Đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Cảnh sát biển

20/10/2016 10:10:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Việc đổi mới phương pháp, tác phong công tác nhằm phát huy tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và kiểm tra BTL Vùng Cảnh sát biển 1, ngày 13/9/2016.  (Ảnh: Vũ Dũng)

Khi nói về cách lãnh đạo, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lãnh đạo đúng là quyết định mọi vấn đề cho đúng, tổ chức thi hành cho đúng, tổ chức kiểm soát cho đúng. Theo Người, muốn lãnh đạo đúng, người lãnh đạo phải có mối liên hệ chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân. Đó chính là thể hiện năng lực nhận thức và khả năng hoạt động thực tiễn của cấp ủy. Đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo của cấp ủy chính là đổi mới phương pháp, tác phong công tác trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp, tác phong công tác tốt có tác dụng tích cực củng cố lập trường, quan điểm, tư tưởng, đạo đức cách mạng, từ đó biến thành năng lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nhận thức đúng vai trò quan trọng của việc đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo, những năm qua, Đảng ủy Cảnh sát biển (CSB) đã hết sức coi trọng khâu lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; trong đó, việc đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo của các cấp ủy và cấp ủy viên các cấp đã được đặc biệt chú ý. Vì vậy, đa số cán bộ chủ trì, cấp ủy viên các cấp đã từng bước đề cao trách nhiệm trong công tác, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết, gương mẫu chấp hành nền nếp chế độ sinh hoạt, nguyên tắc của Đảng; tác phong dân chủ, sâu sát cơ sở, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong thực tế. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ CSB lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đánh giá: “Phong cách, phương pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng được đổi mới, luôn bám sát cơ sở và yêu cầu thực tiễn đặt ra, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc”[1]. Đó là kết quả chung của công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đồng thời là kết quả của việc đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ CSB những năm vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn mộ số hạn chế, khuyết điểm, nổi lên là: Chất lượng ra nghị quyết; năng lực triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết ở một số cấp ủy, chi bộ còn có mặt hạn chế; khâu xây dựng nghị quyết còn chung chung, dập khuôn, máy móc, hình thức; khi tổ chức thực hiện thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, cụ thể nên chưa có biện pháp khắc phục triệt để các khâu yếu, mặt yếu. Một số cấp ủy chưa nhận thức đúng vai trò của việc đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo; chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự giác của cán bộ, đảng viên và tinh thần làm chủ của quần chúng; thiếu sâu sát, nhạy bén trong việc nắm và dự báo tình hình đơn v; còn có biểu hiện thụ động, bất ngờ với các biểu hiện tiêu cực phát sinh dẫn đến các vụ việc vi phạm kỷ luật hoặc mất an toàn.

Những hạn chế nêu trên đã được Văn kiện Đại hội Đảng bộ CSB lần thứ IV chỉ ra nguyên nhân: “Vận dụng các quy định, quy chế và đổi mới phương pháp, tác phong có đơn vị chuyển biến chậm; tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy chưa thường xuyên; có lúc, có nơi sự đoàn kết, thống nhất chưa cao... tính chủ động, sáng tạo của một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ trì còn hạn chế...”[2].

Trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; trên Biển Đông có thể xảy ra những tình huống mới, khó lường; CSB Việt Nam là lực lượng được giao nhiệm vụ chủ trì trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp dân sự và pháp luật, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Nhiệm vụ nặng nề này đặt ra cho Lực lượng CSB những khó khăn, thách thức mới. Quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trọng tâm là thực hiện chủ trương xây dựng CSB Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và có tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ phải nâng cao một bước về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm đủ sức lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong tình hình mới. Muốn vậy, các cấp ủy, đội ngũ cấp ủy viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, tác phong lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng khoa học, thiết thực, hiệu quả. Đây là vấn đề lớn cần kiên trì, có quyết tâm cao, trước mắt cần hướng mạnh vào thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất: Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần nâng cao tính đảng, tính nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo chính trị, tư tưởng và lãnh đạo tổ chức thực hiện; giữa chủ trương quyết tâm và biện pháp, bảo đảm lãnh đạo một cách thiết thực và hiệu quả.

Là hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết ở đơn vị, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp khi đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện đều phải đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết, phải luôn bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, của lực lượng để có các chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng, hiệu quả. Đặc biệt phải luôn đứng trên lập trường của Đảng để xem xét, giải quyết các vấn đề trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ tính nguyên tắc, cái đúng, cái tiến bộ, phê phán, loại bỏ cái sai trái, lạc hậu, những biểu hiện của tư tưởng làm việc cầm chừng, tác phong làm việc hời hợt, thiếu sâu sát và cụ thể; phải thường xuyên rút kinh nghiệm để phát huy những kết quả, ưu điểm đã đạt được và kịp thời khắc phục  những khuyết điểm, tồn tại.

Cần phải nhận thức đúng sự kết hợp giữa lãnh đạo chính trị, tư tưởng và lãnh đạo tổ chức thực hiện vừa là nội dung công tác lãnh đạo vừa là tác phong, phương pháp lãnh đạo của cấp ủy. Do đó, đối với mọi nhiệm vụ, muốn thu được kết quả tốt, đều phải kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo chính trị, tư tưởng và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Việc bám sát thực tiễn để có chủ trương đúng và nêu cao tinh thần trách nhiệm để phát huy tính năng động sáng tạo của cán bộ, đảng viên, tìm ra những biện pháp phù hợp với thực tiễn là hai nhiệm vụ của công tác lãnh đạo. Khi có chủ trương đúng thì mấu chốt là xây dựng quyết tâm, động viên nhiệt tình cách mạng kết hợp với việc tìm mọi biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, kiên quyết làm cho các chủ trương đó, qua thực tiễn trở thành hành động  trách nhiệm, tự giác của bộ đội.

Hiện nay, còn tình trạng hội họp nhiều, hội họp dài, văn bản dài mà chất lượng nghị quyết không cao, còn mang tính chung chung, hình thức, nhiều vấn đề còn thiếu thiết thực; đề ra chủ trương, nội dung lãnh đạo, nhưng lại thiếu biện pháp cụ thể. Tác phong kết hợp giữa chủ trương và thực hiện, giữa quyết tâm và biện pháp, thống nhất giữa nói và làm có nơi còn chưa được tốt; khuynh hướng hời hợt, sao chép chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thành chỉ thị, nghị quyết của cấp mình không sát hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị vẫn đang tồn tại.

Yêu cầu đặt ra đối với mỗi cấp ủy là phải thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết của trên, song vừa phải sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với thực tế cơ quan, đơn vị mình. Cho nên một mặt, cần phải nắm thật vững thực chất nội dung các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, một mặt phải đi sâu điều tra nghiên cứu nắm vững điều kiện, đặc điểm của cơ quan, đơn vị.... để vận dụng và có kế hoạch tổ chức thực hiện cho sát với các nhiệm vụ của đơn vị, khắc phục tốt những khâu yếu, mặt yếu. Đồng thời, phải có quyết tâm cao, có nhiều biện pháp thiết thực, với tinh thần “chủ trương một, biện pháp mười và quyết tâm hai mươi…”. Kiên quyết rèn luyện tác phong đi sâu, đi sát cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc để nắm chắc và chỉ đạo quá trình thực hiện một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả; đảm bảo chấp hành một cách nghiêm chỉnh và sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng cấp trên.

Thứ hai: Rèn luyện phương pháp làm việc tập trung dân chủ.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng, đồng thời cũng là phong cách làm việc, tác phong lãnh đạo của Đảng Mác - Lênin. Trong mọi hành động của cấp ủy phải kết hợp đúng đắn giữa hai mặt dân chủ và tập trung, có như vậy mới tạo được sức mạnh và sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Dân chủ là để nêu cao trách nhiệm chính trị, mọi người đều có nghĩa vụ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; để phát huy trí tuệ, tài năng của mọi người thành tài năng và trí tuệ chung của Đảng, của đất nước, của đơn vị. Tuy nhiên, dân chủ phải có tập trung để khắc phục tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Khi đã có nghị quyết lãnh đạo của tổ chức đảng thì mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị phải nghiêm chỉnh thực hiện và chấp hành.

Tình hình nhiệm vụ hiện nay của Lực lượng CSB càng đòi hỏi phải hết sức chú ý rèn luyện tác phong làm việc dân chủ, xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, tổ chức đảng và trong đơn vị. Càng những lúc khó khăn phức tạp, càng cần phải phát huy trí tuệ tập thể của toàn đơn vị, nâng cao tính tích cực chủ động của cán bộ đảng viên, đồng thời phải dựa vào quần chúng, lắng nghe ý kiến mọi người, làm tốt công tác tuyên truyền giải thích chủ trương, nhiệm vụ, kế hoạch và dự định của mình. Làm cho cán bộ, đảng viên và chiến sĩ thông suốt, luôn luôn chủ động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay vẫn còn tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, gò ép quần chúng, thiếu tuyên truyền giải thích cho bộ đội thông suốt nhiệm vụ, thấy rõ việc phải làm, hoặc còn tình trạng khoán trắng việc cho cấp dưới mà ít hướng dẫn, giúp đỡ, sâu sát chỉ đạo một cách thiết thực.

Trong lãnh đạo, cùng với việc mở rộng dân chủ, phải tăng cường tập trung, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất vào cấp ủy. Dân chủ và tập trung không mâu thuẫn, mà là một thể thống nhất. Để kết hợp đúng đắn giữa tập trung và dân chủ, phải biết phát huy dân chủ cho tốt, dân chủ thực sự và phải biết tập trung trên nguyên tắc, chế độ lãnh đạo, chế độ chỉ huy, tập trung vào cấp ủy, vào cơ quan chỉ huy lãnh đạo, bảo đảm hiệu lực cao nhất của lãnh đạo và chỉ huy. Tập trung còn thể hiện tinh thần triệt để chấp hành chỉ thị, nghị quyết của trên, kiên quyết hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, khó khăn mấy cũng vượt qua, không ỷ lại chờ đợi, không bó tay, khuất phục trước mọi hoàn cảnh. Tập trung trên cơ sở dân chủ là lãnh đạo và chỉ huy dựa trên cơ sở nắm vững nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng của cấp ủy, tin vào năng lực của mình, kiên quyết, dũng cảm thực hiện chức trách để làm tròn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Một mặt, phải phê phán khuynh hướng tập trung máy móc, quan liêu, tập trung quyền hành vào cá nhân, bó tay cấp dưới, làm cho mọi người ỷ lại, bị động, mất sáng tạo, không dám chịu trách nhiệm. Đồng thời chúng ta cũng chống dân chủ hình thức, tự do tản mạn, dân chủ quá chớn làm mất hiệu lực lãnh đạo, chỉ huy và sức mạnh của tập thể.

Thứ ba: Rèn luyện tác phong cụ thể, sâu sát, có kiểm tra đôn đốc.

Làm việc cụ thể, sâu sát cấp dưới chính là biểu hiện của tác phong công tác khoa học, sát thực tế. Đi sâu, đi sát đơn vị là để nắm vững tình hình, nắm chắc nguyện vọng, khả năng hoạt động của quần chúng, phát hiện những vấn đề cần chỉ đạo, nhằm hoàn thành mọi nhiệm vụ. Người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy không những biết ra mệnh lệnh, chỉ thị, mà còn phải giỏi hướng dẫn biện pháp cho cấp dưới để hoàn thành nhiệm vụ. Bố trí công tác, giao việc cho cấp dưới phải cụ thể rõ ràng nhưng không làm mất tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới. Đi sâu, đi sát nghĩa là đi xuống đến tàu, đến trạm, xưởng, đến địa bàn hoạt động nghiệp vụ của bộ đội để tìm hiểu tình hình và qua thực tế mà đề xuất chủ trương, biện pháp thực hiện, tìm ra những kinh nghiệm, sáng kiến tốt để bồi dưỡng, đồng thời bổ sung những chủ trương, biện pháp chưa phù hợp. Cấp ủy, nhất là cán bộ chủ trì cần rèn luyện tác phong cụ thể, nói đi đôi với làm, tác phong trực tiếp “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nói”, hiểu thấu những khó khăn của cấp dưới khi giao nhiệm vụ, luôn luôn quan tâm giúp đỡ cấp dưới giải quyết khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ. Sâu sát không có nghĩa là lúc nào cũng phải có mặt ở cơ sở, mà vấn đề chủ yếu là khi xuống cơ sở, xuống đơn vị phải có mục đích rõ ràng, nhằm nắm vững tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội; sâu sát là để giúp đỡ quần chúng tiến bộ, tìm mọi cách bồi dưỡng tạo điều kiện cho quần chúng hành động, định ra chủ trương kế hoạch cho sát để quần chúng hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Bên cạnh mặt tốt là chủ yếu, hiện nay cũng còn một số cấp trên ít xuống cơ sở, hoặc có đi nhưng tác dụng còn ít. Cách đi chưa tốt, thường mới đi xuống nghe báo cáo của cấp ủy, cơ quan cấp dưới mà chưa đi sâu vào công việc, đi sâu vào quần chúng ở cơ sở, nên phát hiện các vấn đề chỉ đạo còn chậm, thiếu sâu sắc. Đi xuống cơ sở, đi sát thực tế, nhưng phải rèn luyện tác phong xem xét, điều tra, thu thập tình hình, lắng nghe ý kiến đề nghị của cơ sở, suy nghĩ phát hiện những vấn đề đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy cần giải quyết để làm cho tình hình chuyển biến tốt hơn.

Thứ tư: Coi trọng nói đi đôi với làm, sự gương mẫu của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp.

Nói đi đôi với làm, lấy giáo dục, thuyết phục, nêu gương làm chính là phương pháp công tác rất cơ bản của cấp ủy nói chung và của cán bộ chủ trì nói riêng. Trên cơ sở đường lối của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và của cấp mình, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp vừa biết dùng lý lẽ, vừa bằng thực tiễn của đất nước, của chính đơn vị và bằng hành động nêu gương của bản thân để giáo dục, thuyết phục, động viên bộ đội vượt lên khó khăn, thách thức, giải quyết kịp thời và thành công những vướng mắc, trở ngại nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Phải tránh lối nói suông, “đánh trống, bỏ dùi”, “đầu voi, đuôi chuột” mà luôn luôn thực hiện nói đi đôi với làm, giữ vững các chuẩn mực trong công tác, sinh hoạt để quần chúng tin cậy. Sự nêu gương của cấp ủy và cán bộ chủ trì trong mỗi cơ quan, đơn vị sẽ là tấm gương soi, là mệnh lệnh không lời nhưng thuyết phục để cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị học tập, noi theo.

Xây dựng CSB Việt Nam tiến lên hiện đại là một nhiệm vụ rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương tin tưởng giao cho Lực lượng CSB. Đây vừa là vinh dự, tự hào đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy, của lãnh đạo, chỉ huy và từng cán bộ, đảng viên trong toàn lực lượng. Chú trọng nâng cao tính đảng, tính nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo, kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo chính trị, tư tưởng và lãnh đạo tổ chức thực hiện; rèn luyện phương pháp làm việc tập trung dân chủ; tác phong cụ thể, sâu sát, có kiểm tra đôn đốc, đồng thời coi trọng nói đi đôi với làm, sự nêu gương của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp là biểu hiện cụ thể của việc đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo của cấp ủy. Trong đó, cấp ủy cần chuyển mạnh, chuyển trước để lãnh đạo cán bộ đảng viên và quần chúng chuyển theo. Tác phong tốt của cán bộ chủ trì các cấp có tác dụng nêu gương, thúc đẩy, cổ vũ cán bộ đảng viên rất lớn. Thực hiện đồng bộ các nội dung cơ bản trên là cơ sở quan trọng để xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng Lực lượng CSB “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” và có tính chuyên nghiệp cao./.

Trung tướng, PGS-TS Hoàng Văn Đồng

Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam

 

 

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan