Các cơ quan thông tấn báo chí tích cực tham gia thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam

18/05/2022 03:35:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Nhằm phát huy tối đa ưu thế của các kênh tuyên truyền, các loại hình thông tin, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các ban, ngành, địa phương trên cả nước để tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Trong hơn 3 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019 - 2023”, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện đề án và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quân đội, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo An ninh Thủ đô, các trang tin, báo điện tử, báo giấy, các nền tảng mạng xã hội để tổ chức tuyên truyền rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Phóng viên các báo đài tác nghiệp để tuyên truyền về Lực lượng Cảnh sát biển.

Theo kế hoạch tổng thể và hằng năm của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền của cơ quan, đơn vị mình; tổ chức mở mới nhiều chuyên trang, chuyên mục, xây dựng nhiều chương trình, tăng thời lượng phát sóng, qua đó đã đăng tải kịp thời hơn 2.000 tin, bài; hơn 40 phóng sự, phim tài liệu, gần 300 video clip, chương trình phát thanh để tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và kết quả triển khai thi hành Luật, kết quả thực hiện Đề án... 

Tiêu biểu như: Đài Truyền hình Việt Nam mở mới các chuyên mục: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Vươn khơi cùng Cảnh sát biển”, đưa nội dung tuyên truyền Luật Cảnh sát biển vào các chuyên mục: “Pháp luật và cuộc sống”, “Hộp thư truyền hình”, “Phổ biến kiến thức”, “Thông tin chính sách và pháp luật”...; Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố mở chuyên trang, chuyên mục: “Vì chủ quyền biển đảo”, “Vì chủ quyền, an ninh biên giới”; Báo Quân đội Nhân dân có chuyên mục: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, chuyên trang “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”; Báo Quân đội Nhân dân điện tử và website “Quỹ vì biển đảo Việt Nam" đăng tải hàng trăm bài viết về Cảnh sát biển trên các phiên bản bằng 5 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Khơ-me); Cổng Thông tin điện tử và Tạp chí Cảnh sát biển Việt Nam đã mở mới 3 chuyên mục: “Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam”; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật”; “Cuộc thi Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam”…

Trưng bày các ấn phẩm báo chí tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam. 

Nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã bố trí phóng viên chuyên trách, giành nhiều dung lượng, thời lượng vào các khung “giờ vàng” để đăng tải các nội dung tuyên truyền về Cảnh sát biển và Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Tiêu biểu như: Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội đã thực hiện hơn 150 chương trình “Biển đảo Tổ quốc”; xây dựng và phát sóng 14 phim, 86 video clip; đưa 160 tin, bài tuyên truyền Luật Cảnh sát biển và Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Ban Media Báo Quân đội nhân dân điện tử đăng tải hơn 1.200 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, phóng sự truyền hình và hơn 500 bài viết hỏi đáp pháp luật về Lực lượng Cảnh sát biển…

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam với nội dung, hình thức phong phú, được tiến hành thường xuyên, liên tục trên các báo đài, thông tin đại chúng trong thời gian qua đã thật sự trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu để đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi sâu, bén rễ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân nắm được đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển, đảo; biết rõ, hiểu đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới; nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong tham gia hoạt động thực thi pháp luật trên biển, từ đó phối hợp cùng Cảnh sát biển thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, duy trì thực thi pháp luật trên biển và xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.

Liên Nhi

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com