28/07/2016 04:44:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân trên biển đảo là một nội dung cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị, được Đảng ủy BTL Cảnh sát biển hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; coi đó vừa là trách nhiệm chính trị, vừa thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển”.
Thấm nhuần nguyên tắc truyền thống của dân tộc về lấy dân làm gốc và lời dạy của Bác Hồ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của QUTW, BQP, sự hướng dẫn của Tổng cục Chính trị QĐND VN; trên cơ sở quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác vận động quần chúng, nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành TW (Khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của quân đội trong tình hình mới”; thời gian qua Đảng ủy, BTL CSB và cấp ủy chỉ huy các cấp đã nhận thức tốt trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác dân vận, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Đảng ủy, BTL CSB cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp để tổ chức triển khai một cách toàn diện, có hiệu quả công tác dân vận nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên các vùng biển đảo, giúp người dân cả trong và ngoài nước nâng cao nhận thức và thắp sáng ngọn lửa của tình yêu biển, đảo quê hương. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để mỗi người dân không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng lòng chung sức cùng Đảng, Nhà nước, Lực lượng CSB và các lực lượng chức năng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ gìn sự bình yên trên các vùng biển.
Các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng đã thường xuyên, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho nhân dân, trong đó tập trung tuyên truyền cho nhân dân về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, về Cảnh sát biển Việt Nam… Từ năm 2014 đến nay, đã tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân các địa phương được 175 buổi, 374 phương tiện tàu thuyền, 23.890 lượt người; tổ chức 67 đợt tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy cho 34.178 lượt người, phát 56.844 tờ rơi; tổ chức nhân rộng Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại 21 trường học trên địa bàn 9 tỉnh, thành, với sự tham gia của hơn 15.000 giáo viên, phụ huynh, học sinh... Qua đó đã góp phần xây dựng niềm tin, tạo động lực tinh thần, phát huy sức mạnh tổng hợp, cổ vũ các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Lực lượng Cảnh sát biển phối hợp cùng bộ đội Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. (Ảnh: PV)
Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đang ngày, đêm bảo vệ an toàn cho mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, khai thác hải sản của các cơ quan, tổ chức và nhân dân; sẵn sàng cứu giúp ngư dân bị tai nạn rủi ro, hoặc bị trấn áp trái phép trên biển. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm, quên mình trong mưa bão để làm nhiệm vụ. Trong công tác cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ LL CSB luôn xác định cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ chiến đấu, là mệnh lệnh của trái tim. Riêng từ năm 2014 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã huy động 56 lượt tàu, xuồng và 02 máy bay Casa với 846 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia 49 vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu 24 tàu cá, 214 ngư dân, cung cấp kịp thời dầu máy, thuốc men, lương thực, thực phẩm cho ngư dân bị nạn.
Trung tướng Hoàng Văn Đồng - Chính ủy Cảnh sát biển thăm, động viên gia đình Liệt sĩ, Đại úy Phạm Văn Huy - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. (Ảnh Đức Hạnh)
Toàn lực lượng đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn quân tham gia xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều việc làm ý nghĩa thiết thực như: thăm, tặng quà gia đình chính sách và ngư dân nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng hộp thuốc cho tàu ngư dân, hỗ trợ địa phương xây “nhà tình nghĩa”; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, ngư dân nghèo; tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn đóng quân; phối hợp với địa phương tham gia củng cố, sửa chữa các công trình như đường sá, kênh mương, vệ sinh môi trường bờ biển… với kinh phí hàng tỷ đồng, huy động hàng nghìn ngày công của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.
Đoàn Thanh niên Cụm ÐN PCTP ma túy số 2 phối hợp Ðoàn xã Phúc Thọ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh tham gia tổng dọn vệ sinh các khu vực. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Những việc làm cụ thể, ý nghĩa đó đã góp phần giúp cho nhân dân thêm hiểu, thêm tin, để nhân dân thực sự là “tai, mắt”, hỗ trợ đắc lực cùng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác dân vận của lực lượng trong thời gian qua vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Nhận thức của một số ít cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên về công tác dân vận chưa đầy đủ; chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận; cá biệt có nơi còn coi đây là nhiệm vụ của cán bộ chính trị, cơ quan chính trị, của tổ chức quần chúng. Hiểu biết về phong tục, tập quán, truyền thống của địa phương nơi đóng quân, địa bàn công tác của một số cán bộ, chiến sĩ còn chưa tốt. Trình độ, kiến thức, kỹ năng, sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận còn có mặt hạn chế. Công tác bồi dưỡng, xây dựng, phát huy và nhân rộng mô hình, điển hình về công tác dân vận còn chưa rõ nét, trong toàn lực lượng cũng như ở từng cơ quan, đơn vị hiện chưa có mô hình công tác dân vận mang tính đặc thù, là “sản phẩm” riêng của Cảnh sát biển. Một số ít cán bộ, chiến sĩ còn vi phạm kỷ luật, gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết quân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của người chiến sĩ Cảnh sát biển trong lòng nhân dân. Những hạn chế nêu trên không chỉ trực tiếp làm giảm hiệu quả của công tác dân vận mà còn ảnh hưởng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của toàn lực lượng, đòi hỏi phải nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục kịp thời.
Những năm tới, tình hình an ninh, chủ quyền, trật tự an toàn trên các vùng biển, thềm lục địa của nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, khó lường. Hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài như khai thác, thăm dò tài nguyên biển, ngăn cản, phá hoại các hoạt động kinh tế của ta tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, căng thẳng; các hành vi vi phạm, tội phạm trên biển diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nghiêm trọng hơn. Tình hình đó đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ của LL CSB. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi toàn lực lượng phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, trên mọi mặt và mọi lĩnh vực công tác, trong đó có công tác dân vận.
Để thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng ủy Cảnh sát biển về công tác dân vận, xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” trên biển trong giai đoạn mới, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, mang tính định hướng sau:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của người chỉ huy, chính ủy (chính trị viên), cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp đối với công tác dân vận.
Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế của Quân ủy Trung ương, đưa mọi hoạt động công tác dân vận vào nền nếp. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo; người chỉ huy tổ chức thực hiện; cơ quan chính trị làm tham mưu; cán bộ, đảng viên làm nòng cốt và phân công cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận. Trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, chính ủy (chính trị viên) và người chỉ huy phải cụ thể hóa thành kế hoạch hoạt động, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ; gắn hiệu quả công tác dân vận với kết quả lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm điều hành của người chỉ huy và chất lượng bình xét, phân loại tổ chức đảng, đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện xem nhẹ công tác dân vận. Tăng cường hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện nghị quyết; định kỳ hàng tháng, quý, cấp ủy nghe báo cáo tình hình công tác dân vận để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ chuyên trách và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác dân vận ở cơ sở. Cơ quan chính trị cần làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; tích cực nghiên cứu, đề xuất để xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình về công tác dân vận; phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức quần chúng trong trong tiến hành công tác dân vận ở từng cơ quan, đơn vị.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng về công tác dân vận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, lực lượng làm công tác dân vận của Đảng gồm: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả các hội viên của các tổ chức đoàn thể… đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy, tham gia công tác dân vận phải là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, của mọi tổ chức và của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Cần coi trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ thông qua quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nghị quyết của cấp ủy đơn vị về công tác dân vận. Tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ tiến hành công tác dân vận một cách chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả.
Các đơn vị trong Lực lượng cần có biện pháp cụ thể để phát huy dân chủ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng tham gia đóng góp, đề xuất, hiến kế xây dựng mô hình, điển hình về công tác dân vận mang nét riêng của Cảnh sát biển. Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng là một tiêu chí trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của cán bộ, chiến sĩ và trong bình xét đoàn viên, hội viên.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo.
Đây là giải pháp nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm, phát huy sức mạnh của nhân dân trong nâng cao hiệu quả xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Để làm được điều đó, cần tập trung tuyên truyền về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo trong phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước; làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những nội dung cơ bản của Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, các văn bản pháp lý mà Việt Nam đã ký kết với các nước; những khó khăn, thách thức đối với vấn đề quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo…
Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được triển khai theo kế hoạch chặt chẽ và tiến hành bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm của từng vùng, miền. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đối với ngư dân - lực lượng đông đảo, thường xuyên làm ăn trên biển. Để công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo có hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với địa phương ven biển, với các lực lượng chuyên trách như Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư… Bên cạnh tiếp tục phát huy các hình thức tuyên truyền đã và đang thực hiện hiệu quả như tuyên truyền trên báo, đài, trang tin điện tử, tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền miệng, phát tờ rơi… các đơn vị cần nghiên cứu để thực hiện tốt “3 kết hợp” trong mỗi đợt tuyên truyền, đó là: Cử báo cáo viên trực tiếp cung cấp thông tin, tình hình trên biển và LL CSB cho cán bộ chính quyền, đoàn thể địa phương; các tổ đội tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, tổ đội tuyên truyền về pháp luật tỏa xuống các âu thuyền, đến với dân để tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi và thăm, tặng quà gia đình chính sách, gia đình ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình ngư dân có người bị tai nạn rủi ro khi hành nghề trên biển hoặc có thể kết hợp khám bệnh, cấp phát thuốc cho gia đình chính sách, ngư dân nghèo; tổ chức cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” cho học sinh các trường THCS.
BTL CSB cấn có kế hoạch phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các mô hình, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền như thành lập thư viện, trung tâm thông tin ở các huyện đảo, xã đảo hiện có trạm CSB để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho ngư dân; làm sổ tay “Những điều ngư dân cần biết”; thiết kế các phần mềm ứng dụng miễn phí, hỗ trợ ngư dân sử dụng trên điện thoại di động...
Bốn là, quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân vận, đội ngũ cán bộ dân vận các cấp.
Cấp ủy các cấp phải thường xuyên chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan dân vận, chiến sĩ dân vận cấp mình theo quy định; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận cả về trình độ lý luận, năng lực tham mưu, kỹ năng công tác và phẩm chất đạo đức cách mạng; khắc phục tình trạng cử cán bộ có phẩm chất, năng lực yếu và không đủ uy tín làm công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt. Lựa chọn, bố trí những cán bộ có tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm làm công tác dân vận, nhất là ở những đơn vị đóng quân trên địa bàn phức tạp, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội, dân tộc, tôn giáo và năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân vận và cán bộ dân vận, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền với thuyết phục, nêu gương; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác dân vận, mô hình “Dân vận khéo”; đồng thời làm tốt công tác dân vận trong nội bộ, củng cố phong cách văn hóa quân sự “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển”, làm nền tảng cho phong cách công tác dân vận của cán bộ, chiến sĩ.
Năm là, tranh thủ các nguồn lực, sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, lực lượng, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển để làm tốt công tác dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
Trước hết, cần bám nắm, tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan dân vận cấp trên như Ban Dân vận Trung ương, Cục Dân vận/Tổng cục Chính trị; thường xuyên trao đổi, cầu thị học hỏi, sự giúp đỡ của ngành dân vận các đơn vị có tính tương đồng nhất định về nhiệm vụ như của Bộ Công an, Hải quân, Bộ đội Biên phòng; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp công tác với Cảnh sát biển, của toàn xã hội để hỗ trợ hiệu quả việc triển khai các mô hình, các hoạt động của công tác dân vận. Từng cơ quan, đơn vị phải duy trì thường xuyên, phối hợp chặt chẽ, thực chất với các đơn vị bạn, chính quyền, đoàn thể địa phương trên địa bàn đóng quân… Qua đó, để phát huy sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ hiệu quả công tác dân vận, xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” trên biển đảo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung tướng, PGS, TS Hoàng Văn Đồng - Chính ủy Cảnh sát biển