25/10/2016 02:06:05 PM
(Canhsatbien.vn) -
Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng cả trăm tàu hộ tống các loại vào hạ đặt và hoạt động trái phép trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế và các thỏa thuận quốc tế mà Trung Quốc tham gia, gây tổn thương sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Tình hình nghiêm trọng và phức tạp
Hơn hai tháng qua (kể từ ngày 01/5/2014), vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong nước và quốc tế khi Trung Quốc (TQ) đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trên vùng biển này. Vụ việc càng trở nên phức tạp hơn khi TQ huy động một lực lượng đông đảo, thường xuyên lên tới 110 - 140 phương tiện các loại (trong đó có cả tàu chiến, máy bay) tham gia bảo vệ hoạt động của giàn khoan, ngăn cản không cho các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực thi pháp luật hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Hành động của các tàu TQ rất nguy hiểm: chủ động đâm va, dùng súng phun nước, vòi rồng công suất lớn tấn công các tàu CSB và Kiểm ngư Việt Nam gây thương tích cho người, thiệt hại hư hỏng phương tiện, trang bị. Tính đến ngày 30/6, đã có 24 lượt tàu Kiểm ngư; 05 tàu CSB bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau; 15 kiểm ngư viên bị thương.
Tàu Hải cảnh TQ chủ động đâm húc tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Cùng với các hành động nghiêm trọng trên thực địa, để đáp lại đấu tranh pháp lý của Việt Nam, TQ đã đưa ra nhiều lý lẽ, viện dẫn, cáo buộc không đúng sự thật hoặc không có cơ sở khoa học (như TQ đã quản lý quần đảo Hoàng Sa hơn 2.000 năm hay lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã đâm va tàu TQ hơn 1400 lượt???…), làm tình hình chung ngày càng trở nên phức tạp hơn, làm cho mong muốn của Việt Nam là thông qua thương lượng để song phương giải quyết vấn đề trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, hoạt động trái phép của cả trăm phương tiện tàu thuyền, máy bay mà TQ huy động để bảo vệ giàn khoan không những vi phạm luật pháp quốc tế mà còn gây ảnh hưởng lớn đến an ninh hàng hải trên biển Đông: TQ tuyên bố vùng an toàn quanh giàn khoan là 03 hải lý trong khi luật pháp quốc tế qui định không quá 500m. Trên thực tế, TQ đã tạo ra vòng bảo vệ nghiêm ngặt lên tới 10 - 12 hải lý đồng thời còn huy động tới 50 tàu cá vỏ sắt đến hoạt động ở khu vực này, thường xuyên cản trở, quấy rối thậm chí đâm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam đang khai thác hải sản trên ngư trường truyền thống. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến giao lưu, thông thương, an ninh an toàn của một trong những tuyến hàng hải quan trọng.
Âm mưu “độc chiến biển Đông” sau vỏ bọc “giàn khoan”
Chưa nghiên cứu, tổng kết, đánh giá toàn diện vụ việc này, nhưng chúng ta nhận thức rõ rằng: việc TQ hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, đi ngược lại những tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông mà TQ đã tham gia và cam kết tuân thủ. Tại sao TQ lại coi thường, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế, có những hành động đơn phương, những tuyên bố áp đặt như thế? Nguyên nhân của nguyên nhân chính là “yêu sách về chủ quyền". Cũng vẫn biết TQ chưa và không bao giờ từ bỏ âm mưu “độc chiếm Biển Đông" song việc sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 làm vỏ bọc để hiện thực hóa âm mưu này là một bước tiến nguy hiểm trong tiến trình thực hiện ý đồ đó. Đây là một việc không nên làm và không đáng làm trong bối cảnh quan hệ hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược Việt Nam - TQ đang diễn ra tốt đẹp. Việt Nam thực lòng mong muốn gìn giữ quan hệ hợp tác, hữu nghị với TQ, muốn nhìn thấy một TQ XHCN phát triển, trở thành quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới mà không chèn ép, không đe dọa, không vi phạm lợi ích của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Sự việc cụ thể, ở một thời điểm cụ thể nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu đây là "tiền lệ"; "tiền lệ" rồi thành "thông lệ"; "thông lệ" rồi thành "truyền thống"; và đấy sẽ là hoạt động "bình thường" như chính TQ vẫn làm? Nguyên nhân của nguyên nhân là "chủ quyền" nhưng qua đó cũng cho thấy vụ việc này xuất phát từ vị trí trọng yếu của biển Đông trong chiến lược “hướng Nam” của TQ. Trên biển Đông, Hoàng Sa có giá trị "địa chiến lược" về quốc phòng- an ninh. Có Hoàng Sa sẽ có điều kiện pháp lý để yêu sách mở rộng ra khắp biển Đông. Có Hoàng Sa là có khả năng khống chế, làm chủ tuyến đường hàng hải quốc tế.
Song, mưu đồ độc chiếm biển Đông của TQ sẽ tạo ra một môi trường khu vực bất ổn, không có lợi trước hết cho chính sự phát triển của TQ; TQ cũng sẽ làm mất lòng tin của các nước trong khu vực. Vụ việc vi phạm này sẽ làm mất đi hình ảnh một đất nước TQ hòa bình và thân thiện mà TQ đã cố dày công xây dựng. Là một nước lớn, TQ nên thể hiện rõ hình ảnh của một siêu cường có trách nhiệm đối với an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đấu tranh pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam
Xuất phát từ tính chất vụ việc, trên cơ sở pháp lý và truyền thống của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - TQ cũng như ổn định vùng biển lâu dài, đồng thời để thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia đã tham gia và thừa nhận Công ước Luật Biển 1982, thỏa thuận DOC về cách ứng xử của các bên ở biển Đông nên đối với sự vi phạm của TQ, Việt Nam đã nhất quán quan điểm: giải quyết vụ việc bằng biện pháp hòa bình thông qua thương lượng, trên thực địa không sử dụng biện pháp vũ lực. Thực hiện quan điểm ấy, ngay khi TQ hạ đặt giàn khoan, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam là CSB và Kiểm ngư đã có mặt để ngăn cản và tuyên truyền.
Phải thấy rằng, trong hơn hai tháng thực hiện nhiệm vụ, trước những hành động mang tính uy hiếp, gây hấn của TQ, trong điều kiện nhiều khó khăn, khí hậu thời tiết trên biển phức tạp; đấu tranh dài ngày... nhưng cùng với Lực lượng Kiểm ngư, CSB Việt Nam đã đấu tranh quyết liệt bằng biện pháp pháp luật trên thực địa. Quyết liệt ở chỗ: từng giờ, từng ngày chúng ta kiên trì tuyên truyền, cản trở hoạt động vi phạm của TQ; Quyết liệt là chúng ta không ngại khó khăn, nguy hiểm trước sự ngăn cản nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động va chạm của các tàu TQ. Chúng ta chỉ sử dụng lực lượng dân sự có chức năng chuyên trách thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trên biển của Nhà nước Việt Nam. Biện pháp mà các lực lượng chuyên trách của Việt Nam triển khai đấu tranh là tuyên truyền, cảnh báo, thông qua đó yêu cầu các lực lượng TQ chấp hành luật pháp và ngăn chặn các hành vi vi phạm được mở rộng hoặc nghiêm trọng hơn....
Cảnh sát biển kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên thực địa.
Thực tế đấu tranh trên thực địa cho thấy: Lực lượng CSB đến nay đã giữ vững đối sách, kiên trì thực hiện biện pháp pháp luật, bình tĩnh, tự tin, khôn khéo và tuyệt đối không đâm va lại các tàu vi phạm của TQ. Cục diện tình hình trong thời gian qua không phát triển phức tạp hơn một phần là nhờ chúng ta kiên trì đối sách đấu tranh hòa bình, tôn trọng các thỏa thuận và thông lệ quốc tế cũng như phát huy tối đa giá trị của luật pháp quốc tế. Bởi, mong muốn lớn lao hơn của Việt Nam không chỉ là bảo vệ thành công lợi ích cốt lõi của dân tộc là sự toàn vẹn lãnh thổ (trong đó bao gồm cả quyền chủ quyền chính đáng trên vùng đặc quyền kinh tế của đất nước) mà còn là giữ cho được một vùng biển hòa bình, ổn định lâu dài, một mối quan hệ hữu nghị láng giềng bền vững và phát triển.
Kinh nghiệm và bài học sẽ được tổng kết đánh giá, phân tích rút ra nhưng có một điều chắc chắn rằng đối sách đấu tranh hòa bình, kiên trì biện pháp pháp luật mà các cán bộ chiến sĩ CSB, Kiểm ngư Việt Nam đã cụ thể hóa bằng tất cả sự mưu trí dũng cảm, sáng tạo linh hoạt trên thực địa đang được dư luận cả thế giới ủng hộ, được cộng động quốc tế ghi nhận, được xã hội phát triển đánh giá cao.
Thiếu tướng TS. Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển