phát triển phương tiện, trang bị TKCN đủ mạnh, song song với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cơ bản chuyên sâu đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng và ứng phó với các tình huống TKCN có thể xảy ra trên biển.
Sáu là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, chăm lo về mọi mặt đến đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Bảy là, thường xuyên tổ chức rútkinh nghiệm, làm các báo cáochuyên đề, chú trọng công tác sơ,tổng kết để công tác hàng hải,TKCN ngày càng đi vào nền nếp vàcó hiệu quả.
Tám là, duy trì nghiêm chế độ trực tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ tại các đơn vị trong toàn lực lượng; mục tiêu, biện pháp chính, chủ yếu để thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển là: “Nhanh chóng - Kịp thời - An toàn - Hiệu quả”.
Nhìn lại chặng đường 15 năm, từ buổi đầu mới thành lập trong bối cảnh thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị, tàu thuyền, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ, nhận thức về vai trò của công tác bảo đảm hàng hải và TKCN còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật về hàng hải của người dân chưa cao, địa bàn quản lý của lực lượng rộng lớn. Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng ủy, Chỉ huy Cục CSB và Đảng ủy, Chỉ huy các cấp; sự giúp đỡ của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, các Bộ, Ngành Trung ương, Chính quyền các địa phương ven biển và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng; sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhân viên Ngành HH, CN&BVMT, công tác bảo đảm hàng hải cho tàu thuyền và TKCN trên biển đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào thành tích chung của Cục trong việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn và duy trì pháp luật trên biển. Bước sang giai đoạn mới bên cạnh những thuận lợi, nhiệm vụ bảo đảm hàng hải và TKCN sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực vàcó hiệu quả. Có như vậy mới thực sự đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho./.
Đại tá Nguyễn Thống Nhất - Trưởng phòng HH, CN & BVMT/ Cục Cảnh sát biển