28/08/2013 10:55:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Cách đây tròn 15 năm, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Ngày 28/8/1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1069/QĐ-BQP thành lập Cục CSB và giao cho Tư lệnh Hải quân giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Cục CSB. Việc ra đời Cục CSB là tất yếu khách quan, có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển một lực lượng chuyên trách của nhà nước, làm nòng cốt trong quản lý an ninh trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Thời kỳ đầu mới thành lập, với mô hình tổ chức, biên chế đơn giản, cơ sở vật chất bảo đảm nghèo nàn, lại hậu, thật khó hình dung hết được những khó khăn, bất cập của lực lượng Cảnh sát biển những ngày đầu thành lập. Song với tinh thần tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm, những người lính tiên phong xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển đã đồng lòng, chung sức để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Đến năm 2002, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khoá IX về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" và Nghị quyết Trung ương 4, khoá X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", nhằm phát huy tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSB Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật, phòng chống vi phạm, tội phạm, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn trên biển; Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Dự án Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển giai đoạn 2001 - 2010 và ngày 15/9/2008 Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 2818/QĐ-BQP bàn giao Cục Cảnh sát biển từ Quân chủng Hải quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là những quyết định kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chính phủ, BQP, tạo điều kiện để LLCSB phát triển một cách toàn diện, đúng hướng và vững chắc.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương - Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đọc diễn văn.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được một số kết quả quan trọng, nổi bật là khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng hoàn thiện; có đủ điều kiện để tuần tra, kiểm soát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 M của Việt Nam; có thể hợp tác tìm kiếm cứu nạn ở các vùng biển xa trên 200 M. Đặc biệt, vai trò lực lượng chấp pháp của CSB Việt Nam đã thể hiện được rõ nét. Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức hàng nghìn lượt tàu thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển. Tổ chức 1.837 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và đã tiến hành kiểm tra 10.821 lượt tàu thuyền các loại, xử phạt 4.687 chiếc tàu thuyền vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại hàng hóa nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Xua đuổi hàng trăm tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép, đánh bắt trộm hải sản trên vùng biển Việt Nam, trong đó bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính trên 130 chiếc.
Trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đã bắt giữ và xử lý 202 vụ vi phạm, khởi tố 22 vụ hình sự, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 180 vụ, thu giữ nhiều tang vật có giá trị. Phòng Phòng chống tội phạm ma túy thuộc Cục CSB Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra, khám phá 773 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt giữ 1.458 đối tượng. Điển hình là vụ bắt giữ các đối tượng người nước ngoài buôn bán, vận chuyển 8 tấn nhựa Cần sa. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa, CSB đã biên soạn được 40 văn bản quy phạm pháp luật cấp quốc gia và nhiều văn bản cấp Bộ, tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ cho lực lượng CSB hoạt động đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Đặc biệt là vụ phát hiện, khống chế, bắt giữ 11 tên cướp biển người Indonesia cướp Tàu chở dầu Za-fi-ra mang quốc kỳ Malaysia tháng 11 năm 2012, bảo đảm an toàn về người, trang bị, tàu bị cướp cùng 300 tấn dầu nhẹ trên tàu.
Quán triệt quan điểm của Đảng về chủ động hội nhập quốc tế, đến nay CSB Việt Nam đã ký kết quan hệ song phương và đa phương với CSB và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Philippin, Cămpuchia, Malaixia, Inđônêxia, xingapo, Thái Lan... phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: Đào tạo nguồn nhân lực, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện nâng cao năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ chuyên ngành... Đã tổ chức kiểm tra liên hợp, giám sát thực thi Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ, giải quyết tranh chấp về ngư trường, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cướp biển, hoạt động tội phạm trên biển và phòng chống cháy nổ. Tranh thủ nguồn hỗ trợ vật chất để đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Làm đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong thực hiện Hiệp định Liên chính phủ hợp tác khu vực chống cướp biển, cướp có vũ trang, chống lại tàu thuyền hoạt động tại châu Á. Tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong vùng Vịnh Thái Lan, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, tạo môi trường hoà bình, ổn định và phát triển trên các vùng biển, nâng cao vị thế của CSB Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ mới, cùng với lực lượng Hải quân và Bộ đội biên phòng, CSB Việt Nam luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trên các địa bàn ven biển. Xây dựng niềm tin, tạo động lực tinh thần, phát huy sức mạnh tổng hợp, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời đang ngày, đêm bảo vệ an toàn mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, khai thác hải sản của các cơ quan, tổ chức và nhân dân; sẵn sàng cứu giúp ngư dân bị tai nạn rủi ro, hoặc bị trấn áp trái phép trên biển. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm, quên mình trong mưa bão để làm nhiệm vụ.
