20/01/2020 09:54:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người con đất Việt, ngày Tết cổ truyền của dân tộc là dịp để mọi người hướng về gia đình, về quê hương với ước muốn được sống trong không khí đoàn tụ, sum vầy bên cạnh những người thân yêu của mình. Nhưng cũng trong thời điểm này, những con tàu Cảnh sát biển vẫn rời cảng lên đường ra khơi xa làm nhiệm vụ giữ cho biển đảo được bình yên. Tôi đã có mặt trên con tàu CSB 9004 thuộc Hải đội 111 - Hải đoàn 11 - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 để cùng anh em cán bộ chiến sĩ thực hiện một chuyến hải trình đặc biệt. Đặc biệt là bởi, đây là chuyến đi “xuyên qua hai thập kỷ”. Chỉ còn vài ngày nữa thôi, Xuân Canh Tý sẽ về…
Vận chuyển hàng Tết lên tàu CSB 9004 để chuẩn bị ra khơi.
Sáng nay, con tàu CSB 9004 bắt đầu rời bến lên đường thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển Bạch Long Vĩ. Thú thực, cả đêm qua nằm trên tàu, tôi chẳng thể nào ngủ được bởi biết bao cảm xúc cứ ùa về. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai…”, câu hát đó cứ vọng lên trong đầu khi thời điểm con tàu xuất phát đang đến gần.
Sáng tinh mơ, khi bầu trời còn chưa sáng hẳn, gió lạnh đang bao trùm lên cả một vùng cửa biển mênh mang thì con tàu đã hú ba hồi còi chào cảng. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ của tàu CSB 9004 mà cả những ai có mặt ở cầu cảng để tiễn con tàu ra khơi đều cảm thấy xốn xang, rạo rực xen lẫn xúc động, bồi hồi bởi mùa Xuân đang đến thật gần. Anh em đàn ông lính tráng chia tay nhau trong cái thời khắc thiêng liêng của đất trời đang chuẩn bị vào độ giao hòa cũng không khỏi lưu luyến. Và những người ở lại đều không quên gửi lời cầu chúc cho chuyến hải trình của đồng đội bình an.
Năm nào cũng vậy, khi ngày Tết đã cận kề, những con tàu của Hải đoàn lại thay phiên nhau lên đường làm nhiệm vụ trực tại các điểm đảo được phân công. Giữa thời khắc giao hòa của đất trời, những người lính trên những con tàu mang tên Cảnh sát biển Việt Nam vẫn lênh đênh cùng sóng gió để gánh vác trọng trách canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Khi ấy, nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân lại ùa về.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hà Quang Ba, nhân viên máy tàu CSB 9004 quê ở huyện Đông Hưng, Thái Bình có nước da đen trũi, dáng thấp đậm và nụ cười đôn hậu. Anh đã có hai mươi sáu năm phục vụ trong quân ngũ, hai mốt năm làm lính tàu, đã từng rong ruổi không biết bao nhiêu chuyến làm nhiệm vụ và Tết này là lần thứ 9 đón giao thừa trên biển. Hà Quang Ba tâm sự: “Những ngày Tết cổ truyền dân tộc, được sum vầy bên người thân, gia đình luôn là điều mong ước của bất kỳ người Việt Nam nào. Nhưng đối với những người lính biển, việc coi con tàu là nhà, biển đảo là quê hương không còn là khái niệm xa lạ. Ngay cả việc thường xuyên nhận nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán cũng trở nên rất đỗi bình thường!”.
Có lẽ đã là người Việt Nam thì ai cũng mong muốn được đoàn viên với gia đình bên mâm cơm ngày Tết. Thế nhưng với người lính, nhất là lính biển thì điều đó không phải Xuân nào cũng làm được. Không ai bảo ai, mỗi người tự động viên mình, vượt qua thử thách để trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Chúng tôi cùng nhau quây quần giữa boong tàu để gói bánh chưng. Xung quanh chỉ có biển và biển. Những đàn anh lớn tuổi như Thiếu tá Hà Quang Ba đang kèm cặp, hướng dẫn cánh lính trẻ tỷ mỉ, kỹ càng các khâu chuẩn bị và tiến hành gói bánh. Nào cắt lá, bẻ góc, cho nếp, đỗ xanh, nhân thịt vào khuôn cho đến khâu gói làm sao cho chiếc bánh được chặt và đẹp mắt. Nhìn khung cảnh này tôi mới thấm thía câu nói “tàu là nhà, biển cả là quê hương” đến nhường nào!
Gói bánh chưng trên tàu CSB 9004.
Trung úy Đỗ Tùng Lâm, Chính trị viên tàu CSB 9004 dù tuổi còn trẻ nhưng cũng đã có một lần được trải qua cảm giác ăn Tết trên biển. Nhớ lại những khoảnh khắc thiêng liêng, khó tả ấy, Lâm chia sẻ: “Khi đón Xuân trên biển thực ra trong lòng cũng cảm thấy thiếu vắng một chút xíu nhưng không có nghĩa là thiếu thốn tất cả. Chúng tôi cũng đã tạo được không khí của mùa Xuân trên biển. Đêm giao thừa, tàu chúng tôi cũng truyền trực tiếp hình ảnh qua hệ thống Vinasat từ biển về đất liền, được chỉ huy đơn vị chúc Tết, động viên anh em cán bộ chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao nên ai cũng cảm thấy gần đất liền, gần với người thân hơn!”.
Với những người lính đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trên tàu, trực Tết trên biển dường như đã trở nên rất đỗi quen thuộc, nhưng với các chiến sĩ trẻ mới về tàu còn đang bỡ ngỡ thì sự háo hức khi lần đầu tiên được cùng đồng đội đón Tết trên biển được coi như là một sự trải nghiệm thú vị trong quãng đời quân ngũ của mình. Dẫu xa gia đình, xa người yêu nhưng đã xác định trở thành người lính biển thì phải gác lại hết những riêng tư của cá nhân để hoàn thành trọng trách nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Hạ sĩ Nguyễn Văn Quang là chiến sĩ báo vụ, chàng trai quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng đang cắt lá, phụ giúp đồng đội gói bánh. Quang thủ thỉ với tôi: “Đây là lần đầu tiên tôi ăn Tết trên biển cũng như xa gia đình nên chắc tôi cũng cảm thấy rất nhớ nhà, bỡ ngỡ. Được sự động viên, quan tâm của cán bộ, chỉ huy tàu thì nỗi nhớ nhà cũng sẽ vơi đi phần nào. Tôi sẽ cố gắng để góp phần hoàn thành tốt công việc, giúp đỡ đồng chí đồng đội để hoàn thành quá trình đón Tết trên biển được suôn sẻ hơn!”.
Các chiến sĩ trên tàu CSB 9004 trang trí ban thờ Tổ quốc.
Tết ở trên tàu có thể không đầy đủ như ở trên bờ, nhưng có lẽ ngày Tết cổ truyền, chẳng ai tính đến chuyện thiếu thừa bởi được tự tay chuẩn bị đón Tết trên tàu, giữa trên biển quê hương với họ đã là điều đặc biệt. Đón Tết trên biển dẫu thiếu thốn hơn trên đất liền nhưng vẫn đủ đầy hương vị Tết như bánh chưng, thịt mỡ, dưa, hành, bánh kẹo, báo tường…
Và điều đặc biệt mà ở đất liền không có đó là những cây mai đang được để cạnh ban thờ Tổ quốc được chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ trên tàu làm từ cành na đem theo từ đất liền, những cánh hoa vải màu vàng tươi được gắn lên trông y như thật, thêm vào đó bộ bóng nháy nữa trông cũng “gì ra phết”. Đại úy Phạm Văn Tài, thuyền trưởng lý giải với tôi, giữa biển khơi mênh mông, chỉ những cây đặc biệt như thế mới có thể chịu được sự rung lắc của từng đợt sóng. Tôi ngắm ban thờ, cành mai trên tàu mà rộn lên cảm xúc thân thương đến lạ.
Đại úy Phạm Văn Tài bộc bạch: “Ngay sau khi nhận được lệnh thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020, không chỉ riêng bản thân tôi mà tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều chung cảm xúc đầu tiên đó là cảm xúc nhớ nhà vì phải xa gia đình trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều ý thức được rằng, thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu trên biển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trên biển để cho bà con nhân dân trong đất liền đón một cái Tết đầm ấm, an vui bên gia đình!”.
Trong niềm vui của mùa Xuân mới đang đến gần, những con tàu Cảnh sát biển Việt Nam lại uy dũng tiến ra biển khơi mang theo tình cảm, tình yêu của đất liền, đong đầy nỗi nhớ. Họ lại cùng nhau đón Tết giữa trùng khơi sóng. Không chỉ mang trên mình trọng trách thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, những người lính Cảnh sát biển còn là sứ giả mang theo cả giá trị truyền thống của dân tộc ra khắp các vùng biển đảo quê hương…
Bài, ảnh: Lam Giang