Bộ Tham mưu Cảnh sát biển: Xứng đáng là cơ quan chỉ huy của người chỉ huy - trung tâm hiệp đồng tác chiến của Lực lượng

20/08/2018 09:10:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Thực hiện Quyết định số 1069/QĐ-BQP ngày 28/8/1998 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Lực lượng Cảnh sát biển và Quyết định số 589/QĐ-TM ngày 3/9/1998 của Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam về biểu biên chế Cục Cảnh sát biển,  ngày 4/9/1998, Tư lệnh Hải quân ký Quyết định số 3560/QĐ-QC về việc triển khai biểu biên chế Cục Cảnh sát biển. Theo đó, thành lập Phòng Tham mưu - Kế hoạch và 6 phòng ban khác thuộc Cục Cảnh sát biển. Đây là tiền thân của Bộ Tham mưu Cảnh sát biển ngày nay.

Thời kỳ đầu mới thành lập, Cục Cảnh sát biển nói chung, Phòng Tham mưu - Kế hoạch Cảnh sát biển nói riêng gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhà ở, trang bị, phương tiện, quân số và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ, Lực lượng Cảnh sát biển không ngừng phát triển lớn mạnh; tổ chức biên chế của Phòng Tham mưu - Kế hoạch cũng luôn được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Đến tháng 12/2014, Phòng Tham mưu được nâng cấp lên thành Bộ Tham mưu/Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (theo Quyết định số 5397/QĐ-BQP ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Tổ chức đảng được nâng cấp từ Đảng bộ Phòng Tham mưu thành Đảng bộ Bộ Tham mưu và thành lập Ban Thường vụ. Đây là sự trưởng thành vượt bậc của ngành Tham mưu Cảnh sát biển, đồng thời là sự ghi nhận tầm quan trọng của công tác tham mưu trong giai đoạn cách mạng mới.

Là cơ quan chỉ huy của người chỉ huy - trung tâm hiệp đồng tác chiến các lực lượng trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tham mưu đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Tham mưu tác chiến, huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật, xây dựng lực lượng, cứu hộ, cứu nạn và hoạt động nghiên cứu khoa học, duy trì Trang tin điện tử canhsatbien.vn, Tạp chí Cảnh sát biển Việt Nam và các mặt công tác bảo đảm khác trong cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đồng thời xây dựng Đảng bộ TSVM, Bộ Tham mưu VMTD. 

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển kiểm tra công tác huấn luyện, đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển. (Ảnh: Anh Tuấn)

Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển mà trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tham mưu; sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong và ngoài lực lượng; sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương nơi đóng quân, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng Bộ Tham mưu Cảnh sát biển đã kế thừa và phát huy bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội và Cảnh sát biển, luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu có hiệu quả cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, góp phần xây dựng Cảnh sát biển cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao. Trong 20 năm qua Bộ Tham mưu Cảnh sát biển đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ:

- Tham mưu có hiệu quả cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, hiệu quả các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), nhiệm vụ BM, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển. Triển khai điều hành trên 5.380 lượt tàu, xuồng thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; phát hiện trên 39.800 lượt/chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, trong đó phát hiện, theo dõi trên 850 lượt/tàu quân sự, 2.287 lượt/tàu chấp pháp, 4.099 lượt/giàn khoan, tàu nghiên cứu thăm dò, tàu phụ hành nước ngoài hoạt động và dịch chuyển; kịp thời tuyên truyền, yêu cầu trên 26.800 lượt/tàu vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời chủ động quay phim, chụp ảnh, lập biên bản các tàu nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta làm tư liệu để đấu tranh ngoại giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế của đất nước.

- Duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ ở các cấp từ sở chỉ huy đến các đơn vị theo Chỉ lệnh số 82/CL-BQP ngày 14/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chỉ lệnh số 2255/CL-CSB-TM ngày 06/11/2009 của Tư lệnh Cảnh sát biển về công tác SSCĐ của Lực lượng; Chỉ lệnh số 27, số 28/CL-BTTM ngày 03/12/2012 của Bộ Tổng Tham mưu về xử trí các tình huống tác chiến phòng không, tác chiến bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam; các chỉ thị, hướng dẫn của BTL Cảnh sát biển về công tác SSCĐ và xử trí các tình huống trên biển. Lực lượng, phương tiện trực luôn đảm bảo sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có lệnh.

- Tham mưu có hiệu quả cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhiệm vụ “Chủ trì phối hợp các lực lượng, các quân khu, địa phương ven biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp dân sự, chống nước ngoài hạ đặt giàn khoan, thăm dò trái phép vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền”, tổ chức đấu tranh với các hoạt động thăm dò, trinh sát, đánh bắt trộm hải sản, tìm kiếm tài nguyên của nước ngoài trên vùng biển của ta và các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển… Đặc biệt, năm 2014 đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đấu tranh thắng lợi nhiệm vụ CH-14, yêu cầu giàn khoan HD-981 của nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

- Làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh trong nâng cao chất lượng huấn luyện, thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Thiết thực, cơ bản, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, nâng cao trình độ làm chủ VKTB mới, huấn luyện nghiệp vụ pháp luật, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ tàu; huấn luyện thành thạo các phương án BM và chống cướp biển, cướp có vũ trang, buôn lậu, gian lận thương mại, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh trong phối hợp, liên kết với các học viện, nhà trường trong, ngoài quân đội và đối tác nước ngoài đào tạo nguồn cán bộ. Tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp; khuyến khích phong trào tự học, tự rèn; tăng huấn luyện thực hành, thực tế, nâng cao chất lượng diễn tập, hội thi, hội thao, đổi mới công tác kiểm tra, phúc tra để nâng cao chất lượng huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Duy trì nghiêm nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật ở cơ quan và đơn vị. Tham mưu, đề xuất cho Đảng ủy, Thủ trưởng BTL ra các chỉ thị, hướng dẫn quy định xây dựng chính quy trong Lực lượng Cảnh sát biển nhằm thống nhất và chấp hành nghiêm chế độ quy định, giảm các vụ việc vi phạm kỷ luật. Theo dõi chỉ đạo các cơ quan đơn vị quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, quy định của trên về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, hằng năm tỉ lệ vi phạm kỷ luật dưới 0,02%.

- Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh về tổ chức, biên chế và trang bị, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, ưu tiên biên chế quân số cho các đơn vị cơ sở, đơn vị hoạt động thường xuyên trên biển. Làm tốt công tác đối ngoại quân sự, tăng cường hợp tác quốc tế. Bảo đảm an toàn Hội nghị Những người đứng đầu Cảnh sát biển châu Á lần thứ 7 có sự tham gia của đại diện 18 quốc gia và vùng lãnh thổ; chủ động tích cực tăng cường quan hệ với lực lượng Cảnh sát biển các nước, đặc biệt là trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lựa chọn, tiếp nhận nhiều trang thiết bị viện trợ của các nước để nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam. Làm tốt công tác trao đổi thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang; phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn với các cơ quan liên quan và lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, thực hiện tốt quan điểm, chính sách đối ngoại và chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng, Nhà nước.

- Tham mưu có hiệu quả cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sử dụng, điều động lực lượng đấu tranh trấn áp có hiệu quả với các loại tội phạm vi phạm trên biển, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang và nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác với 1.352 chuyên án, vụ án (trong đó tiến hành khởi tố 244 vụ); bắt giữ 3.495 đối tượng. Tang vật thu giữ 8,61 tấn nhựa cần sa, 52,9 kg cần sa khô, 1.548 bánh heroin, 245,42 kg + 145.765 viên ma túy tổng hợp; 178 kg thuốc phiện; 62 khẩu súng + 1.195 viên đạn các loại; 126 xe ôtô, 586 xe máy, 1.595 ĐTDĐ, hơn 14 tỷ đồng và nhiều vật chứng có liên quan... Đặc biệt, đã chỉ đạo giải cứu thành công 4 tàu cá tỉnh Kiên Giang và 01 tàu cá tỉnh Cà Mau với 53 ngư dân bị đối tượng người nước ngoài dùng vũ khí uy hiếp, cướp tài sản; bắt 04 đối tượng người nước ngoài, thu 03 súng AK (88 viên đạn), 01 súng K59 (05 viên đạn); đã phát hiện, khống chế, bắt giữ 11 tên cướp biển người Indonesia cướp Tàu chở dầu Zafirah mang quốc kỳ Malaysia vào tháng 11/2012, bảo đảm an toàn về người, trang bị, tàu bị cướp cùng 300 tấn dầu nhẹ trên tàu, mang lại uy tín cao cho Cảnh sát biển Việt Nam trên trường quốc tế.

- Thực hiện tốt việc tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và trực tiếp chỉ đạo lực lượng trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường biển. Từ ngày thành lập đến nay đã điều hành tổ chức sử dụng trên 296 lượt phương tiện tàu, xuồng và 2 máy bay CASA thực hiện 182 vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, kết quả cứu được 1.079 người và 95 phương tiện. Hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm 2 máy bay thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân gặp nạn tại khu vực Đảo Phú Quý (năm 2014) và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn máy bay Su 30MK2,  máy bay CASA  212 (năm 2016), hiệp đồng với Quân chủng Phòng không - Không quân điều 02 máy bay CASA tìm kiếm máy bay mất tích của hãng Hàng không Malaysia số hiệu MH370.

- Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, kết quả thông tin liên lạc luôn đạt và vượt 99,8%; Cơ yếu mã, dịch điện, FAX luôn đảm bảo kịp thời, chính xác không để tồn đọng, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đến các Bộ Tư lệnh Vùng, Cụm, các biên đội tàu làm nhiệm vụ trên biển và đến các cơ quan chức năng theo quy định. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành kỹ thuật của toàn Lực lượng phục vụ cho công tác chỉ huy, quản lý điều hành, bảo đảm bí mật, an toàn.

- Chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh trong xây dựng hệ thống khoa học nghệ thuật quân sự Cảnh sát biển, trọng tâm hệ thống lý luận: Xây dựng Điều lệnh tàu, Điều lệnh tác chiến phù hợp nhiệm vụ, chức năng Cảnh sát biển; đối sách, giải pháp sử dụng lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; trong tuần tra, kiểm soát thực thi pháp luật; trong đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Ban hành một số văn bản, hướng dẫn theo Thông tư mới của Bộ Quốc phòng về hoạt động khoa học quân sự và thông tin khoa học quân sự; nâng cao chất lượng hoạt động Tạp chí Cảnh sát biển.

- Thực hiện tốt Cuộc vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”, thực hiện có hiệu quả hai khâu đột phá của ngành kỹ thuật về “Xây dựng nền nếp chính quy, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật”. Thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua của các cấp, các ngành phát động... Bảo đảm kịp thời tài chính cho các dự án và các hoạt động thường xuyên, đột xuất của cơ quan; thanh quyết toán hàng năm bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, không để thất thoát, lãng phí. Chú trọng nâng cao chất lượng con người, cơ sở vật chất, phương tiện trang bị theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có tính chuyên nghiệp cao”.

- Chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, thi đua, văn hóa văn nghệ được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Hoàn thành 100% nội dung chương trình giáo dục chính trị hàng năm, quân số tham gia đạt 98,8% trở lên; tổ chức học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho 100% cán bộ, chiến sĩ. Kiểm tra nhận thức năm các đối tượng 100% đạt yêu cầu; 100% cán bộ, chiến sĩ toàn Lực lượng có lập trường chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

- Thường xuyên quan tâm xây dựng các tổ chức Đảng đạt TSVM, làm cơ sở cho lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tỷ lệ tổ chức Đảng đạt TSVM hằng năm từ  98,5% - 100%. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm luôn đạt từ 75- 85%. Kịp thời tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05/BCT, Chỉ thị 87/QUTW về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 202/CT-BTL về thực hiện Phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”.

- Chủ động tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt; xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Giữ vững mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, bảo đảm an toàn về chính trị nội bộ. Thực hiện tốt công tác chính sách, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Duy trì thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quần chúng; triển khai thực hiện tốt việc xây dựng “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”; quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình gặp rủi ro, những đồng chí hiếm muộn con cái, làm tốt công tác chính sách Quân đội và hậu phương Quân đội.

Với sự cố gắng nỗ lực không ngừng, Bộ Tham mưu Cảnh sát biển đã được tặng thưởng: Cờ Thi đua Bộ Quốc phòng (2015, 2016); Đơn vị Quyết thắng (2004, 2006, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013); Bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân (2002), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2013), Bằng khen của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (2015, 2016); 02 Bằng khen của Bộ Quốc phòng (2017). Giấy khen BTL Cảnh sát biển (2009; 2013, 2014). Giấy khen về Đảng (2004, 2006, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2015, 2016).

Để Bộ Tham mưu luôn làm tròn nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cơ quan chỉ huy đầu não của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì phải nêu cao vai trò trách nhiệm, gương mẫu, ra sức học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là khả năng nắm bắt, dự báo, xử lý và tham mưu đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp có hiệu quả các mặt công tác. Điều chỉnh, kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế Bộ Tham mưu theo hướng tinh gọn, cơ động, có sức chiến đấu cao; nâng cao chất lượng huấn luyện sát với thực tế thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo sát đúng các tình huống, kịp thời đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, Quân ủy Trung ương và Nhà nước những chủ trương, đường lối đúng đắn; điều chỉnh, bổ sung các phương án SSCĐ, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; nâng cao chất lượng công tác tổng kết nghiên cứu, bổ sung, phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Cảnh sát biển Việt Nam. Xây dựng Bộ Tham mưu vững mạnh toàn diện, thực sự mẫu mực về nền nếp chính quy và rèn luyện kỷ luật, tiêu biểu về thực hiện các chế độ, nền nếp công tác tham mưu trong toàn lực lượng. Chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng, gắn xây dựng Đảng bộ Bộ Tham mưu trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ; chủ động đấu tranh ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Bộ Tham mưu vững vàng về chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng và Nhà nước.

Có thể nói, chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành với biết bao khó khăn, thử thách đã tôi luyện cho ngành Tham mưu Cảnh sát biển thêm bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhiệt huyết đối với nhiệm vụ của mình. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ những người làm công tác Tham mưu Cảnh sát biển hôm nay, nhìn lại 20 năm truyền thống vẻ vang của lực lượng, lại càng cảm thấy vinh dự, tự hào, đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao nhưng cũng là động lực thúc đẩy để mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác tham mưu Cảnh sát biển không ngừng vươn lên, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Thiếu tướng PHẠM KIM HẬU

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com