30/05/2020 04:20:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 đã góp phần nâng cao vị thế, sức mạnh của Lực lượng Cảnh sát biển và tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ biển trong tình hình mới.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều, được xây dựng trên cơ sở thể chế đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tể biển Việt Nam; tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam, sự tương thích với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời có sự kế thừa các quy định có giá trị của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và có vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, trưởng thành của Lực lượng. Cùng với các quy định về hệ thống tổ chức cơ bản, ngày truyền thống, tên giao dịch quốc tế, con dấu, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết, trang phục của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, các điều khoản quy định khác tại Luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của lực lượng, trực tiếp góp phần nâng cao vị thế, sức mạnh của Lực lượng và tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ biển trong tình hình mới. Cụ thể là:
Thứ nhất, Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định rõ vị trí, vai trò của Lực lượng Cảnh sát biển: là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình vùng biển, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng; môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt,… Vì vậy, yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của các lực lượng chức năng trên biển là cấp thiết. Việc xác định rõ Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của nhà nước làm nòng cốt trong thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Cảnh sát biển trong tình hình mới, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển. Quy định này không chỉ là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển mà còn là căn cứ đảm bảo sự đầu tư của Nhà nước được tập trung, thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển.
Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển cho cán bộ, tuyên truyền viên cơ sở và ngư dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ảnh: Trung Kiên
Thứ hai, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã xác định rõ 03 chức năng của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là: (1) Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển; (2) Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; (3) Quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Trước đó, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chưa quy định rõ chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia cho Lực lượng Cảnh sát biển; chưa quy định nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam và các biện pháp công tác Cảnh sát biển. Điều này đã làm hạn chế vai trò, trách nhiệm và tính chính danh của Lực lượng Cảnh sát biển trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thời bình và trong việc chiến đấu, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc khi có xung đột biển đảo và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, các hành vi xâm lấn về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông đang diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang và chiến tranh trên biển, đòi hỏi sự khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết và hành động đúng đối sách. Việt Nam luôn cam kết giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế hiện đại. Việc sử dụng Lực lượng Cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển trong điều kiện tình hình vùng biển hiện nay là phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp phi vũ trang, bảo đảm hòa bình, ổn định và tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế; làm bớt đi tính nhạy cảm, không để cho các thế lực lợi dụng đẩy lên thành xung đột.
Thứ ba, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ ràng, cụ thể về 07 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn và phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Đặc biệt, Luật bổ sung quy định về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ở vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài. Đây là tư duy mới, thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu, thể hiện trách nhiệm của quốc gia có biển trong bảo đảm an ninh hàng hải; góp phần xây dựng vùng biển an toàn, hòa bình, hữu nghị. Việc quy định Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ở vùng biển quốc tế và vùng biển nước ngoài không chỉ tạo hành lang pháp lý để Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động ở vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài mà còn đáp ứng nhu cầu tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và thế giới; đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm, tội phạm xuyên quốc gia, vi phạm an ninh phi truyền thống…
Đối với các quy định về biện pháp công tác cảnh sát biển, từ thực tiễn hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho thấy, biện pháp công tác của Cảnh sát biển có tính đặc thù, phân biệt với các biện pháp nghiệp vụ của các lực lượng chức năng khác. Những nội dung về biện pháp công tác Cảnh sát biển trước đây chưa được quy phạm hóa đã làm ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất nhận thức và chỉ đạo, điều hành lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên thực tế. Do vậy, Việc quy định rõ về biện pháp công tác Cảnh sát biển tại Luật sẽ là cơ sở pháp lý để Cảnh sát biển Việt Nam - với vai trò là lực lượng bảo đảm thực thi pháp luật trên biển, thống nhất hình thức tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa lực lượng.
Thứ tư, Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam; chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Các quy định này đảm bảo được tính linh hoạt, chủ động trong quản lý điều hành hoạt động của Cảnh sát biển; vừa đáp ứng xu thế chung của thế giới về xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển có tính dân sự cao vừa đảm bảo Cảnh sát biển Việt Nam vẫn là lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng; đồng thời, đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam và nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung được nguồn lực xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam trong tình hình mới.
Việc quy định rõ vai trò quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam trong Luật có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của lực lượng. Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tư cách thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam là cần thiết, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ 2015 (Điều 33) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Thứ năm, Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Thực tế những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư, trang bị cho Cảnh sát biển với chủ trương xây dựng Cảnh sát biển tiến thẳng lên hiện đại. Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển cần tiếp tục được Đảng, Nhà nước đầu tư, trang bị thêm tàu thuyền có tải trọng lớn, hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên các vùng biển xa; Trang bị máy bay tuần thám, trực thăng cứu hộ cứu nạn, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại để giám sát tình hình mặt biển, tàu thuyền phương tiện hoạt động trên biển; Xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cảng, nơi neo đậu cho tàu thuyền của Cảnh sát biển và tạm giữ tàu thuyền, phương tiện vi phạm trên biển... Trước đòi hỏi từ thực tiễn đó, Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về ưu tiên nguồn lực xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bổ sung quy định để Cảnh sát biển Việt Nam chủ động nguồn nhân lực; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới; tạo thuận lợi cho Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân làm ăn hợp pháp trên biển; đồng hành cùng ngư dân hoạt động trong vùng biển Việt Nam và trên vùng biển quốc tế.
Thứ sáu, Luật Cảnh sát biển Việt Nam xây dựng một mục về Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam gồm 03 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam. Điều này nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng để Cảnh sát biển Việt Nam hợp tác với Cảnh sát biển/lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và vùng biển hòa bình, ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam.
Thứ bảy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam xây dựng riêng một chương về Phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó quy định có tính nguyên tắc về phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp của Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng liên quan. Đây là cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên thực tế.
Tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân.
Ảnh: Trung Kiên
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được xây dựng và ban hành đã đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi tất yếu và cấp thiết từ thực tiễn xây dựng một lực lượng nòng cốt về thực thi pháp luật trên biển. Đây cũng là một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng. Các điều khoản quy định tại Luật đã đảm bảo được tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần triển khai hiệu quả quy định của các luật quản lý chuyên ngành như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật bảo vệ môi trường 2013, Luật Hải quan 2014, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015… Đồng thời, đảm bảo cơ sở pháp lý viện dẫn, đảm bảo được tính tương đồng với thực tiễn lập pháp các nước trên thế giới. Từ đó góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ biển đảo và nâng cao vị thế, sức mạnh của Lực lượng Cảnh sát biển, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vững chắc các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tá Lê Trần Trung
Trưởng phòng PCTP&VP/Cục Nghiệp vụ và pháp Luật