26/06/2020 10:47:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển hiện hành, Điều 10 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, như sau:
(1) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên;
(2) Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển;
(3) Cảnh giác, giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác; thực hiện nghiêm biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam;
(4) Tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam;
(5) Thường xuyên học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và rèn luyện thể lực;
(6) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định, hành vi của mình khi thực hiện nhiệm vụ.
Có thể nói, việc quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong một văn bản có tính pháp lý cao nhất là Luật Cảnh sát biển cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đối với sự phát triển của một Lực lượng nòng cốt trong duy trì thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trên biển cũng như tầm quan trọng của yếu tố “con người” trong xây dựng, phát triển Lực lượng này.
Cảnh sát biển cứu chữa cho ngư dân bị nạn trên biển.
Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao” để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng và xứng tầm là lực lượng nòng cốt, chuyên trách của Nhà nước trong duy trì pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Để xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển vững mạnh toàn diện, cần phải dựa trên nhiều yếu tố: về con người, về nguồn lực, về trang bị, phương tiện… nhưng trước hết là xây dựng con người. Mà, xây dựng yếu tố con người thì không thể thiếu một hệ thống các quy định, các điều cấm, các đòi hỏi, yêu cầu về trách nhiệm, nghĩa vụ và giá trị đạo đức căn bản của chủ thể trong quá trình xây dựng đó.
Nhận thức rõ vai trò then chốt, có tính quyết định của yếu tố “con người” đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ Cảnh sát biển nói riêng, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển nói chung, những năm qua, bên cạnh việc quán triệt sâu sắc, giáo dục thường xuyên cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển về nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân khi đứng trong hàng ngũ của Lực lượng, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn coi trọng xây dựng yếu tố con người, coi đây là cái gốc, là nền móng quan trọng để bảo đảm cho Lực lượng phát triển đúng định hướng và đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra. Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo việc xây dựng “con người” Cảnh sát biển; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện, trau dồi cho mọi cán bộ, chiến sĩ về nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân, về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, hành vi ứng xử… Coi đây là nền tảng cơ bản để xây dựng Lực lượng vững mạnh toàn diện.
Các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã thể chế hóa được nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, giúp mỗi cá nhân cán bộ, chiến sĩ thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, từ đó tạo động lực tự thân để phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
Trung Kiên