Hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam

15/09/2020 09:56:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Hợp tác quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực, khả năng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác nói chung trong hoạt động bảo vệ tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển; cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển. Phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật, chủ chương, chính sách về hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà nước; bảo đảm hợp tác quốc tế để giải quyết, xử lý các tình huống trên biển, xử lý hài hòa các mối quan hệ với đối tác, đối tượng của Nhà nước; giữ vững ổn định và hòa bình trên biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.

 

Tàu CSB 8001 của Cảnh sát biển Việt Nam tham gia diễn tập với Cảnh sát biển Ấn Độ. (Ảnh: Đức Hạnh)

Tại Mục 3 “Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam” thuộc Chương III - Hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định chi tiết về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế của Lực lượng Cảnh sát biển, cụ thể là:

Về nguyên tắc hợp tác quốc tế (Điều 19):

  1. Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
  2. Phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.

Về nội dung hợp tác quốc tế (Điều 20)

  1. Phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
  2. Phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán vũ khí trái phép, khủng bố, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
  3. Phòng, chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng, chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
  4. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam.
  5. Các nội dung hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

Về hình thức hợp tác quốc tế (Điều 21)

  1. Trao đổi thông tin về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
  2. Tổ chức hoặc tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế về an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển.
  3. Tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế với lực lượng chức năng của quốc gia khác, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
  4. Phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển.
  5. Tham gia diễn tập, huấn luyện; tổ chức đón, thăm xã giao lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
  6. Thực hiện các hoạt động của cơ quan thường trực, cơ quan đầu mối liên lạc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.
  7. Các hình thức hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.

Thực tiễn 22 năm qua, trên cơ sở các quy định của pháp luật và chủ chương, chính sách về hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Nhà nước, Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng được nhiều quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới; khẳng định được vị trí, vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng nói riêng, đối ngoại của Nhà nước nói chung.

Có thể kể tới một số thành tựu nổi bật trong hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam như: Cảnh sát biển Việt Nam đã ký văn bản hợp tác với: Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines; Ủy ban Quốc gia an ninh hàng hải Campuchia; Lực lượng Bảo vệ biển Indonesia; phối hợp với Cảnh sát biển Trung Quốc hoàn chỉnh dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bên và đang báo cáo các cơ quan chức năng để tổ chức ký trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản. Đây là những lực lượng có năng lực thực tế và bề dày kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển. Trong các văn bản hợp tác đã ký, các bên đều coi trọng nhiệm vụ chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu nạn. Các nội dung hợp tác này là điều kiện cần thiết trong việc xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam là đại diện cho chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định liên chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; là thành viên của Hội nghị những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á. Cảnh sát biển Việt Nam là đại diện của Việt Nam tham gia Sáng kiến thực thi pháp luật trên biển Vịnh Thái Lan; là đại diện của Việt Nam duy trì hoạt động tuần tra song phương, giám sát nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực vịnh Bắc Bộ.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam duy trì hoạt động tuần tra song phương, giám sát nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Chu Anh)

Cảnh sát biển Việt Nam có Trung tâm trao đổi thông tin liên lạc, duy trì hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm, cứu nạn trên biển với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia; thường xuyên duy trì đường dây nóng với 07 quốc gia trong khu vực; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, tổ chức diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang, buôn bán vận chuyển ma túy, buôn lậu gian lận thương mại và tìm kiếm cứu nạn với Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản; Hàn Quốc và Ấn Độ; đồng thời tổ chức các đợt tham quan, học hỏi và tiếp cận mô hình tổ chức Lực lượng Cảnh sát biển tiên tiến của các nước châu Âu như Thụy Điển, Tây Ban Nha để có so sánh, lựa chọn và vận dụng sáng tạo vào mô hình, xây dựng, phát triển. Các đơn vị Cảnh sát biển cũng đã chủ trì đón tiếp nhiều lượt tàu thực thi pháp luật trên biển các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đến thăm và giao lưu. Qua các hoạt động thăm tàu, cán bộ, chiến sĩ hai Bên cùng nhau tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, xử lý ô nhiễm môi trường biển và cùng nhau luyện tập tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần làm phong phú hơn kiến thức và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Hội nghị rút kinh nghiệm thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng với Ủy ban quốc gia An ninh hàng hải Campuchia. (Ảnh: QHQT)

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; kịp thời đề xuất, lựa chọn những lĩnh vực đối ngoại cần thiết và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Lực lượng; lựa chọn đối tác phù hợp để hợp tác, ký kết các thỏa thuận song phương trong khuôn khổ thực thi pháp luật trên biển; tích cực tham gia vào các hoạt động song phương, đa phương nghiêm túc, đầy đủ; trong các diễn đàn đa phương, tích cực tham luận, đề xuất các sáng kiến có giá trị, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam trên trường quốc tế./.

Trung Kiên

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com