11/06/2020 03:18:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Thiếu tướng Trần Văn Nam
Phó Tư lệnh Pháp luật/Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Cảnh sát viên, trinh sát viên là lực lượng trực tiếp áp dụng pháp luật, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tội phạm trên biển. Thời gian qua, việc tuyển chọn cán bộ để bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên luôn được Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển quan tâm coi trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật của Cảnh sát biển vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, có tính chuyên nghiệp cao.
Lực lượng chức năng Cảnh sát biển kiểm tra hàng hóa trên tàu vi phạm.
Yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn
Cảnh sát viên, trinh sát viên là lực lượng trực tiếp áp dụng pháp luật và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, thu thập, xử lý thông tin vi phạm, tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển… Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trên biển cho thấy yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của lực lượng cảnh sát viên, trinh sát viên. Điều đó, đòi hỏi lực lượng cảnh sát viên, trinh sát viên luôn phải được coi trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện không ngừng thông qua hoạt động thực tiễn.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 12/7/2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 94/2010/TT-BQP quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, mẫu Giấy chứng nhận cảnh sát viên, trinh sát viên thuộc Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Thông tư 94/2010/TT-BQP). Thông tư đề ra tiêu chuẩn để bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên của Lực lượng Cảnh sát biển, theo đó, ngoài các tiêu chuẩn chung như: là sĩ quan Cảnh sát biển; luôn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực; có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp luật; có thời gian hoạt động, công tác trong môi trường thực tiễn theo quy định; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao… thì yêu cầu đối với cảnh sát viên, trinh sát viên của Cảnh sát biển còn cần phải có trình độ cử nhân luật, là người am hiểu pháp luật, được đào tạo chính quy, có khả năng thực thi pháp luật. Để đáp ứng đầy đủ các quy định này, đòi hỏi lực lượng cảnh sát viên, trinh sát viên phải không ngừng rèn luyện, học hỏi vừa nâng cao trình độ nghiệp vụ, vừa giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tổng kết 09 năm thực hiện Thông tư 94/2010/TT-BQP cho thấy, văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cảnh sát viên, trinh sát viên Cảnh sát biển thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong 9 năm triển khai thực hiện theo Thông tư 94/2010/TT-BQP, Hội đồng Tuyển chọn cảnh sát viên, trinh sát viên Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định bổ nhiệm được 02 đợt với 94 cảnh sát viên, trinh sát viên trong toàn Lực lượng. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên đã được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ.
Tuy nhiên, xuất phát từ sự thay đổi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời và thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Lực lượng Cảnh sát biển, một số quy định tại Thông tư 94/2010/TT-BQP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như: Một số tiêu chuẩn bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên đến nay đã không còn phù hợp; tên gọi tổ chức và chức danh của Cảnh sát biển Việt Nam đã thay đổi… Thực tế này đòi hỏi cần phải xây dựng Thông tư mới thay thế cho Thông tư 94/2010/TT-BQP để quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và mẫu giấy chứng nhận cảnh sát viên, trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn trong tình hình mới.
Công tác triển khai Thông tư số 177/2019/TT-BQP
Để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, sau một thời gian nghiên cứu, soạn thảo, ngày 30/11/2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư số 177/2019/TT-BQP quy định tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và mẫu giấy chứng nhận cảnh sát viên, trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam (viết tắt là Thông tư 177/2019/TT-BQP), có hiệu lực thi hành từ ngày 16/01/2020 và thay thế Thông tư số 94/2010/TT-BQP.
Sau khi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 177/2019/TT-BQP, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng tổ chức quán triệt, triển khai nội dung của Thông tư đến từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cảnh sát biển. Tư lệnh Cảnh sát biển ban hành các quyết định, kế hoạch nhằm thống nhất triển khai Thông tư 177/2019/TT-BQP (Quyết định số 455/QĐ-BTL ngày 16/01/2020 của Tư lệnh Cảnh sát biển về việc ban hành Kế hoạch triển khai Thông tư 177/2019/TT-BQP; Quyết định số 939/QĐ-BTL ngày 07/02/2020 của Tư lệnh Cảnh sát biển về thành lập Hội đồng Tuyển chọn cảnh sát viên, trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam; Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn…). Đồng thời, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát, đề xuất bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp giấy chứng nhận cảnh sát viên, trinh sát viên. Việc tuyển chọn cán bộ để bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên Cảnh sát biển được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chung và tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ quy định tại Thông tư 177/2019/TT-BQP.
Ngày 22/02/2020, Hội đồng Tuyển chọn cảnh sát viên, trinh sát viên của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển ban hành Kế hoạch số 1509/QĐ-HĐTC về việc xét, bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên Cảnh sát biển đợt 1 năm 2020. Theo đó, không bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên đối với cán bộ không trực tiếp làm công tác nghiệp vụ pháp luật hoặc hướng dẫn công tác nghiệp vụ pháp luật như: cán bộ chính trị của các Đoàn trinh sát, Đoàn đặc nhiệm PCTP ma túy và cán bộ công tác ở cơ quan, đơn vị không làm công tác nghiệp vụ pháp luật. Đối với các trường hợp cán bộ đã được cấp thẻ trinh sát viên nhưng đến nay không làm nhiệm vụ trinh sát, mà làm công tác hướng dẫn, điều tra, theo dõi xử lý vi phạm hành chính sẽ được đề nghị bổ nhiệm cảnh sát viên.
Việc bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên ngạch cao cấp, trung cấp phải căn cứ vào cấp bậc, chức vụ, vị trí công tác, cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi nghiệp vụ cấp trên để đề nghị bổ nhiệm cho phù hợp, tránh trường hợp các cơ quan, đơn vị chỉ căn cứ vào thời gian làm công tác pháp luật để đề nghị bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên trung cấp, cao cấp. Đối với cán bộ là nữ đã được bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên trước đây sẽ được xem xét bổ nhiệm lại, không nâng ngạch vì không trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển hoặc nhiệm vụ trinh sát địa bàn. Đối với những cán bộ đã được cấp thẻ cảnh sát viên, trinh sát viên trước đây nhưng không làm công tác nghiệp vụ pháp luật do chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác trong và ngoài lực lượng Cảnh sát biển sẽ bị thu hồi thẻ.
Tính đến tháng 4/2020, Cơ quan Thường trực của Hội đồng tuyển chọn cảnh sát viên, trinh sát viên Cảnh sát biển đã rà soát, tổng hợp được hơn 250 hồ sơ của các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đủ điều kiện đề nghị bổ nhiệm cảnh sát viên, trinh sát viên đợt 1 năm 2020. Hơn 250 cảnh sát viên, trinh sát viên dự kiến được bổ nhiệm đợt này đều là những cán bộ ưu tú, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Cảnh sát biển Việt Nam.
Bên cạnh việc tuyển chọn, bổ nhiệm thì công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện pháp luật cũng được lực lượng triển khai thường xuyên, nghiêm túc. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng đưa nội dung Thông tư 177/2019/TT-BQP vào chương trình tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ pháp luật năm 2020 cho toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Lực lượng Cảnh sát biển. Ngoài ra, nội dung của Thông tư 177/2019/TT-BQP cũng được đưa vào Kế hoạch tổ chức Hội nghị Tập huấn trực tuyến Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 trên phạm vi toàn quốc cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, toàn quân và các cơ quan, tổ chức liên quan theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023; Quyết định số 5412/QĐ-BQP ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019-2023./.