Pháp điển đề mục Cảnh sát biển Việt Nam

03/09/2020 09:19:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Pháp điển hóa là hình thức cao nhất của sắp xếp, hệ thống hóa pháp luật; được thực hiện nhằm mục đích bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả, hiệu lực và giá trị điều chỉnh của pháp luật. Đây là hoạt động quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kết quả công tác pháp điển là xây dựng được một hệ thống các quy phạm pháp luật với cơ cấu hợp lý, khoa học, toàn diện, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh đối với một ngành, lĩnh vực cụ thể; tạo điều kiện, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận trong quá trình tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật, thi hành pháp luật trong thực tiễn.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, điều chỉnh toàn diện về tổ chức, hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Điển hình là sự ra đời của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, hai Nghị định của Chính phủ1, bốn Thông tư2 và hai Quyết định3 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Có thể nhận thấy, hệ thống pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam cơ bản đã được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, bảo đảm điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một lực lượng là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Để có được một văn bản tổng hợp các quy định pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam dưới hình thức một bộ luật, bảo đảm dễ tra cứu, trích dẫn, tìm kiếm, sử dụng cho mọi người; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải thực hiện việc pháp điển đề mục Cảnh sát biển Việt Nam.

Phiên họp Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển đề mục Cảnh sát biển Việt Nam.

Ảnh: Theo phapdien.moj.gov.vn

Ngày 17/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các Đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo đề mục. Trong đó, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp bộ, ngành liên quan thực hiện Pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam (mục 8, chủ đề 25). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch, Quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng (Cơ quan chủ trì), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan (Cơ quan phối hợp) thực hiện pháp điển đề mục Cảnh sát biển Việt Nam; bảo đảm chất lượng, tiến độ theo Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ.

Quá trình thực hiện, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tích cực, chủ động, rà soát, thu thập, hệ thống hóa toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới Cảnh sát biển Việt Nam trong hệ thống pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan; bảo đảm hoạt động pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển theo quy định của Pháp lệnh số 03/2012/UBTVQH13 ngày 16/4/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Dự thảo pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam được xây dựng dựa theo cấu trúc của Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Nội dung Đề mục bao gồm các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực trong 01 Luật của Quốc hội; 01 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 04 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và 12 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến Đề mục. Sau khi hoàn thiện, Bộ Quốc phòng đã gửi bản dự thảo pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan đúng quy định. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam; gửi Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định kết quả pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam đúng quy định của Điều 10 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Ngày 21/7/2020, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao kết quả, chất lượng, tiến độ thực hiện pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật/Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Quốc phòng cân nhắc đưa Quyết định số 12/2008/QĐ-TTg ngày 17/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp thực hiện Hiệp định hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á từ danh mục văn bản có nội dung liên quan sang danh mục các văn bản thuộc nội dung Đề mục; đảm bảo tính hợp lý, đúng kỹ thuật pháp điển.

Kết luận của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp đánh giá, hoạt động pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển; bảo đảm chính xác, đầy đủ các quy phạm pháp luật trong đề mục; cấu trúc đề mục, vị trí các quy phạm pháp luật trong đề mục sắp xếp hợp lý; việc xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan thực hiện đúng quy định, đủ tiêu chuẩn để thông qua.

Tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã hoàn thiện pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm 08 văn bản thuộc nội dung Đề mục; 11 văn bản có nội dung liên quan Đề mục. Ngày 13/8/2020, đồng chí Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký xác thực kết quả pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam của Bộ Quốc phòng, gửi Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định Điều 11 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Đại tá Nguyễn Quốc Khánh - Trưởng phòng Pháp chế/ Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển phát biểu ý kiến tham luận tại phiên họp.

Ảnh: Theo phapdien.moj.gov.vn

Pháp điển Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam là một bước quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng. Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam trong Bộ Pháp điển thể hiện đầy đủ, chi tiết, logic, khoa học các quy định của pháp luật Việt Nam về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và nhiều quy định khác liên quan tới tổ chức, hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng, có góc nhìn tổng quan khi tham khảo, nghiên cứu, chấp hành các quy định pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam có thêm công cụ tổng hợp, sắc bén để sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật, tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên biển.

Đề mục Cảnh sát biển Việt Nam là nền tảng pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển bằng biện pháp pháp luật, dân sự, hòa bình; góp phần xây dựng vùng biển Việt Nam ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Bùi Ngọc Anh

[1] Nghị định 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CSBVN; Nghị định 02/2019/NĐ-CP ngày 09/7/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSBVN (m).

[2] Thông tư số 15/2019/TT-BQP ngày 11/02/2019 của Bộ trưởng BQP quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của CSBVN; Thông tư số 177/2019/TT-BQP ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng BQP quy định tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và mẫu giấy chứng nhận cảnh sát viên, trinh sát viên của CSBVN; Thông tư số 87/2020/TT-BQP ngày 05/7/2020 của Bộ trưởng BQP quy định màu sắc và dấu hiệu nhận biết trên các bộ phận khác của từng loại máy bay CSBVN; Thông tư số 94/2020/TT-BQP ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng BQP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của BTLCSB Việt Nam (m).

[3] Quyết định số 5895/QĐ-BQP ngày 13/12/2019 của Bộ trưởng BQP ban hành Quy chế phối hợp giữa CSBVN và các lực lượng thuộc BQP (m); Quyết định số 5137/QĐ-BQP ngày 08/11/2019 của Bộ trưởng BQP ban hành quy định trang bị của CSBVN (m).

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com