Những năm gần đây, lực lượng CSB tổ chức 23 vụ tìm kiếm cứu, nhiều vụ cứu nạn diễn ra trên các vùng biển xa, có vụ cách đất liền 500 đến 700 km, trong điều kiện thời tiết dông, bão phức tạp. Đã cứu được 27 phương tiện và 278 người, tiến hành lai dắt hàng trăm tàu thuyền của ngư dân, của các tổ chức, doanh nghiệp đang làm ăn, hoạt động trên biển gặp nạn vào bờ an toàn và đã hỗ trợ hàng nghìn lít dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm. Đồng thời, thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ sự cố tràn dầu trên các vùng biển trong phạm vi được phân công; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường biển.
Với những thành tích đạt được trong 15 năm qua, đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng CSB Việt Nam Huân chương Chiến công hạng nhất; tặng Huân chương Chiến công hạng nhì cho 01 cá nhân; Huân chương Chiến công hạng ba cho 02 tập thể; Huân chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng Ba cho tập thể Phòng PCTP ma túy CSB Việt Nam; Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen tập thể Phòng PCTP Ma túy của CSB Việt Nam; 3 năm CSB Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng khác.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong Lễ đón nhận Huân chương.
Từ những thành tích nổi bật đã đạt được, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới về bảo vệ trật tự, an ninh, phòng chống tội phạm trên biển ngày 27/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 96 /2013/ NĐ- CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh lực lượng CSB Việt Nam. Đây là bước phát triển mới, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân đối với CSB Việt Nam; mở ra cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để CSB tiếp tục phát triển và mở rộng hợp tác quốc tế trong thực thi nhiệm vụ.
Những thành tích nổi bật trong 15 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của CSB Việt Nam trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các địa phương mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã luôn quan tâm, theo dõi, chỉ đạo sâu sát.
Đây cũng là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, đồng thời từ sức mạnh tổng hợp, sự phối hợp hiệp đồng tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, như: Quân chủng Hải quân, Quân chủng phòng không - không quân, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Tổng cục Hải quan, các cơ quan của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố; cấp ủy đảng và chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố nơi địa bàn đứng chân. Đồng thời còn bắt nguồn từ ý chí, nghị lực quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần vượt khó trong thực hiện nhiệm vụ của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng.
Những năm tới, tình hình an ninh chủ quyền, trật tự an toàn trên các vùng biển, thềm lục địa của nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài khai thác, thăm dò tài nguyên biển, ngăn cản, phá hoại các hoạt động kinh tế của ta có thể gia tăng; các hành vi vi phạm, tội phạm trên biển diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Tình hình đó đang đặt ra những vấn đề mới, với yêu cầu cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống vi phạm, tội phạm trên các vùng biển, hải đảo của đất nước.
Cùng với đầu tư phù hợp để mua sắm trang bị, đóng mới tàu thuyền, xây dựng hạ tầng cơ sở, cần phát huy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện tốt Cuộc vận động 50 về "Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông". Duy trì tốt hoạt động của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, sử dụng có hiệu quả các loại phương tiện trang bị mới, chủ động nắm bắt các thành tựu khoa học công nghệ mới để nghiên cứu cải tiến, sáng chế, góp phần đổi mới trang thiết bị, cơ sở hậu cần, kỹ thuật đáp ứng ngày càng đầy đủ nhiệm vụ của Lực lượng.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy, lãnh đạo CSB sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, công tác như giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện SSCĐ, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư mua sắm trang thiết bị ... Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sỹ và toàn Lực lượng phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống và những thành tích đã đạt được, tích cực vận dụng sáng tạo các bài học, kinh nghiệm quý của 15 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, nêu cao tinh thần độc lâp, tự chủ, tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất nội bộ chặt chẽ, phối hợp thường xuyên với các tổ chức, lực lượng trong và ngoài quân đội để triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ.
Nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm biển "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó", CSB Việt Nam nguyện sẽ kế tục truyền thống vẻ vang của dân tộc và Quân đội, xây dựng lực lượng ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và niềm tin yêu của nhân dân cả nước đã giành cho CSB Việt Nam.%
(*) Trích đăng diễn văn của Thủ trưởng Cảnh sát biển trong Lễ đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, công bố Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và kỷ niệm 15 năm ngày thành lập. Đầu đề do BBT đặt.