Phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018

26/08/2020 03:06:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Lực lượng Cảnh sát biển và có vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, trưởng thành của Lực lượng. Cùng với các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,… Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã quy định rõ phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển. Qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Lực lượng, trực tiếp góp phần nâng cao vị thế, sức mạnh của Cảnh sát biển Việt Nam và tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ biển trong tình hình mới. 

Về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, tại Điều 11 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định như sau:

  1. Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
  2. Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

Trước đó, ngay từ khi thành lập Lực lượng Cảnh sát biển, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 đã quy định: Cảnh sát biển hoạt động từ lãnh hải trở ra. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, quy định này có nhiều bất cập và không phù hợp thực tiễn. Vì vậy, đến năm 2008, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 được sửa đổi bổ sung, đã quy định về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển tại Điều 3, như sau: “Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tàu CSB 8004 thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Như vậy, so với Pháp lệnh năm 2008 thì phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có một điểm mới là: tại khoản 2 Điều 11 quy định về trường hợp hoạt động “ngoài vùng biển Việt Nam”. Việc bổ sung quy định về phạm vi hoạt động: “Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam” được hiểu là Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ở cả các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài) trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đây là một tư duy mới, thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu, thể hiện trách nhiệm của quốc gia có biển trong bảo đảm an ninh hàng hải; góp phần xây dựng vùng biển an toàn, hòa bình, hữu nghị.
Việc quy định mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ra “ngoài vùng biển Việt Nam” đến cả các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài) xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển, cụ thể là:

Thực tế hiện nay, vùng nội thủy nước ta có nhiều lực lượng cùng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, song ngoài vùng nội thủy như vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là địa bàn rộng, rất quan trọng, cần phải có lực lượng đủ mạnh được trang bị hiện đại thì mới đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn; phối hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có yếu tố xuyên quốc gia. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Cảnh sát biển là lực lượng được trang bị nhiều tàu thuyền hiện đại, có lượng giãn nước lớn, có khả năng hoạt động dài ngày trên những vùng biển xa và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Chính vì vậy Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ ở những khu vực ngoài vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, pháp luật hành chính xảy ra trên biển đều có mối liên hệ với các địa bàn ngoài vùng biển Việt Nam (trên đất liền, vùng biển quốc tế, vùng biển quốc gia khác). Mối liên hệ có thể xuất phát từ đối tượng, trụ sở, kho tàng, tang vật, tài liệu… đặc biệt đối với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia liên quan tới mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, khủng bố, ma túy, buôn người, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển… Do đó, để đảm bảo tính liên tục trong thực hiện các hoạt động điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam cần có phạm vi hoạt động đủ rộng đi liền với hành lang pháp lý để hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc tế, nhân đạo, hòa bình và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Thực tiễn hơn 20 năm qua, Cảnh sát biển đã đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện quyền truy đuổi, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên các vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam theo các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Do đó, việc Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: “Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam” là phù hợp và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Quy định này không chỉ tạo hành lang pháp lý để CSB VN tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động ở vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài mà còn đáp ứng nhu cầu tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và thế giới; đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm, tội phạm xuyên quốc gia, vi phạm an ninh phi truyền thống, qua đó thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu, thể hiện trách nhiệm của quốc gia có biển trong bảo đảm an ninh hàng hải; góp phần xây dựng vùng biển an toàn, hòa bình, hữu nghị.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 11 cũng quy định rõ: “Khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam”. Quy định này nhằm đảm bảo tính hợp pháp, tính tương đồng với luật pháp của các nước trên thế giới và giúp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam.

Hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mang tính quốc tế cao, tác động trực tiếp tới hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, Cảnh sát biển Việt Nam cần phải thể hiện vai trò, trách nhiệm là một lực lượng chức năng nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển của một quốc gia có trách nhiệm. Cảnh sát biển Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia khác trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, thực hiện quyền truy đuổi, tiến hành tuần tra chung, diễn tập an ninh hàng hải, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, v.v. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh, có kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng, quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Thông qua đó, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ về trang bị, phương tiện, đào tạo.

Có thể nói, với các quy định tại Điều 11 Luật Cảnh sát biển Việt Nam về phạm vi hoạt động không chỉ tạo cơ sở pháp lý để mở rộng địa bàn, phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, tạo cơ hội để Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện trách nhiệm của một quốc gia có trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu trên biển; góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trên thế giới; thiết thực hỗ trợ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại quốc phòng trong giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền, an ninh biển, đảo./.

Thiếu tá Vũ Thị liên nhâm
Thư ký - Trị sự Cổng Thông tin điện tử/Bộ Tham mưu Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com