09/11/2017 10:08:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của biển và đại dương. Các quốc gia có biển đều coi trọng biển và phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh quy hoạch, khai thác tài nguyên và các lợi thế từ biển để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và hậu quả của việc xả thải từ các khu kinh tế ven biển; xây dựng đảo nhân tạo và cải tạo các cấu trúc đá trên biển... đã tác động mạnh đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cuộc sống của cộng đồng cư dân ven biển.
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có diện tích trên 01 triệu km2, với gần 3.000 đảo ven bờ và 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Biển Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, là thành tố không thể thiếu, giúp đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ môi trường thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển ở một số cấp, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức; phát triển kinh tế biển chưa ngang tầm; thực hiện chiến lược, quy hoạch chưa ổn định, thiếu tính bền vững; nhiều ngành nghề như vận tải biển, sửa chữa - đóng mới tàu biển, đầu tư các dự án công nghiệp, đô thị mới ven biển... không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, gây tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển. Cá biệt có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng, rừng ngập mặn bị thu hẹp, hiện tượng sa mạc hóa khu vực ven biển có chiều hướng tăng. Nếu không quản lý, bảo vệ, xử lý tốt các vấn đề về môi trường biển, sẽ ảnh hưởng ngay, tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2016 /BTL Vùng Cảnh sát biển 2 triển khai phương án cứu tàu cá QB 91609 bị nạn trên biển.
Qua thực tiễn bảo vệ, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trên hướng biển, các lực lượng chức năng nhận thấy có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, nhưng tập trung chủ yếu vào một số nhóm nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm từ đất liền và khu vực ven biển.
Đây là nguồn ô nhiễm lớn nhất, đa dạng về thành phần nguy hại và tính chất nghiêm trọng, với số lượng lớn. Chất thải được bắt nguồn từ các dòng sông, các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, các nhà máy sản xuất công nghiệp, nhiệt điện, chế biến thủy hải sản, bột giấy, ... không được thu gom, xử lý, quản lý chặt chẽ, theo hệ thống sông ngòi đổ ra biển, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.
Thứ hai, nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm từ hoạt động vận tải, kinh doanh trên biển.
Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh này, nhất là các hoạt động vận tải biển, của tàu thuyền hành hải qua lại tuyến hàng hải quốc tế; dầu cặn, nước la - canh có chứa nhiều dầu mỡ, nước và rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, thu gom theo đúng quy định mà thải trực tiếp ra môi trường biển; các sự cố tràn dầu do tai nạn hàng hải; chuyển tải, sang mạn hàng hóa, nhất là xăng dầu trái phép trên các vùng biển; thăm dò, khai thác dầu khí không đúng quy định... cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái biển. Đối với hoạt động kinh doanh cảng biển, ô nhiễm môi trường do các hoạt động xếp, dỡ hàng hóa; phá dỡ tàu cũ; sửa chữa, đóng mới tàu biển cũng phát sinh các chất thải nguy hại.
Thứ ba, nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm từ hoạt động khai thác khoáng sản; cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và các công trình trên biển; nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản.
Biển và khu vực ven biển Việt Nam rất đa dạng về nguồn tài nguyên, khoáng sản, như: dầu khí, quặng titan, cát thủy tinh, cát làm vật liệu xây dựng, cát sa khoáng... việc khai thác tài nguyên, khoáng sản biển khi chưa có sự quản lý đồng bộ, chặt chẽ; việc cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và các công trình trên biển trái phép của nước ngoài ở Biển Đông, cùng với việc nuôi trồng thủy sản có sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, tồn dư của thức ăn chăn nuôi; việc đánh bắt thủy sản sử dụng các loại lưới mắt nhỏ, sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc... đã thúc đẩy quá trình sa mạc hóa, môi trường khu vực ven biển và trên biển ngày càng ô nhiễm.
Thứ tư, nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm từ hoạt động dịch vụ du lịch biển, đảo.
Biển, đảo Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá... là điểm đến lý tưởng của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Song, do công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ, phần lớn vẫn chưa kiểm soát, phát hiện, xử lý được các hành vi xả thải rác, nước sinh hoạt chưa qua xử lý trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, nhiều du khách chưa có ý thức bảo vệ môi trường biển, mà còn làm cho môi trường biển thêm ô nhiễm.
Thứ năm, nhóm nguyên nhân do phá rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển để phục vụ phát triển kinh tế.
Thời gian qua, ở nhiều địa phương ven biển, để phục vụ phát triển kinh tế, hoặc do lâm tặc chặt phá nên diện tích rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp. Điều này đã tác động trực tiếp đến hệ sinh thái khu vực ven biển, làm cho tình trạng xói lở, thay đổi dòng chảy ở khu vực ven biển ngày một nghiêm trọng, nhất là các tỉnh Tây Nam bộ, ảnh hưởng xấu đến môi trường biển và làm cho tình trạng nước biển lấn sâu vào đất liền, diễn biến ngày càng phức tạp.
Thấy rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường biển, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lực lượng Cảnh sát biển đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường biển; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cho các phương tiện vận tải tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Từ năm 2012 đến hết tháng 06/2017, Lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền cho trên 5.000 lượt phương tiện, với gần 60.000 lượt người; tổ chức trồng hàng chục nghìn cây xanh khu vực ven biển; huy động trên 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát hiện, đấu tranh theo đúng đối sách, pháp luật hàng trăm tàu nghiên cứu thăm dò dầu khí, hàng nghìn lượt chiếc tàu các loại khác của nước ngoài vi phạm; khởi tố hoặc xử lý hành chính, tịch thu hàng hóa nhiều vụ vi phạm; phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức tìm kiếm, trục vớt, cứu kéo thành công hàng trăm phương tiện bị chìm, mắc cạn, không để sự cố tràn dầu xảy ra, điển hình như vụ tàu Cem-road Journey (quốc tịch Calmal Island) vận chuyển trên 21.000 tấn dầu bị mắc cạn ở cách Nam đảo Phú Quý 28 hl trong tháng 6/2017.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng so với thực trạng, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên biển. Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là: Lực lượng còn mỏng; trang bị, phương tiện phục vụ thu giữ, bảo quản, phân tích mẫu tang vật vi phạm về môi trường hiện chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ; thẩm quyền của Cảnh sát biển trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập; việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về môi trường trên biển gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc bắt quả tang, thu giữ các mẫu tang vật vi phạm; thủ đoạn hoạt động của đối tượng luôn tinh vi, lợi dụng lúc đêm tối, khi thiếu vắng sự tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để thực hiện việc xả thải trộm rác, dầu cặn, nước la-canh ở các khu vực biển xa, và trước, sau khi ra, vào các cảng biển.
Từ thực trạng trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường trên các vùng biển Việt Nam, trước hết cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tham gia, giám sát của người dân; bằng nhiều giải pháp đồng bộ, với sự chủ trì của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước. Riêng đối với Lực lượng Cảnh sát biển, thời gian tới cần triển khai đồng bộ, hiệu quả một số nội dung, giải pháp chính sau:
Một là, cần tăng cường phối hợp, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường biển.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng cần tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về bảo vệ môi trường biển. Nội dung, hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, nêu cao tính hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường biển; thực trạng, nguy cơ và các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường biển; quy định của pháp luật về bảo vệ và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường biển. Từ đó, có hành động đúng, chủ động, tích cực, chung tay cùng cộng đồng thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường biển.
Hai là, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên ngành về môi trường cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; trước mắt cần tập trung cho các đồng chí trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường trên biển.
Là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường, xử lý các vi phạm về môi trường biển theo quy định của pháp luật, hiện, Lực lượng Cảnh sát biển chưa có nhiều cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực môi trường biển và pháp luật về bảo vệ môi trường. Do thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi, thời gian tới cần phải chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên ngành về môi trường và pháp luật bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cảnh sát biển nói chung, cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường trên biển nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường biển.
Ba là, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo, chỉ huy các cấp tăng cường đầu tư các trang bị tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác phát hiện, thu giữ, phân tích mẫu tang vật về môi trường biển.
Việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về môi trường biển đã khó, việc bắt quả tang, thu được mẫu tang vật khi các đối tượng đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trên biển còn khó khăn hơn. Do vậy, Lực lượng Cảnh sát biển cần phải nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trên biển là rất cần thiết.
Bốn là, đẩy mạnh biện pháp công tác nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, kết hợp với sử dụng trang bị kỹ thuật, khoa học tiên tiến và tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là trên các vùng biển trọng điểm.
Lực lượng Cảnh sát biển, nhất là lực lượng nghiệp vụ và pháp luật cần đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, trong đó tập trung mạnh vào tuyến, vùng biển, lĩnh vực trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ cao về các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó tập trung theo dõi, quản lý, chỉ thị mục tiêu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ môi trường biển.
Năm là, làm tốt công tác phối hợp lực lượng, nhất là với lực lượng Công an, Hải quân, Bộ đội Biên phòng... trong công tác bảo vệ môi trường, gắn với thế trận quốc phòng - an ninh trên tuyến biển.
Qua công tác phối hợp, chủ động trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động vi phạm pháp luật về môi trường trên các vùng, tuyến biển trọng điểm, để mỗi lực lượng có kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, trật tự, tài nguyên và các lợi ích quốc gia trên biển. Bên cạnh đó, phải kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường biển.
Việc kiểm soát, bảo vệ môi trường biển hiệu quả sẽ không cao, không bền vững khi do một quốc gia thực hiện. Nó đòi hỏi phải có sự chung tay của cả khu vực và thế giới. Lực lượng Cảnh sát biển cần quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Quân ủy Trung ương, tăng cường hợp tác quan hệ quốc tế. Trong đó, chú trọng quan hệ hợp tác với các nước có vùng biển giáp ranh với Việt Nam, các nước có nhiều thành tựu trong bảo vệ môi trường. Thông qua hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức, kinh nghiệm trong triển khai các nội dung, biện pháp công tác, nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trên các vùng biển Việt Nam, cũng như diễn tập, ứng phó với các sự cố môi trường trên biển./.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển