Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

08/06/2016 06:53:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sẽ góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; xây dựng chính quy, kỷ cương, kỷ luật; làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Lực lượng.

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta rất chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPB, GDPL) cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) nhằm đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, giáo dục ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa, từ đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác TTPB, GDPL, một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Lực lượng, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên, đồng thời ban hành Nghị quyết chuyên đề về mặt công tác này. Trên cơ sở đó, Cục Chính trị, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PHPB, GDPL) phối hợp các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó, chỉ rõ đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và cán bộ chủ trì các cấp; xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm vừa đúng hướng dẫn của trên vừa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đặc điểm của từng nhóm đối tượng mà công tác TTPB, GDPL hướng tới.

Tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân tại cảng cá Ba Tri, Bến Tre. (Ảnh: Bùi Long)

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp; sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức và hệ thống chính trị, công tác TTPB, GDPL của CSB trong những năm qua được thực hiện nghiêm túc, nền nếp, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt hiệu quả thiết thực. Năm 2015, đã tổ chức cho CB, CS, QNCN, CNVQP trong toàn lực lượng học tập, nghiên cứu hàng chục chuyên đề về pháp luật. Quân số tham gia đạt 98,7% trở lên (kiểm tra nhận thức các đối tượng có: 100% đạt yêu cầu, 89% đạt khá, giỏi); Tổ chức thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với 2137 bài tham gia; Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Triển khai thành công đợt cao điểm TTPB, GDPL về biển đảo theo chỉ đạo của Hội đồng PHPB, GDPL Trung ương; Tổ chức có hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật theo các nội dung Thông tư số 47/2012/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Bộ trưởng BQP, v.v. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức và hành động chấp hành pháp luật; năng lực thực thi pháp luật của CB, CS được nâng cao; vi phạm kỷ luật thông thường giảm còn dưới 0,2% (không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng); nội bộ đoàn kết, thống nhất, ổn định. Công tác TTPB, GDPL không chỉ từng bước đưa văn hóa pháp luật vào đời sống bộ đội, tạo môi trường pháp lý lành mạnh trong cơ quan, đơn vị mà còn góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quân sự, xây dựng vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Trong TTPB, GDPL cho nhân dân và ngư dân các địa bàn biên giới, biển đảo, LL CSB đã chủ động và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan triển khai nhiều hoạt động TTPB, GDPL kết hợp với phát động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thông qua các cuộc thi kiến thức; các ngày hội “Em yêu biển, đảo quê hương”; “Tuổi trẻ với biển, đảo của Tổ quốc” và các hình thức tuyên truyền phong phú như truyền thanh nội bộ, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng, cấp phát tờ rơi, tờ gấp; hội nghị, diễn đàn, giao lưu, gặp mặt,… để tổ chức TTPB, GDPL và tuyên truyền về biển đảo cho ngư dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn đóng quân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; các hiệp định phân định vùng biển, thềm lục địa, vùng nước lịch sử đã được ký kết giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; quan điểm chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc xử lý các tình huống xảy ra trên biển; hướng dẫn ngư dân khai thác thủy hải sản trên biển đúng luật pháp...

Sơ kết giai đoạn I thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, GDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo giai đoạn 2013-2016”, các đơn vị trong LL CSB đã tổ chức in ấn, cấp phát khoảng 120.000 tờ gấp, tờ rơi; 9.850 cuốn sách pháp luật. Bản tin và Trang tin điện tử Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng chuyên mục riêng về TTPB GDPL cho cán bộ nhân dân vùng biên giới, hải đảo và đăng tải được hàng trăm tin, bài ảnh, văn bản pháp luật với nội dung thiết thực, giàu ý nghĩa. Riêng năm 2015, LL CSB đã xây dựng được gần 20 phóng sự, đăng tải trên 500 tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền cho hơn 5.600 lượt nhân dân và ngư dân, tổ chức nói chuyện truyền thống và TTPB, GDPL cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên. Quá trình triển khai, các đơn vị còn kết hợp thực hiện công tác chính sách, hỗ trợ ngư dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tặng 450 suất quà trị giá gần 5 tỷ đồng và 1.500 áo phao cho bà con ngư dân.

Có thể nói, với những cách làm mới, nội dung, hình thức phong phú, công tác TTPB, GDPL cho các đối tượng của Lực lượng CSB ngày càng có sức hấp dẫn; lượng thông tin pháp luật về biên giới, biển đảo đến với bộ đội và nhân dân ngày càng đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CB, CS, đồng thời động viên, khích lệ quần chúng nhân dân và ngư dân cả nước cùng tham gia với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn các vùng biển, đảo.

Tuy nhiên, công tác TTPB, GDPL tại các cơ quan, đơn vị vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục: một số cấp ủy, chỉ huy chưa quan tâm đúng mức đến công tác này; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Việc lồng ghép nội dung hoạt động bổ trợ TTPB, GDPL ở một số đơn vị chưa rõ nét, thiếu sáng tạo; nội dung, biện pháp chưa sát với đặc điểm, nhiệm vụ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong TTPB, GDPL chưa được phát huy. Những hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chính. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đúng thực trạng để có quyết tâm và giải pháp khắc phục, đưa công tác TTPB, GDPL vào nền nếp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Tuyên truyền về biển, đảo tại trường THCS Trần Cao Vân, xã Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam. (Ảnh: Liên Nhi)

Những năm tới, tình hình trên các vùng biển nước ta tiếp tục tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, khó lường. Hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm trên biển còn diễn biến phức tạp. Mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng có tác động nhất định đến tư tưởng bộ đội. Đối với LL CSB, đây là giai đoạn quan trọng để thực hiện Đề án Xây dựng LL CSB đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Toàn lực lượng đứng trước cả thời cơ thuận lợi và những khó khăn thách thức đan xen. Cùng với việc huấn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp và trình độ, khả năng SSCĐ là yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về trình độ chính quy, ý thức tổ chức kỷ luật. Trong bối cảnh đó, công tác TTPB, GDPL lại càng có vai trò quan trọng với nhiều vấn đề mới đặt ra. Để mặt công tác này thực sự có hiệu quả vững chắc, lâu dài, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng PHPB, GDPL Bộ Quốc phòng và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên và tình hình thực tiễn, nhiệm vụ của đơn vị để có chủ trương, biện pháp sát đúng; kế hoạch, chương trình phù hợp. Chú trọng lồng ghép nội dung TTPB, GDPL với công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, duy trì nền nếp, chế độ, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển. Quá trình thực hiện, phải đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng sâu sát cơ sở, bám nắm nhu cầu của đối tượng cần tuyên truyền, tình hình chấp hành kỷ luật của đơn vị để triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác TTPB, GDPL đúng tiến độ, đảm bảo linh hoạt, sinh động, phong phú, hiệu quả.

Hai là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng PHPB, GDPL các cấp và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Trước hết, cần tiếp tục kiện toàn Hội đồng PHPB, GDPL các cấp cũng như đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đảm bảo luôn đủ số lượng và chất lượng. Hội đồng PHPB, GDPL các cấp cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch TTPB, GDPL đã được xác định; kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, những nơi làm chưa tốt để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm; cần làm tốt việc tham mưu, tư vấn, đề xuất nội dung, hình thức, biện pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác TTPB, GDPL sao cho linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của đơn vị. Phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp các cơ quan chức năng, đảm bảo công tác TTPB, GDPL được thực hiện một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật phải được xây dựng ngày càng mang tính chuyên nghiệp, vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội; ngoài việc TTPB, GDPL còn phải thực hiện cả công tác dân vận, hướng dẫn, tư vấn, động viên ngư dân.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác TTPB, GDPL cho phù hợp với tình hình mới.

Trước tiên là đổi mới về tư duy, phương thức: cần TTPB, GDPL theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của CB, CS và nhân dân đối với pháp luật; tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu, nhận thức pháp luật thông qua nhiều hình thức khác nhau như sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, tọa đàm về pháp luật.... Cần kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các hình thức, trong đó đẩy mạnh hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại rất cao.

Về nội dung, cần bám sát các chuyên đề TTPB, GDPL của trên, cụ thể hóa sao cho sát với đặc điểm của đơn vị. Chú trọng xây dựng các chương trình TTPB, GDPL có tính đặc thù, phù hợp cho từng đối tượng. Ví dụ: cần phải có chương trình, kế hoạch TTPB, GDPL mang tính đặc thù riêng cho ngư dân. Bên cạnh việc TTPB, GDPL chung, rất cần thiết phải có nội dung giáo dục truyền thống, cung cấp các chứng cứ lịch sử - pháp lý, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về biển đảo để ngư dân vừa nắm vững pháp luật, không vi phạm các quy định khi khai thác, đánh bắt trên biển vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, có đầy đủ lý lẽ sắc bén để đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù…

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác TTPB GDPL.

Trước khi tiến hành, phải xây dựng kế hoạch, xác định nội dung phù hợp và hiệp đồng cụ thể, chặt chẽ với từng đơn vị có liên quan, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương. Tăng cường ký kết quy chế phối hợp và thường xuyên bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa LL CSB với các sở, ban, ngành, các lực lượng vũ trang và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn. Bên cạnh tăng cường đưa tin về các văn bản pháp luật mới ban hành, cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục riêng tuyên truyền về pháp luật và biên giới biển đảo; Làm tốt việc trao đổi, rút kinh nghiệm, cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTPB, GDPL trong thời gian tới.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, BTL CSB tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa công tác TTPB, GDPL trở thành thường xuyên đạt hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đại tá Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan