27/07/2020 01:30:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
1. Khái quát về quyền tài phán và các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia
1.1. Khái quát về quyền tài phán
Có thể định nghĩa về quyền tài phán của quốc gia trên biển như sau: “Quyền tài phán của quốc gia trên biển được hiểu là quyền ban hành, áp dụng và thực thi pháp luật đối với các hoạt động của tàu thuyền diễn ra trên các vùng biển của quốc gia.”
Từ định nghĩa trên, có thể rút ra một số đặc điểm về quyền tài phán đó là:
- Chủ thể thực hiện quyền tài phán: là chủ thể của luật quốc tế, trong đó chủ yếu là quốc gia.
- Về phạm vi và nội dung quyền tài phán: không gian thực hiện quyền tài phán của quốc gia là trong các vùng biển.
- Về cơ sở thực thi quyền tài phán: việc thực thi quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển có thể dựa trên cả cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý.
1.2. Khái quát về các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia
1.2.1. Vùng nội thủy
Nội thủy là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải và giáp với bờ biển.
Nội thủy là một bộ phận lãnh thổ của quốc gia ven biển, có quy chế pháp lý như vùng nước hồ, ao, sông ngòi trong lục địa và thuộc chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tất cả mọi quy chế, luật lệ ban hành và có hiệu lực pháp luật trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia đều được áp dụng cho vùng nội thủy. Chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc gia ven biển được thực hiện đối với cả lớp nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng như vùng trời của nội thủy.
1.2.2. Vùng lãnh hải
Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền nội thủy, có chiều rộng không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.
Ranh giới phía trong của lãnh hải là đường cơ sở và ranh giới phía ngoài là đường mà mỗi điểm trên đường đó ở cách điểm gần nhất của đường cơ sở một khoảng cách bằng chiều rộng của lãnh hải và không vượt quá 12 hải lý. Ranh giới phía ngoài của lãnh hải chính là đường biên giới quốc gia trên biển. Công ước Luật Biển năm 1982 ghi nhận hai phương pháp xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải: đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường.
Tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
2. Quyền tài phán đối với tàu thuyền nước ngoài trên các vùng nội thủy thuộc chủ quyền của Việt Nam
2.1. Thẩm quyền tài phán của Việt Nam đối với tàu thuyền nước ngoài trong vùng nội thủy
Đối với tàu quân sự (bao gồm cả tàu nhà nước sử dụng vào mục đích phi thương mại)
Các tàu thuyền quân sự thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quốc gia đó giao phó. Thành viên (thủy thủ đoàn) của tàu quân sự cũng chính là những công dân mang quốc tịch của quốc gia mà tàu mang cờ. Chính vì vậy, khi hoạt động ở bất cứ vùng biển nào kể cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác hay vùng biển quốc tế, tàu quân sự nước ngoài sẽ được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối và bất khả xâm phạm.
Trong trường hợp tàu quân sự nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển thì quốc gia ven biển có quyền: (1) yêu cầu tàu đó ra khỏi vùng nội thủy trong một thời gian nhất định (có thể thông báo cho tàu đó biết quyết định của quốc gia chủ nhà bằng miệng hoặc bằng văn bản); (2) yêu cầu quốc gia mà tàu đó mang quốc tịch phải áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với thủy thủ đoàn vi phạm; (3) yêu cầu quốc gia có tàu phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của tàu đó gây ra trong nội thủy của quốc gia ven biển.
Đối với tàu dân sự
Về nguyên tắc, đối với tàu dân sự, luật điều chỉnh là luật của quốc gia mà tàu mang cờ. Chính vì vậy, các tòa án của quốc gia ven biển không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự xảy ra giữa các thành viên của thủy thủ đoàn với các công dân nước ngoài không thuộc thủy thủ đoàn trên tàu mà vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của quốc gia tàu mang cờ. Quốc gia ven biển chỉ can thiệp trong trường hợp: nếu hành vi phạm tội do một người ngoài thủy thủ đoàn thực hiện; nếu thuyền trưởng yêu cầu chính quyền cơ sở can thiệp; nếu hậu quả của nó ảnh hưởng tới an ninh trật tự của cảng.
Tàu dân sự nước ngoài khi hoạt động trong nội thủy của quốc gia ven biển sẽ không được hưởng quyền miễn trừ như tàu quân sự. Bởi lẽ, tàu dân sự là những tàu do tư nhân, pháp nhân làm chủ hoặc là tàu nhà nước sử dụng vào mục đích thương mại như vận tải, buôn bán nhằm mục đích kiếm lãi. Chính vì vậy, theo luật quốc tế, quốc gia ven biển sẽ có thẩm quyền xét xử đối với các vụ vi phạm pháp luật hình sự xảy ra trong tàu dân sự nước ngoài đang hoạt động trong vùng nội thủy quốc gia ven biển. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia ven biển có quyền khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các cá nhân có hành vi phạm tội trên tàu. Tuy nhiên, thông thường các quốc gia ven biển không quan tâm đến các vi phạm pháp luật chung nếu an ninh, trật tự trong cảng không bị tổn hại.
2.2. Vấn đề thực thi quyền tài phán của Việt Nam trong vùng nội thủy
Dựa trên quy định tại Công ước Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012 thì Việt Nam có quyền thực thi quyền tài phán trong vùng nội thủy của mình. Và chúng ta đã tiến hành thực thi quyền tài phán trong thực tế. Ví dụ như vụ việc tại khu vực vịnh Dung Quất, Quảng Ngãi, Lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại Cảnh sát biển phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phát hiện và tiến hành xử phạt đối với hai tàu Charlotte và Pacific Ocean về hành vi neo đậu, cập mạn trái phép trong nội thủy Việt Nam và việc không có giấy tờ chứng minh hợp pháp đối với 9.000.000 lít dầu DO trên hai con tàu này.
Cụ thể trong vụ việc trên:
+ Vào ngày 04/10/2017, tại vùng biển Quảng Trị, lực lượng phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ 02 tàu Charlotte và Pacific Ocean có hành vi neo đậu, cập mạn trái phép trong nội thủy Việt Nam.
+ Qua kiểm tra, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phát hiện trên 2 tàu Charlotte và Pacific Ocean có vận chuyển gần 9.000.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh hợp pháp. Do yêu cầu bảo đảm an toàn trong quá trình tạm giữ, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đã phải di chuyển 02 tàu vi phạm về vịnh Đà Nẵng neo đậu và canh giữ.
Thứ nhất, hai tàu nước ngoài trong sự việc trên có hành vi neo đậu, cập mạn trái phép trong nội thủy Việt Nam.
Đối với các tàu dân sự, pháp luật Việt Nam quy định phải đi đến địa điểm đã quy định, chờ các lực lượng Biên phòng, Y tế... làm các thủ tục nhập cảnh và dẫn đường vào cảng. Việc hai tàu Charlotte và Pacific Ocean dừng lại tại nội thủy Việt Nam không phải do gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích phải cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn và không tuân thủ các thủ tục về việc xin neo đậu là trái phép, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế .
Thứ hai, các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt đối với hành vi vi phạm của hai tàu này trong trường hợp trên phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 53 Luật Biển Việt Nam năm 2012 về xử lý vi phạm: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể tiến hành các biện pháp xử phạt đối với tàu ngoại quốc vi phạm pháp luật trong trường hợp trên. Tàu thuyền nước ngoài có thể bị khám xét trên boong, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển.
Khi có căn cứ có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền có thể tiến hành khám xét trên boong tàu. Khi tiến hành khám xét, lực lượng chức năng BTL Vùng Cảnh sát biển 2 phát hiện trên 2 tàu Charlotte và Pacific Ocean có vận chuyển gần 9.000.000 lít dầu DO không có giấy tờ. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền được phép tiến hành các biện pháp ngăn chặn quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Biển Việt Nam năm 2012: “tàu thuyền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm giữ nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hoặc để bảo đảm việc xử lý theo pháp luật.” Cụ thể, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đã phải di chuyển 02 tàu vi phạm về vịnh Đà Nẵng neo đậu và canh giữ trong 2 tháng nhằm phục vụ quá trình điều tra. Sau quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã chứng minh được hành vi vận chuyển dầu DO trên 2 tàu Charlotte và Pacific Ocean là không có giấy tờ hợp pháp và có thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 53 Luật Biển Việt Nam năm 2012 và điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 162/2013/NĐ-CP về hành vi “vận chuyển, sang mạn hàng hóa trên biển mà không có hợp đồng hoặc giấy tờ tương tự theo quy định của pháp luật”.
Trong vụ việc trên, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã tiến hành một cách chính xác, đúng thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ theo các quy định tại Điều ước quốc tế. Vụ việc trên cho thấy quyền tài phán đối với tàu dân sự trong khu vực nội thủy của Việt Nam được thực thi một cách triệt để nhằm bảo vệ chế độ bất khả xâm phạm như đối với lãnh thổ quốc gia của vùng nội thủy, đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.
3. Thẩm quyền tài phán đối với tàu, thuyền nước ngoài trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam
3.1. Quyền tài phán của Việt Nam đối với tàu, thuyền nước ngoài trong vùng lãnh hải
Đối với tàu dân sự
- Quyền tài phán hình sự trên một tàu nước ngoài.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Công ước Luật Biển năm 1982, về nguyên tắc, quốc gia ven biển không được quyền tài phán hình sự của mình ở trên một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ các trường hợp sau đây: nếu hậu quả của vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển (điểm a); nếu vụ vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trật tự trong lãnh hải (điểm b); nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương hoặc (điểm c); nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay các chất kích thích (điểm d).
Tuy nhiên, quốc gia ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp mà luật trong nước mình quy định nhằm tiến hành các việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm ở trên con tàu nước ngoài đi qua lãnh hải, sau khi rời nội thủy.
Cần lưu ý rằng, khi thực hiện quyền tài phán hình sự của mình theo các quy định tại điểm a, b, c, d Khoản 1 và Khoản 2, Điều 27 Công ước Luật Biển năm 1982, nếu thuyền trưởng yêu cầu, quốc gia ven biển phải thông báo trước về mọi biện pháp cho một viên chức ngoại giao hay cho một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ và phải tạo điều kiện dễ dàng cho viên chức ngoại giao hay viên chức lãnh sự đó tiếp xúc với đoàn thủy thủ của con tàu. Trong trường hợp khẩn cấp, việc thông báo này có thể tiến hành trong khi các biện pháp đang được thi hành. Khi xem xét có nên bắt giữ và cách thức bắt giữ, cơ quan tiến hành bắt giữ phải chú ý thích đáng đến các lợi ích về hàng hải.
Theo Khoản 5, Điều 27 Công ước Luật Biển năm 1982, trừ trường hợp áp dụng Phần XII hay trong trường hợp có sự vi phạm các luật và quy định được định ra theo đúng Phần V, quốc gia ven biển không được thực hiện một biện pháp nào ở trên một con tàu nước ngoài khi nó đi qua lãnh hải nhằm tiến hành bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trước khi con tàu đi vào lãnh hải, nếu như con tàu xuất phát từ một cảng nước ngoài, chỉ đi qua lãnh hải mà không đi vào nội thủy.
- Quyền tài phán về dân sự
Theo quy định tại Điều 28 Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển không được bắt một tàu nước ngoài đang đi qua lãnh hải phải dừng lại hay thay đổi hành trình của nó để thực hiện quyền tài phán dân sự của mình đối với một người ở trên con tàu đó.
Quốc gia ven biển không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt hay biện pháp bảo đảm (messures conservatoires) về mặt dân sự đối với con tàu này, nếu không phải vì những nghĩa vụ đã cam kết hay các trách nhiệm mà con tàu phải đảm nhận trong khi đi qua hoặc để được đi qua vùng biển của quốc gia ven biển.
Đối với tàu quân sự, tàu nhà nước dùng cho mục đích phi thương mại
Phần 1, tiểu mục C Công ước Luật Biển năm 1982 quy định về quy tắc áp dụng cho tàu chiến và các tàu thuyền khác của Nhà nước được dùng vào những mục đích không thương mại từ Điều 29 đến Điều 32.
Trong trường hợp, nếu một tàu quân sự không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển, có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân theo các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể yêu cầu chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức.
Quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm quốc tế về mọi tổn thất hoặc về mọi thiệt hại gây ra cho quốc gia ven biển do một tàu quân sự hay bất kỳ tàu thuyền nào khác của nhà nước dùng vào những mục đích không thương mại vi phạm các luật và các quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua lãnh hải hay vi phạm các quy định của Công ước hoặc các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.
Thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển: Luật Biển Việt Nam năm 2012 có những quy định cụ thể về thẩm quyền tài phán về hình sự và dân sự tại Điều 30 và 31, các quy định này được thừa kế Điều 27, 28 Luật Biển năm 1982.
3.2. Thực thi quyền tài phán đối với tàu, thuyền nước ngoài trong vùng lãnh hải của Việt Nam
Theo quy định tại Điều 2, Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải, vùng trời bên trên cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ quyền quốc gia trong vùng lãnh hải không mang tính tuyệt đối như trong nội thủy và đất liền. Chính vì vậy, trên thực tế có nhiều vụ Việt Nam đã bị xâm phạm chủ quyền của quốc gia mình trên vùng thềm lục địa, sau đây là một vụ việc minh chứng:
Vào khoảng 10 giờ 15 phút ngày 04/05/2016, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong phạm vi được phân công, lực lượng tuần tra của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát hiện tàu Trung Quốc mang số hiệu 16061 vào đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển ở tọa độ 17 độ 16 phút vĩ độ Bắc, 107 độ 16 phút kinh độ Đông, cách đảo Cồn cỏ (Quảng Trị) khoảng 10 hải lý trong lãnh hải Việt Nam. Con tàu này sau đó đã bị lực lượng tuần tra của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành lập biên bản vi phạm, cảnh cáo và phóng thích, xua đuổi tàu cá này ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thứ nhất, hành vi đánh bắt hải sản của tàu Trung Quốc mang số hiệu 16061 trong lãnh hải Việt Nam là trái với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Công ước Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012 thì tàu cá nước ngoài không được phép tiến hành hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản trong lãnh hải Việt Nam khi chưa được cho phép vì thế hành vi trên của tàu Trung Quốc là trái pháp luật.
Thứ hai, lực lượng tuần tra của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã xử lý vi phạm của tàu Trung Quốc đúng với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 53 Luật Biển Việt Nam năm 2012 về xử lý vi phạm: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có quyền tiến hành các biện pháp xử phạt đối với tàu ngoại quốc vi phạm pháp luật trong trường hợp trên.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, do tàu Trung Quốc tiến hành khai thác hải sản trong lãnh hải Việt Nam mà không có giấy phép hoạt động thủy sản sẽ bị phạt tiền và trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
4. Một số nhận xét, đánh giá
Hiện nay, số lượng tàu, thuyền nước ngoài vi phạm trên các vùng biển của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân khách quan của tình trạng gia tăng vi phạm là do nước ta và một số nước trên Biển Đông chưa phân định các vùng chồng lấn, tranh chấp. Nguyên nhân chủ quan là do một bộ phận công dân nước ta và người nước ngoài thiếu ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, ý thức tôn trọng chủ quyền vùng biển các nước chưa cao, biết nhưng vẫn cố tình vi phạm, đặt nặng về lợi ích kinh tế; lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển còn thiếu, công tác quản lý tàu cá bằng hệ thống định vị hiện đại chưa theo kịp thực tế; chế tài xử lý các tàu vi phạm chưa đủ sức răn đe,...
Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm trên cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và sự chung sức, đồng lòng của các lực lượng chức năng hoạt động trên biển trong việc quản lý chặt ngư trường, phương tiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Hiện nay, các chế tài xử phạt hành vi vi phạm tại vùng biển nước ta chưa đủ mạnh, công tác quản lý của địa phương còn lỏng lẻo, chưa có luật xử phạt rõ ràng… nên không ít tàu cá nước ngoài “nhờn” luật vẫn tiếp tục sang vùng biển nước ta vi phạm. Là lực lượng chủ trì, trực tiếp thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam cần tham mưu đắc lực, chính xác, hiệu quả cho UBND các địa phương lập các tổ liên ngành để thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến vấn đề này, siết chặt các biện pháp kiểm soát hành chính. Tích cực phối hợp các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan làm tốt công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, chế tài để làm tốt công tác quản lý, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trong quản lý hoạt động khai thác hải sản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tình trạng vi phạm tái diễn./.
Hoàng Đình Dũng