07/02/2017 09:16:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của QUTW, BQP về đối ngoại quốc phòng, LL CSB đã chủ động, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước theo xu thế hợp tác, phát triển, hội nhập. Qua đó, góp phần ngăn ngừa nguy cơ xung đột trên biển, nâng cao vị thế, hình ảnh của LL CSB Việt Nam trên trường quốc tế, tạo dựng niềm tin, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đại tá Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng CSB (thứ 5 từ trái sang) tham dự Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á lần thứ 12 . (Ảnh: Khắc Vượt)
Năm 2011, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã lần đầu tiên đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh” tạo cơ sở quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh chủ trương hội nhập quốc tế về quốc phòng trong thời kỳ mới.
Trong những năm qua, tuy hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp: Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ nét; sự cạnh tranh giữa các nước lớn khiến nhiều khu vực trên thế giới bất ổn nghiêm trọng; bạo loạn chính trị và khủng bố gia tăng; xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo diễn biến phức tạp; các thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến khó lường.
Là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn; bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong những năm qua, CSB Việt Nam đã thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện một cách hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập kinh tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Song song với việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, CSB Việt Nam luôn xác định: Làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng là góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tăng cường nguồn lực; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên các vùng biển.
Về hợp tác song phương
Để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, BTL CSB đã hợp tác với các quốc gia trên các lĩnh vực: chia sẻ thông tin; chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển; phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; tìm kiếm cứu nạn. 5 năm qua, ngoài các quốc gia đã có thiết lập quan hệ đối ngoại, CSB Việt Nam đã ký văn bản hợp tác và thiết lập cơ chế “đường dây nóng” với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines vào tháng 5/2012; Ký văn bản hợp tác với Ủy ban Quốc gia An ninh hàng hải Campuchia tháng 3/2013; Ký bản ghi nhớ hợp tác với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ (năm 2013), với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ (năm 2015), với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (năm 2015). Từ năm 2015, CSB Việt Nam đã phối hợp với CSB Trung Quốc hoàn chỉnh dự thảo bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên tháng 10/2015 và đã ký tháng 6/2016. Hiện nay, CSB Việt Nam đang xúc tiến xây dựng văn bản hợp tác với CSB Malaysia; Lực lượng Bảo vệ biển Indonesia và một số quốc gia.
CSB Việt Nam và CSB Trung Quốc đã phối hợp, hợp tác chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giám sát thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ Việt Nam – Trung Quốc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngư dân hai nước thực hiện các quy định của Hiệp định; phối hợp tổ chức tốt nội dung kiểm tra liên hợp nghề cá hằng năm. Qua đó đã góp phần làm giảm đáng kể hiện tượng tranh chấp ngư trường, nạn trộm cắp ngư lưới cụ và đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản bằng các biện pháp hủy diệt như thuốc nổ, dùng điện của ngư dân hai nước.
Trong 5 năm qua, CSB Việt Nam đã chủ trì đón tiếp tàu của Lực lượng Bảo vệ biển các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đến thăm và giao lưu, diễn tập các phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển với các đơn vị thuộc LL CSB Việt Nam. Thông qua các hoạt động đối ngoại này, LL CSB Việt Nam đã mang thông điệp hợp tác, phát triển và hội nhập đến với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước, đồng thời chia sẻ, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong thực thi nhiệm vụ từ các nước bạn để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển Lực lượng.
Về hợp tác đa phương
CSB Việt Nam tham gia Hiệp định liên Chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á (ReCAAP); Là thành viên của Hội nghị những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á (HACGAM); Đại diện cho Việt Nam tham gia Sáng kiến thực thi pháp luật trên biển Vịnh Thái Lan do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ; CSB Việt Nam còn phối hợp chia sẻ thông tin với Trung tâm An ninh hàng hải Hải quân Singapore (IFC), Trung tâm Thông tin chống cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế đặt tại Kualalumpur, Malaysia (IBM).
Trong quá trình tham gia các hoạt động đa phương, CSB Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Đặc biệt, sau sự kiện CSB Việt Nam tiếp nhận thông tin từ IBM và ReCAAP khống chế thành công 11 tên cướp khi chúng cướp tàu Zafirah mang quốc tịch Malaysia và điều khiển tàu hành trình vào khu vực biển Việt Nam tháng 11/2012. Đây là vụ việc tiêu biểu cho sự phối hợp, hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh chống nạn cướp biển, cướp có vũ trang trong khu vực. Vụ việc này cũng được các tổ chức như ReCAAP, HACGAM ghi nhận và lấy làm bài học kinh nghiệm cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước.
Trong 5 năm qua, BTL CSB đã tổ chức cho 195 đoàn ra và tổ chức đón tiếp 229 đoàn vào làm việc bảo đảm tuyệt đối an toàn, đúng nguyên tắc và Quy chế công tác đối ngoại quân sự. Đặc biệt, LL CSB đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng lựa chọn, tiếp nhận nhiều trang thiết bị viện trợ của các nước để nâng cao năng lực cho CSB Việt Nam, các trang bị trên đều được sử dụng đúng mục đích và đã phát huy hiệu quả trong biên chế của CSB. Đồng thời, CSB Việt Nam luôn tích cực đề xuất, cử cán bộ đủ năng lực và trình độ tham gia các Hội thảo quốc tế, các khóa tập huấn, các chương trình học nâng cao tại nước ngoài để nâng cao năng lực cho cán bộ CSB.
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng CSB “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và có tính chuyên nghiệp cao đang trở nên nặng nề, khẩn trương hơn bao giờ hết. Điều đó, đòi hỏi LL CSB phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Tiếp tục thúc đẩy, mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa CSB Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở đường lối, các quy chế, quy định trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đồng thời, phải tích cực, chủ động phát huy các cơ chế hợp tác đã có, triển khai sâu rộng và có hiệu quả các hoạt động đối ngoại; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, cần tiếp tục bổ sung, xây dựng và phát triển cơ chế hợp tác mới, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại trên hướng biển lên tầm cao mới, góp phần xây dựng các vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Trước mắt trong năm 2017, công tác đối ngoại quốc phòng của LL CSB cần tập trung vào duy trì và thực hiện nghiêm chế độ trực Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á (ReCAAP-ISC); tiếp tục duy trì, trao đổi thông tin liên lạc về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước ASEAN có biển liền kề với Việt Nam như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia. Duy trì đường dây liên lạc nóng với Lực lượng Phòng vệ bờ biển Philippines và Ủy ban quốc gia An ninh hàng hải Campuchia. Tiếp tục đề xuất các nội dung để ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước có biển liền kề còn lại như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Tổ chức cho các đoàn ra và tổ chức đón tiếp các đoàn vào bảo đảm tuyệt đối an toàn. Song song với đó, cần tiếp tục xây dựng và chuẩn hóa đối ngũ cán bộ CSB làm công tác đối ngoại: Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đối ngoại có đủ bản lĩnh chính trị, nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn đường lối đối ngoại của Đảng, có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, từ đó từng bước khẳng định được vị thế và uy tín của CSB Việt Nam trong khu vực và trên thế giới./.
Thiếu tướng, TS Luật học Bùi Trung Dũng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển