10/11/2017 02:30:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Lịch sử hình thành và phát triển của các hoạt động quân sự quốc phòng, an ninh trật tự trên toàn thế giới đã chứng minh việc tổ chức và sử dụng cơ quan tham mưu tác chiến (TMTC) là nhu cầu tất yếu và hết sức cần thiết đối với tất cả các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang các quốc gia. Sự ra đời và phát triển của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam – lực lượng đa nhiệm bao gồm cả quốc phòng và an ninh, an toàn trên các vùng biển Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Kể từ ngày thành lập 28/8/1998 đến nay, trải qua 19 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam đã khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Thành công đó có được là công sức chung của lãnh đạo, chỉ huy và toàn lực lượng, trong đó công tác TMTC Cảnh sát biển đóng vai trò quan trọng, góp phần to lớn vào thành công chung đó.
Trong những năm qua, ngành TMTC của Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và Bộ Tham mưu Cảnh sát biển nói riêng đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp và chỉ đạo cơ quan tham mưu cấp dưới toàn diện trên các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, từ vấn đề thường nhật như tuần tra, kiểm soát, duy trì an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, SSCĐ, đến những vấn đề phức tạp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo. Trong đó, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đấu tranh thắng lợi nhiệm vụ xua đuổi giàn khoan HD 981, bảo vệ chủ quyền biển, đảo năm 2014 là một mốc son sáng; cùng với đấu tranh có hiệu quả phòng chống vi phạm, tội phạm khu vực vịnh Bắc bộ và vùng biển phía Nam, Tây Nam… Những chiến công đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, Lực lượng Cảnh sát biển đang được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ “Chủ trì, phối hợp với Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư trong bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng biện pháp pháp luật, dân sự” và “Chủ trì tiếp nhận huy động nhân lực, tàu thuyền tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền”. Điều đó đặt ra cho cơ quan TMTC Cảnh sát biển nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhiều thử thách và vinh quang.
Thực hành diễn tập xử lý tình huống trên bản đồ.
Trước tình hình hiện nay trên Biển Đông, khi Trung Quốc dần hoàn thiện tôn tạo và xây dựng trên 7 đảo chiếm đóng trái phép khu vực quần đảo Trường Sa, tăng cường các hoạt động quân sự, chấp pháp để khẳng định chủ quyền phi pháp theo yêu sách “đường lưỡi bò”; Philippin, mặc dù thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông theo phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) nhưng lại thay đổi ngược chiều, chuyển sang đối thoại và hợp tác với Trung Quốc làm giảm hiệu quả của phán quyết theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trên các vùng biển giáp ranh quanh Biển Đông, tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm, vi phạm pháp luật ngày càng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn; các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp làm cho tình hình an ninh hàng hải khu vực Biển Đông diễn biến rất khó đoán định và có chiều hướng gia tăng các vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước, thiệt hại về người, tài sản của ngư dân và ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Những vấn đề đó đòi hỏi Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và đặc biệt là cơ quan TMTC Cảnh sát biển nói riêng muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình cần phải chủ động, sáng tạo, năng động, có kiến thức toàn diện, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đó là vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và thực hiện tốt các phương án, kế hoạch tác chiến theo quy định của Bộ Quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo với vai trò là một lực lượng vũ trang nhân dân, vừa phải làm tốt vai trò là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốcc gia và giữ gìn môi trường hòa bình trên các vùng biển.
Để thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ trong tình hình mới, cơ quan TMTC Cảnh sát biển với chức năng là cơ quan chỉ huy trung tâm, chủ trì phối hợp hiệp đồng tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cần phải phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua và thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
- Thường xuyên quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cụ thể hóa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong toàn lực lượng nói chung và ngành TMTC nói riêng, thực hiện “giỏi TMTC trong bảo vệ chủ quyền, làm tốt công tác TMTC trong thực thi pháp luật” để tham mưu đúng, trúng trong mọi nhiệm vụ.
- Xây dựng các tổ chức đảng luôn trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ TMTC có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ, mưu lược, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, quân đội, Lực lượng Cảnh sát biển và nhân dân; tiếp tục giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu, tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động. Tăng cường huấn luyện, giáo dục cho cán bộ TMTC nắm được pháp luật liên quan, ngoại ngữ, các kiến thức về khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích, đánh giá tình hình, từ đó tham mưu, đề xuất cho thủ trưởng xử lý chính xác, nhanh chóng các tình huống xảy ra không để bị động bất ngờ.
- Tích cực kiện toàn, thường xuyên phát triển phù hợp với tình hình mới và tổ chức thực hiện thắng lợi các phương án tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; phương án thực thi pháp luật đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở từng khu vực biển, nhất là các khu vực trọng điểm, nhạy cảm cho từng đơn vị và toàn bộ lực lượng, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Chú trọng thực hiện công tác chủ trì đấu tranh pháp luật trong bảo vệ chủ quyền và thực hiện nhiệm vụ mới mà Bộ Quốc phòng giao cho Lực lượng Cảnh sát biển.
- Tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng lực lượng, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật, bảo đảm không ngừng nâng cao trình độ tổng hợp, sức chiến đấu của các đơn vị. Duy trì nghiêm hệ thống trực SSCĐ ở các cấp theo Chỉ lệnh số 1899/CL-CSB-TM ngày 17/5/2017 của Tư lệnh về SSCĐ của Lực lượng Cảnh sát biển; Chỉ lệnh số 27, số 28/CL-BTTM ngày 03/12/2012 về xử trí các tình huống phòng không, tác chiến bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam và các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về công tác SSCĐ, tìm kiếm cứu nạn và xử trí các tình huống trên biển. Lực lượng, phương tiện trực luôn đảm bảo sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có lệnh. Phát huy có hiệu quả khả năng của Trung tâm chỉ huy các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt nhiệm vụ huy động, tiếp nhận nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền.
- Tăng cường hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, biện pháp và mệnh lệnh công tác đã đề ra, kịp thời nắm chắc tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp nổi lên để báo cáo, đề xuất chỉ đạo giải quyết. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ bí mật quân sự.
- Tổ chức tập huấn định kỳ chuyên đề về công tác TMTC cho các đơn vị để tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tham mưu trong lực lượng được giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, bố trí để cán bộ tham mưu tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ tại các đơn vị bạn; tham dự các cuộc hội thảo khoa học trong nước, tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ TMTC Cảnh sát biển.
Thực hiện công tác TMTC Cảnh sát biển trong tình hình hiện nay, đòi hỏi mỗi CB, CS làm công tác TMTC cần phải nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của công tác tham mưu đối với các mặt công tác, chiến đấu, thực thi pháp luật của toàn lực lượng; luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mỗi cán bộ TMTC phải thể hiện tính chuyên nghiệp, chủ động, giỏi nghiệp vụ TMTC trong bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các chủ trương, giải pháp toàn diện trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển; đồng thời chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác TMTC trong tình hình mới./.
Đại tá Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển