Hương vị Tết đặc biệt trên các tàu Cảnh sát biển

25/02/2015 04:17:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Trong những ngày Tết, khi nhà nhà, người người được sum vầy ấm cúng bên gia đình thì những chiến sĩ Cảnh sát biển vẫn lênh đênh trên tàu ngoài khơi xa. Họ đón Tết mừng xuân ngay trong hải trình tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển. Những cái Tết trên tàu, trên biển như thế luôn mang hương vị đặc biệt, là dấu ấn không thể nào quên đối với bất cứ ai đã một lần trải qua.

Những ngày giáp Tết, khi khắp mọi miền đất nước tràn ngập không khí nhộn nhịp, náo nức đón xuân thì cũng là lúc những con tàu CSB lặng lẽ nhổ neo thực hiện hải trình đi tuần tra, trực SSCĐ trên các vùng biển, điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Khác với nhiều đơn vị trên bờ, với những đơn vị tàu Cảnh sát biển, tàu nào làm nhiệm vụ trực Tết đều phải đảm bảo 100% quân số, trường hợp đặc biệt được nghỉ Tết phải thay bằng người khác, ở tàu khác sang; thời gian trực thường trên dưới một tháng nên khi trở về cũng đã cuối Giêng. Bởi vậy, chuyện cán bộ, chiến sĩ tàu CSB thường xuyên phải đón Tết xa gia đình là chuyện không lạ. Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay, nhiều tàu CSB thuộc các biên đội tàu tuần tra, cứu hộ cứu nạn như 9001, 8003, 4033, 2003, 9003… đều đón Tết ngay trên biển, ngay trong hải trình tuần tra, thực thi nhiệm vụ. Không giống như đón Tết trên đất liền, đón Tết trên các tàu tuần tra của Cảnh sát biển mang một không khí rất khác, với những phong vị đặc trưng của riêng Cảnh sát biển.

Tại tàu CSB 9001- Hải đội 301, BTL Vùng CSB 3, ngay sau khi nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ với hải trình 45 ngày đêm trên biển kéo dài từ trước đến sau Tết Ất Mùi, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi. Công tác chuẩn bị lần này đặc biệt hơn những chuyến đi biển thông thường khác. Trong khoan chứa hàng của con tàu có thêm những món đồ vô cùng đặc biệt. Đó là gạo nếp, đỗ xanh, lá rong, thịt lợn, chai rượu sâm-panh, hộp mứt Tết, mâm ngũ quả và cả những cuộn dây thừng, băng dính, lọ keo dán, tập giấy màu, hộp đèn nhấp nháy… Tất cả đã sẵn sàng cho một cái Tết lênh đênh trên biển.

Để có được một cái Tết đầy đủ, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm ở giữa nơi trùng khơi, bốn bề sóng vỗ đòi hỏi tâm sức của tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Nào thì giã giò, làm gà; nào thì muối dưa hành, gói bánh chưng, trang trí, bày biện phòng đón xuân… mỗi người một tay một việc, ai cũng cố gắng trổ hết tài khéo léo, hết sở trường sở đoản của mình để cho con tàu - “ngôi nhà” thân yêu của mình thêm ấm cúng và rực rỡ sắc xuân.

Nhiều chiến sĩ trẻ muốn tự tay gói thử một chiếc bánh chưng.

Một “tiết mục” thu hút sự tham gia của nhiều thành viên trên tàu nhất có lẽ là gói bánh chưng. Trên mặt boong, tấm vải bạt được trải ra, bày đủ xấp lá dong, thúng gạo, chậu đỗ, xoong thịt lợn, bó lạt giang… Tất cả nguyên liệu dùng để gói bánh đều được chở theo từ đất liền. Nhiều chiến sĩ trẻ khi ở nhà chưa từng một lần gói bánh chưng nhưng cũng háo hức muốn được tự tay mình gói thử. Đôi bàn tay chiến sĩ có người khéo, có người không; chiếc bánh gói xong có thể chưa vuông vức lắm nhưng chứa đựng niềm mong chờ về một cái Tết đủ đầy hương vị đang đến thật gần. Tự mình gói và nấu bánh chưng cũng như là cách để những người lính CSB gói ghém tình cảm với quê hương, với gia đình trong tấm lá dong xanh, để vơi đi nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ con đang nén chặt trong lòng.

Dù đón xuân trên biển nhưng một thứ không thể thiếu ở bất cứ con tàu CSB nào đó là đôi cành mai, cành đào khoe sắc thắm. Bởi, với những người lính từ nhiều miền quê đất nước tụ hội trên một con tàu thì mai và đào không chỉ là biểu tượng của ngày xuân mà còn là biểu tượng của tình Bắc – Nam sum họp một nhà. Chỉ có điều, đào mai trên các tàu CSB hầu hết đều là… “hàng giả”. Do không có điều kiện sắm đào, mai thật hay vì nhổ neo từ trước Tết dài ngày, các chiến sĩ đã “sáng kiến” tìm chọn những thân cây đước có “thế đẹp” mang theo, rồi khéo léo, tỉ mẩn cắt giấy màu thành những bông hoa mai, hoa đào, gắn vào cành đước khô, làm thành những cành mai, cành đào rực rỡ.

Trang trí cây mai trong phòng đón xuân.

Xa gia đình, xa quê hương, nhưng ngày Tết đối với những người lính biển cũng không kém phần ấm cúng trong sự quan tâm của cấp trên, tình đoàn kết của đồng đội, giúp họ vơi đi những nỗi niềm riêng. Căn phòng “Hồ Chí Minh” của tàu là nơi được chăm chút trang hoàng đẹp nhất để làm “phòng đón xuân”. Mỗi phòng đón xuân trên mỗi tàu CSB có một nét riêng, thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của cán bộ, chiến sĩ trên tàu song đều tràn ngập không khí xuân và không thể thiếu những đặc trưng mang đậm nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc. Đó là Ban thờ Bác Hồ trang trọng với lá cờ đỏ sao vàng, phía dưới là ảnh Bác Hồ, hai bên là đôi câu đối đỏ. Trên Ban thờ có đầy đủ mâm ngũ quả, chè, mứt, bánh chưng, bánh tét… Hai bên góc phòng là đôi chậu mai, chậu đào “giả” có gắn phong bao lì xì và đèn nhấp nháy đủ màu sắc.

Biển những ngày xuân vẫn sóng và gió, và những bất trắc khôn lường. Một công việc khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ là phải cố định được thật chắc chắn những thứ bày biện, trang trí trên tàu trong điều kiện tàu chao lắc, va đập mạnh. Anh em phải dùng đến đủ loại băng dính, keo dán, dây chằng để cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo chằng buộc, gắn kết mọi thứ lại với nhau, tránh nghiêng đổ, xô lệch trước những con sóng biển. Vì thế mà mâm ngũ quả, cành đào, cành mai ở đây “bất đắc dĩ” được tô điểm thêm rất nhiều băng keo, dây thép.

Giờ khắc thiêng liêng đón chào năm mới.

Đêm Giao thừa. Ngoài những người đang trong kíp trực thì các thành viên còn lại trên tàu đều tụ họp tại phòng đón xuân, quây quần đón mùa xuân giữa đại dương xanh thẳm. Sau những nghi thức như ở mọi đơn vị khác trên đất liền, nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nghe Chính trị viên tàu đọc thư chúc Tết của thủ trưởng cấp trên, mọi người cùng nhau hát vang những ca khúc về mùa xuân, những giai điệu về biển cả quê hương; cùng chia sẻ với nhau những cảm xúc vui buồn trong thời khắc đất trời giao hòa; cùng động viên, an ủi nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Quây quần bên nhau trong đêm giao thừa.

Có một nghi thức đặc biệt mà ít người biết, đó là đúng vào khoảnh khắc giao thừa, tất cả các tàu CSB dù trực ở trên cảng hay đang làm nhiệm vụ tuần tra trên biển đều thực hiện nghi thức khởi động toàn bộ máy chính trên tàu và kéo 3 hồi còi dài đón chào năm mới. Việc khởi động máy do đích thân máy trưởng (trưởng ngành 5) phụ trách theo lệnh của thuyền trưởng. Riêng việc kéo 3 hồi còi dài, thường theo tuần tự: Hồi còi thứ nhất là thuyền trưởng hoặc quyền thuyền trưởng thực hiện, hồi còi thứ hai là chính trị viên hay chính trị viên phó tàu, hồi còi thứ 3 là thuyền phó quân sự hoặc do trưởng ngành hàng hải (ngành 1) đảm nhiệm. Với những người lính trên tàu CSB, tiếng máy giòn giã là ước muốn có một năm thuận buồm, mát máy, mọi sự suôn sẻ; tiếng máy giòn giã là thể hiện hệ số kỹ thuật của con tàu ở trạng thái tốt nhất, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Còn tiếng còi tàu vang trên mặt biển là lời chúc mừng năm mới gửi tới bà con ngư dân và những ai gắn bó với biển; đây cũng là hiệu lệnh từ trái tim, thôi thúc những người lính biển thêm quyết tâm trong năm mới giành nhiều thắng lợi mới.

Ca trực đêm trên tàu CSB 8003.

Tết ở tàu không có du xuân hái lộc, nhưng có hái hoa dân chủ, có sóng vỗ rì rào cùng lời ca, tiếng hát thân thương. Tết ở tàu không có pháo hoa đón Giao thừa mừng xuân mới, nhưng có ánh đèn biển của ngư dân nhập nhòa sáng giữa đại dương bao la. Tết ở Tàu không có tiếng trẻ thơ vui đùa nhưng có tiếng máy nổ giòn tan, có tiếng còi tàu giục giã. Tết ở tàu thiếu tình thân gia đình nhưng có tình cảm thiêng liêng của đồng chí, đồng đội. Những hương vị đặc biệt trong cái Tết của người lính trên tàu CSB giản dị là vậy nhưng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để những người lính giữ biển thêm vững vàng, can trường vượt qua mọi hiểm nguy, sóng gió; thêm lạc quan, yêu đời, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững sự bình yên cho biển đảo quê hương, góp phần làm cho hương Xuân, sắc Tết nơi đất liền thêm thắm.

Liên Nhâm
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com