“Bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải là nhiệm vụ hàng đầu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam” (*)

25/10/2016 02:08:54 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Trong suốt tuần qua, thông tin về tàu Sunrise thuộc Công ty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng chở hơn 5.200 tấn dầu cùng 18 thuyền viên bị cướp biển tấn công khiến dư luận không khỏi lo ngại. Bởi, gần đây đã có nhiều tàu thuyền gặp sự cố khi đi qua vùng biển Đông Nam Á như eo biển Malacca, Indonesia, Malaysia… Về vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng - Phó Chính ủy BTL Cảnh sát biển Việt Nam.

Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng.

Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng, xin đồng chí cho biết quá trình tìm kiếm, cứu nạn tàu Sunrise, Lực lượng Cảnh sát biển có gặp khó khăn gì không?

Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng: Quá trình tìm kiếm tàu mất tích, các tàu của CSB đã gặp nhiều khó khăn như: vị trí tàu Sunrise 689 đang cơ động thì bị tàu cướp biển tiếp cận, khống chế là nơi thuộc vùng biển giáp ranh 3 nước Singapo, Malaisia, Indonesia. Địa điểm bị cướp thuộc vùng biển Indonesia. Vị trí định vị khi liên lạc với tàu Sunrise 689 là khu vực sóng to, gió lớn, xa đất liền, bất lợi cho công tác tìm kiếm, ứng cứu, hỗ trợ tàu; khoảng cách các tàu Cảnh sát biển đi ứng cứu đến tàu Sunrise 689 quá xa, phải cơ động mất nhiều thời gian; các trang thiết bị trên tàu Sunrise 689 bị hư hỏng nhiều, tốc độ di chuyển của tàu Sunrise chậm (khoảng 5 - 6 hải lý/giờ). Do đó quá trình lai dắt tàu về cảng mất nhiều thời gian, có thời điểm tiến hành trong điều kiện đêm tối, ảnh hưởng tới tầm quan sát, tốc độ di chuyển của các tàu Cảnh sát biển.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, sự hiệp đồng của các cơ quan liên quan, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã khắc phục khó khăn về thời tiết và điều kiện hoàn cảnh để tiếp cận tàu bị nạn, tiến hành sơ cứu các thuyền viên bị thương, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời lai dắt tàu về đất liền để sửa chữa.

Tổ công tác thuộc tàu CSB 2004 - Hải đội 402/BTL Vùng CSB 4 sang tàu Sunrise để cứu trợ, giúp đỡ thủy thủ tàu.

PV: Thời gian qua đã có nhiều tàu chở hàng đi qua vùng biển Đông Nam Á bị mất tích và vừa mới đây là vụ tàu chở dầu Sunrise 689 bị cướp biển khống chế, cướp dầu, phá hủy trang thiết bị máy móc trên tàu… Điều này gây nên mối lo ngại đối với tàu thuyền phải lưu thông qua khu vực này. Thưa Thiếu tướng, vấn đề đảm bảo an toàn an ninh hàng hải cần được coi trọng như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng: Để bảo đảm an ninh an toàn hàng hải, trước hết, cần làm tốt công tác phối hợp quốc tế giữa các lực lượng Cảnh sát biển của các nước; tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, canh trực ở các vùng biển trọng điểm dễ xảy ra cướp biển. Hai là, công tác chia sẻ thông tin giữa các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển ở trong nước và các nước trong khu vực cần được làm tốt hơn nữa; đồng thời cần tăng cường phối hợp tuần tra chung giữa Lực lượng Cảnh sát biển của các nước trong vùng biển giáp ranh. Ba là, cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho các lực lượng làm nhiệm vụ như Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan về an ninh tàu biển, cảng biển. Bốn là, đối với các tàu qua khu vực này, cần nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường quan sát, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, đảm bảo tốt mọi mặt để đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

PV: Trước diễn biến phức tạp trên biển hiện nay, BTL Cảnh sát biển có những kế hoạch, phương án nào để làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển, an toàn hàng hải, đặc biệt là phòng chống cướp biển?

Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng: Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, phương án để đối phó với nạn cướp biển, đặc biệt là đối phó với cướp biển trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là khu vực có đường hàng hải quốc tế đi qua, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu thuyền. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư các trang thiết bị hiện đại lắp trên các tàu tuần tra và máy bay tuần thám nhằm nâng cao khả năng phát hiện sớm và đối phó kịp thời các vụ việc xảy ra trên biển. Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam đã cử cán bộ đi tập huấn các khóa huấn luyện; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên ngành về "Chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển" ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển trên lĩnh vực này.

PV: Công tác phối hợp với các nước trong khu vực để tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn hàng hải được Cảnh sát biển Việt Nam chú trọng ra sao, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng: Là lực lượng chuyên trách của Nhà Nước trong việc thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam xác định: việc đảm bảo an ninh an toàn hàng hải là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, luôn được đặt lên hàng đầu. Nguồn lực của mỗi quốc gia có hạn, do vậy công tác phối hợp giữa các quốc gia và giữa các lực lượng của mỗi quốc gia trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải là hết sức cần thiết.

Cảnh sát biển Việt Nam là đầu mối quốc gia trong việc chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển khu vực châu Á. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là thành viên Hội đồng điều hành Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP). Cảnh sát biển Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với ReCAAP (có trụ sở tại Singapore), Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) có trụ sở tại Malaysia; Cảnh sát biển các nước trong khu vực ASEAN: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải. Hàng năm, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nước tổ chức diễn tập về nội dung chống cướp biển và tìm kiếm cứu nạn. Qua đó, nâng cao năng lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng về bài phỏng vấn!

(*) Trích đăng bài trả lời phỏng vấn trực tuyến của Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng - Phó Chính ủy BTL Cảnh sát biển Việt Nam trên Đài Tiếng nói Việt Nam VOV. Đầu đề do Ban Biên tập đặt.

P.V

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan