Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần Cảnh sát biển

16/11/2016 12:00:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tăng cường công tác quản lý các hoạt động trên vùng biển Việt Nam, những năm qua, Cục Hậu cần BTL Cảnh sát biển đã tập trung nghiên cứu, hoàn thiện công tác bảo đảm hậu cần để góp phần cùng toàn lực lượng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Sở chỉ huy BTL Vùng CSB 4. (Ảnh: Nam Trung)

Hiện nay, do đặc thù nhiệm vụ, hầu hết các đơn vị Cảnh sát biển (CSB) đóng quân phân tán và ở trên địa bàn khó khăn ven biển, hải đảo; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; thổ nhưỡng cát mặn, khô cằn, thiếu nước ngọt, cây xanh. Mặt khác, phạm vi hoạt động của LL CSB rộng, các đơn vị thường xuyên làm nhiệm vụ trên biển dài ngày. Một số cơ quan, đơn vị còn nhiều khó khăn về doanh trại, đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần còn thiếu so với biên chế, trình độ không đều... nên đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC). Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cấp uỷ, chỉ huy Cục Hậu cần CSB đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị nghị quyết của trên, sự chỉ đạo sâu sát quyết liệt của Thủ trưởng BTL CSB từ đó nỗ lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể, xây dựng kế hoạch khoa học, triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tổ chức BĐHC cho đơn vị đạt được hiệu quả, chất lượng, không ngừng nâng cao đời sống, sức khỏe, sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên, hạ sĩ quan - chiến sĩ trong toàn lực lượng.

Cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiếp nhận, tạo nguồn đảm bảo đủ số lượng, tốt chất lượng, đúng chủng loại, đồng bộ các loại vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ theo Chỉ lệnh số 1234 của Tổng cục Hậu cần. Xây dựng, bổ sung và thường xuyên rà soát, hoàn chỉnh các văn kiện hậu cần tác chiến sát với yêu cầu, nhiệm vụ và phương án tác chiến của đơn vị; đồng thời duy trì đồng bộ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hậu cần ở tất cả các cấp, sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra.

Quá trình hoạt động tuần tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển của LL CSB luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị mang tính chất nhân đạo sâu sắc là tìm kiếm cứu hộ- cứu nạn. Do đó, thường xuyên duy trì và bảo đảm đầy đủ có chiều sâu vật chất, trang bị hậu cần dự trữ SSCĐ từ cơ quan BTL đến các Vùng, Cụm và từng con tàu trước khi xuất phát ra khơi theo mệnh lệnh của trên dù trong điều kiện, hoàn cảnh, thời tiết không thuận lợi sẽ là cơ sở, niềm tin vững chắc để chăm sóc, bảo đảm sức khỏe, sinh hoạt cho LL CSB hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Đối với nhiệm vụ BĐHC thường xuyên, trên cơ sở nắm chắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo 3 phương thức BĐHC; hàng năm, căn cứ vào Nghị quyết lãnh đạo của Đảng uỷ và Chỉ lệnh công tác Hậu cần của Tư lệnh CSB, Cục Hậu cần hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch, chủ động tạo nguồn lương thực thực phẩm theo phân cấp, không ngừng đẩy mạnh xây dựng chính quy nhà ăn, nhà bếp, chú trọng công tác quản lý, cải tiến chế biến món ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vững ổn định và nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Cục Hậu cần đã chủ động phối hợp với Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần và nhà thầu lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống bếp lò hơi cơ khí cho các bếp ăn, tổ chức tiếp nhận, cấp phát trang bị, dụng cụ cấp dưỡng theo hướng cơ bản, đồng bộ, chính quy, thống nhất. Đặc biệt đã tạo nguồn kinh phí thiết kế, đầu tư trang bị đồng bộ, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tiện ích, vệ sinh trong quản lý, sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn, nhà bếp từ cơ quan BTL CSB đến các Vùng, Cụm, Hải đội, tới từng con tàu: Inoc hóa 100% bàn ghế ăn, dụng cụ cấp dưỡng; bát, đĩa sứ chất lượng cao… mỗi sản phẩm đều có in hoặc gắn logo CSB Việt Nam. Hiện nay, Cục Hậu cần đang tích cực phối hợp với cơ quan tư vấn thiết kế để sản xuất, trang bị bộ dụng cụ cấp dưỡng mẫu, điển hình trang bị cho tàu với chất liệu Inoc 304 bảo đảm tiêu chí chống vỡ khi va đập, chống trơn trượt khi có sóng gió, nổi được dưới nước… mẫu mã sáng, bền, đẹp, tiện ích trong sử dụng khi các tàu hoạt động trên biển. Chỉ đạo các đơn vị phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn về khí hậu, thời tiết, quy hoạch khu tăng gia sản xuất (TGSX) tập trung gắn với quy hoạch doanh trại, chú trọng lựa chọn mô hình phát triển TGSX phù hợp đặc thù từng vùng miền, phù hợp với hoạt động, công tác của bộ đội. BTL Vùng CSB 3 đã đột phá, đầu tư công nghệ nhà lưới vườn rau sạch (1000m2) của Isxarel rất hiệu quả; được Cục Quân nhu/TCHC ghi nhận, đánh giá cao trong đợt chấm thi “Nhà ăn, nhà bếp chính quy, an toàn, chất lượng toàn quân năm 2016”. Đến nay, hầu hết các đơn vị đều có mô hình tăng gia, chăn nuôi, phù hợp với điều kiện thực tế. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, tổng giá trị thu từ TGSX của toàn lực lượng đạt gần 5 tỷ đồng, trích đưa vào ăn thêm thường xuyên và các ngày lễ, tết cho bộ đội hơn 2 tỷ đồng.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm ăn uống, công tác bảo đảm quân trang cũng có nhiều đổi mới. Những năm trước, việc bảo đảm quân trang được thực hiện tập trung theo một đầu mối duy nhất ở phía Bắc, vừa mất nhiều thời gian, công sức vận chuyển và khó khăn trong việc cấp đổi. Trước thực tế đó, Cục Hậu cần đã kiến nghị, đề xuất Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần đổi mới phương thức bảo đảm, thực hiện tiếp nhận, bảo đảm quân trang tại 2 đầu mối phía Bắc và phía Nam một cách linh hoạt, kịp thời để đẩy nhanh tiến độ cấp phát, thuận tiện trong việc giải quyết các vướng mắc, phát sinh, đồng thời tiết kiệm chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, Cục Hậu cần đã đề xuất với trên nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn quân trang lần đầu về CSB, quân trang tăng thêm cho lực lượng phòng chống tội phạm ma túy, quân trang nghiệp vụ tàu, ga, gối tàu đồng bộ in logo CSB bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác, sinh hoạt của bộ đội. Hiện tại, Cục Hậu cần CSB đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quân nhu nghiên cứu, sản xuất quân phục mới có màu sắc tươi sáng hơn đối với các tông màu quần, áo khoác và báo cáo BQP cho điều chỉnh logo CSB phù hợp với yêu cầu công tác đối ngoại.

Đối với công tác xăng dầu, Cục Hậu cần CSB đã chỉ đạo cơ quan chức năng tính toán, cân đối hợp lý giữa lượng xăng dầu nhận bằng hiện vật và lượng xăng dầu được phân cấp tự khai thác theo yêu cầu nhiệm vụ để thuận tiện cho các đơn vị quản lý, sử dụng. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo làm tốt công tác quản lý số lượng, chất lượng chủng loại nhiên liệu, vật tư khí tài xăng dầu, không để xảy ra hao hụt, mất mát, xuống cấp. Đã tham mưu với BTL CSB đầu tư đồng bộ, hiện đại Kho xăng dầu tại các Vùng CSB 1, 2, 3 và đang đầu tư, thi công, hoàn thiện tại BTL Vùng CSB 4; bảo đảm tốt công tác phòng chống cháy nổ và tuyệt đối an toàn trong các hoạt động tiếp nhận, quản lý, cấp phát xăng dầu.

Là đơn vị mới thành lập, đang trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện tổ chức, biên chế nên BTL CSB được trên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở doanh trại  với nhiều dự án lớn, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Hậu cần CSB đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm thủ tục cấp đất cho các đơn vị, đồng thời tham mưu giúp Thủ trưởng BTL làm tốt công tác quản lý, bảo đảm cho các dự án tuân thủ nghiêm ngặt quy trình về xây dựng, thiết kế, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Các gói thầu, dự án sau khi hoàn thành, nghiệm thu đều đạt chất lượng cao về kiến trúc, thẩm mỹ, độ vững chắc, lâu bền và tiện ích khi đưa vào sử dụng, đồng thời thực hiện quyết toán kịp thời, đúng quy định. Cùng với các dự án xây dựng cơ bản, Cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị kết hợp nguồn bảo đảm của trên với phát huy nội lực, tập trung sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, các công trình công cộng bảo đảm nơi ở, sinh hoạt của bộ đội ngày càng chính quy, tiện dụng.

Trong công tác vận tải, mặc dù có những khó khăn về tổ chức biên chế (không có Phòng Vận tải, thiếu 02 lái xe), chỉ có 04 đồng chí lái xe trên 07 chỗ (kể cả 01 xe cứu thương), Thủ trưởng Cục Hậu cần đã chỉ đạo Phòng Tham mưu kế hoạch chủ động lập kế hoạch vận tải khoa học, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan, đồng thời phát huy trách nhiệm của các đồng chí lái xe. Do đó, công tác vận tải cho toàn lực lượng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.

Những năm tới, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần CSB xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tập trung xây dựng các cấp ủy Đảng TSVM, cơ quan hậu cần các cấp VMTD, quan tâm công tác huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp. Chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với phong trào thi đua Quyết thắng và các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, thực hiện tốt phương châm Bác Hồ đã dạy: “Nhiệm vụ chính trị của Bộ đội cung cấp là phụng sự đại đa số của bộ đội, tức là người binh nhì; phải thương yêu chăm sóc người binh nhì”. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BĐHC, bảo đảm tốt hơn đời sống, sức khỏe bộ đội, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần và toàn thể cán bộ, nhân viên, HSQ-CS cơ quan, đơn vị hậu cần CSB các cấp luôn xác định tốt nhiệm vụ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu nỗ lực hơn nữa, đoàn kết, đổi mới vươn lên để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao góp phần tích cực xây dựng LL CSB Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và có tính chuyên nghiệp cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Đại tá Phạm Tất Đạt - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan