Chủ trương, định hướng nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

09/05/2016 09:32:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Hơn 17 năm qua, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tạo nền tảng và cơ sở thuận lợi để LL CSB xây dựng, phát triển và thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thực tiễn, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của vùng biển đối với sự phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, Đảng và Nhà nước ta đã sớm coi trọng việc quản lý, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Sau những tuyên bố quan trọng về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và gia nhập Công ước Luật Biển năm 1982, ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngay sau đó, tháng 8/1998, LL CSB VN được thành lập và đi vào hoạt động.

 

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Thi hành Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Anh Hào)

Từ năm 1998 đến nay, Pháp lệnh LL CSB Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung 01 lần. Cùng với hệ thống hơn 30 văn bản hướng dẫn thi hành, Pháp lệnh LL CSB VN không chỉ là nền tảng pháp lý để xây dựng một lực lượng thực thi pháp luật trên biển mà với những quy định ngày càng hoàn thiện đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của LL CSB. Pháp lệnh là cơ sở pháp lý để BTL CSB tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng những vấn đề về quản lý an ninh, trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; là căn cứ để tổ chức triển khai chức năng, nhiệm vụ của LL CSB theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng là nền tảng pháp lý vững chắc để xây dựng, phát triển về mặt tổ chức lực lượng; bảo đảm chế độ, chính sách; công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của LL CSB trong tình hình mới.

Hơn 17 năm thực hiện, Pháp lệnh LL CSB VN đã khẳng định được tính đúng đắn, ý nghĩa và tầm quan trọng của một văn bản pháp lý; tạo ra những thuận lợi cơ bản để thành lập, xây dựng, phát triển và điều chỉnh hoạt động của LL CSB; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và thiết lập hệ thống tổ chức bảo đảm thi hành pháp luật trên biển.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình trên biển đã có những diễn biến mới, đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển đảo phải ngày càng hoàn thiện, vừa phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, vừa phù hợp với các thông lệ và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Pháp lệnh LL CSB Việt Nam. Hơn nữa, LL CSB Việt Nam được xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, do đó, cần phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của CSB. Trên thực tiễn, nhiều quy định trong Pháp lệnh đã không còn phù hợp, nhất là các quy định về vai trò quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng đối với LL CSB chưa thống nhất với sự điều chỉnh trong một số nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh.

Một số quy định về thẩm quyền, hoạt động của LL CSB Việt Nam trong Pháp lệnh còn chưa cụ thể, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai, áp dụng vào thực tiễn. Trong Pháp lệnh cũng chưa quy định biện pháp nghiệp vụ của LL CSB Việt Nam, do đó thiếu tính thực tiễn khi triển khai, hiệu quả hoạt động bị hạn chế, nhất là trong việc phối hợp với các lực lượng khác khi thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên biển.

Một vấn đề khác là các quốc gia ven biển trong khu vực cũng đều đã ban hành Luật Cảnh sát biển hoặc Luật về Lực lượng thực thi pháp luật trên biển, quy định về lực lượng Coast Guard có chức năng tương tự như LL CSB Việt Nam. Vì vậy, nếu chỉ dừng ở hình thức “Pháp lệnh” thì sẽ không tương đồng với thực tiễn lập pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý đối với các quy định trong văn bản pháp luật liên quan đến những hoạt động mang tính đại diện cho Nhà nước của LL CSB Việt Nam.

Nhìn ở khía cạnh khách quan thì tình hình vùng biển trong khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp. Yêu cầu về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển ngày càng cao. Nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì việc bảo vệ chủ quyền vùng biển bằng pháp luật, do lực lượng chuyên trách tiến hành, càng cần phải có tính phổ biến và trở thành thông lệ. Hơn nữa, việc áp dụng các biện pháp công tác, biện pháp nghiệp vụ trong nắm thông tin, đấu tranh với tội phạm, vi phạm của LL CSB Việt Nam hiện nay còn vận dụng ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất, có lúc bị chồng chéo, dẫn đến hạn chế về hiệu quả…

Từ những hạn chế trên cho thấy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một yêu cầu tất yếu và cấp thiết, nhằm đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, đồng thời là sự tuân thủ quy định của Hiến pháp 2013 về hạn chế quyền con người, quyền công dân nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng chính là một bước nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh LL CSB Việt Nam.

 

Các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Soạn thảo xây dựng Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Thanh Huyền)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch nhằm tổng kết thi hành Pháp lệnh LL CSB Việt Nam; xây dựng Dự thảo Luật Cảnh sát biển và đề xuất xây dựng Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong chương trình xây dựng Luật của Quốc hội Khóa XIV.

Để đảm bảo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật Cảnh sát biển theo lộ trình, một số vấn đề định hướng nghiên cứu, xây dựng như sau:

Về quan điểm, nguyên tắc xây dựng:

- Việc xây dựng Dự thảo Luật trên cơ sở kết quả tổng kết việc thi hành Pháp lệnh LL CSB và các văn bản pháp luật có liên quan; thực tiễn tổ chức, quản lý, chỉ đạo LL CSB trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ thời gian qua. Theo đó, luật hóa các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động…của LL CSB đã được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn đúng đắn trong hơn 17 năm qua.

- Xác định rõ các nội dung quy định cụ thể trong Dự thảo Luật, các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Bảo đảm sự thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam; sự tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013về quyền con người, quyền công dân; xây dựng đồng bộ hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực sẽ được triển khai thuận tiện.

Một số định hướng xây dựng Dự án Luật Cảnh sát biển:

Thứ nhất, xây dựng Luật Cảnh sát biển nhằm nâng tầm văn bản, nâng cao giá trị pháp lý của văn bản pháp luật về LL CSB - lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Việc LL CSB thực hiện nhiệm vụ quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển là quyền của quốc gia ven biển. Do đó, các quy định về tổ chức, hoạt động của LL CSB được thông qua bởi Quốc hội - cơ quan lập pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ là tuyên bố mạnh mẽ, thể hiện ý chí tập trung của Đảng, Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của luật pháp quốc tế. Thực tiễn cho thấy, các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia….đều ban hành Luật Cảnh sát biển hoặc Luật về lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Thứ hai, kế thừa các quy định của Pháp lệnh LL CSB VN về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của LL CSB VN… còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ ba, đảm bảo quy định và cụ thể hóa về thẩm quyền của LL CSB VN liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân, để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thuận lợi cho LL CSB thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung và nâng cấp một số quy định của Pháp lệnh LL CSB VN nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về LL CSB. Cụ thể:

- Thống nhất và cụ thể hóa vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với LL CSB VN;

- Bổ sung những quy định mới về nhiệm vụ hợp tác quốc tế của LL CSB VN đảm bảo nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế của LL CSB VN trong tình hình mới, thiết thực góp phần xây dựng lực lượng, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển;

- Bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của LL CSB VN, đảm bảo tạo cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế;

- Sửa đổi, bổ sung những quy định có vướng mắc, bất cập đảm bảo kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định.

Công tác tổ chức thực hiện:

- Cần tiếp tục chủ động, bám sát việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Theo đó, đảm bảo việc đề xuất đưa nội dung xây dựng Dự án Luật Cảnh sát biển vào chương trình và thực hiện việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam theo lộ trình thời gian mà Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã kết luận tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Pháp lệnh LL CSB VN cấp Bộ Quốc phòng: Cuối năm 2016 báo cáo Chính phủ. Năm 2017 trình Quốc hội xem xét, thông qua (Thông báo số 1738/TB-VP ngày 02/3/2016 của Văn phòng Bộ Quốc phòng).

- Tiếp tục triển khai các hoạt động tổ chức nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Cảnh sát biển theo Kế hoạch của Bộ Quốc phòng. Trong đó, đảm bảo tranh thủ được ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy có kinh nghiệm, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt đối với những vấn đề trọng tâm trong xây dựng dự thảo luật lần này.

Song song với hoạt động xây dựng Dự thảo Luật cần chú trọng công tác tuyên truyền về các hoạt động nghiên cứu, xây dựng văn bản. Công tác tuyên truyền cần bám sát định hướng, chủ trương xây dựng Luật, đồng thời thông qua đó tăng cường hoạt động tuyên truyền về LL CSB trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển, tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và sự đồng tình, ủng hộ, nhất là của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương về sự cần thiết phải xây dựng Luật Cảnh sát biển.

Thiếu tướng TS. Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan