Vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018

26/07/2020 01:28:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 41 Điều, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Đây là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam cũng như các chế độ, chính sách đối với Lực lượng Cảnh sát biển và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Tại Điều 3, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, như sau:

  1. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
  2. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.”

Về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam, theo Khoản 1, Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam “là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển”. Nội dung này được xác định trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2008, đồng thời được bổ sung thêm một điểm mới, đó là: “làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển”. Việc bổ sung thêm nội dung “làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển” nhằm: thể chế hóa đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; để phù hợp với Luật Quốc phòng về vị trí nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trước khi được thông qua, trong suốt quá trình thảo luận, tại nhiều phiên họp lấy ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam thì nội dung quy định về vị trí của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Khoản 1, Điều 3) là một trong các vấn đề được các đại biểu quan tâm cho ý kiến nhiều nhất. Một số ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; có ý kiến đề nghị không quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên, đa số ý kiến đã phân tích và tán thành quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Các ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng: hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng; môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có thể hy sinh. Nếu quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển như trong thời gian vừa qua.

Thêm vào đó, một số ý kiến cho rằng: trong nội dung Điều 4 về “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam” quy định: “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, thống lĩnh của Chủ tịch nước, quản lý thống nhất của Chính phủ, quản lý và điều hành trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, điều này cũng đã thể hiện rõ Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Việc quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân cũng là thể chế hóa các quan điểm của Đảng có liên quan tới Cảnh sát biển Việt Nam, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật chung.

Trong bối cảnh hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình vùng biển, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khó lường. Tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp. Các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng. Môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt. Vì vậy, việc xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường vai trò, trách nhiệm của mỗi lực lượng chức năng trên biển là yêu cầu cấp thiết.

Để làm rõ hơn về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam trong tương quan với Bộ đội Biên phòng và Hải quân trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã xác định rõ: Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Hải quân là nòng cốt; Trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt; Trong thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển là nòng cốt. Mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình, đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và quy định về việc phối hợp hoạt động (tại Khoản 2, Điều 22) nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Việc xác định rõ Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, “làm nòng cốt trong thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển” đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Lực lượng trong bối cảnh tình hình mới, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển. Quy định này không chỉ là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển mà còn là căn cứ để đảm bảo sự đầu tư của Nhà nước được tập trung, thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam.
Về chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, theo Khoản 2, Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam có 3 chức năng: (1) chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; (2) chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; (3) chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Như vậy, so với Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2008, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển có sự bổ sung đổi mới đáng kể. Điểm mới so với Pháp lệnh là bổ sung chức năng “tham mưu” và chức năng “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển” cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Trước đó, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chưa quy định rõ chức năng “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia” cho Lực lượng Cảnh sát biển; chưa quy định nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam và các biện pháp công tác Cảnh sát biển Việt Nam. Điều này đã làm hạn chế vai trò, trách nhiệm và tính chính danh của Lực lượng Cảnh sát biển trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thời bình và trong chiến đấu, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc khi có xung đột biển đảo và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh hiện nay, các hành vi xâm lấn về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông đang diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang và chiến tranh trên biển, đòi hỏi sự khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết và hành động đúng đối sách. Việt Nam luôn cam kết giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế hiện đại. Việc sử dụng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật, dân sự trong điều kiện tình hình vùng biển hiện nay là phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp phi vũ trang, bảo đảm hòa bình, ổn định và tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế; làm bớt đi tính nhạy cảm, không để cho các thế lực lợi dụng đẩy lên thành xung đột.

Hiện nay, với tính chất đặc thù của hoạt động trên biển, tham gia thực thi pháp luật trên biển có nhiều lực lượng khác nhau, vì vậy, việc xác định chức năng của Cảnh sát biển như trong Khoản 2, Điều 3 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam là phù hợp với tính chất hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển trong bối cảnh tình hình chung, vừa theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, vừa không tạo ra điểm trống trên biển nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan, tổ chức khác./.

TRUNG KIÊN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com