Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự với thực tiễn hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam

24/06/2019 09:36:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 26/11/2015, Quốc hội ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 thay thế Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung các năm 2006, năm 2009). Việc ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã khắc phục được một số mặt hạn chế, bất cập trước đây của Pháp lệnh như: đã quy định cụ thể hơn về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát, quy định về điều tra viên, cán bộ điều tra… góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về Chiến lược Cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc, tổ chức hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự.
Ngay sau khi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được ban hành, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức triển khai quán triệt, tập huấn và huấn luyện cho toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn Lực lượng về nội dung cơ bản của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; đã mời giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân lên lớp cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác nghiệp vụ pháp luật trong toàn Lực lượng Cảnh sát biển.
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự ra đời đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm, thực thi pháp luật của Lực lượng Cảnh sát biển thời gian qua. Tuy nhiên, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, qua thực tiễn áp dụng Luật bộc lộ một số khó khăn, bất cập cần nghiên cứu:
1. Về thẩm quyền của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
- Tại Khoản 1 Điều 35 Luật Tổ chức điều tra hình sự quy định: Lực lượng Cảnh sát biển chỉ được tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các tội phạm trong Chương XIII Bộ luật Hình sự và 25 điều, tập trung vào các tội phạm như: buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của Việt Nam… xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiều tội phạm như: giết người, cướp tài sản, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp biển, hủy hoại tài sản, mua bán phụ nữ, trẻ em, chống lại người thi hành công vụ… thường xuyên xảy ra trên biển và mặc dù Cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển nhưng pháp luật lại không quy định thẩm quyền khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các loại tội phạm này. Do vậy, rất dễ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm xảy ra trên biển.
- Tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì Lực lượng Cảnh sát biển có nhiệm vụ, quyền hạn: “Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường… trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”.
Nhưng Khoản 3 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định cho Lực lượng Cảnh sát biển có quyền trưng cầu giám định khi cần thiết.
- Tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định Lực lượng Cảnh sát biển được áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng và tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp.
Nhưng tại Khoản 3 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định quyền hạn quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cho Lực lượng Cảnh sát biển trong trường hợp tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp.
Như vậy, chưa có sự thống nhất trong quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự về cùng một vấn đề.
- Điều 35 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định: ”Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết; khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn một tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”.
Trong thực tế, Lực lượng Cảnh sát biển là một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhiều biện pháp không được Luật Tố tụng hình sự quy định; không có thẩm quyền tạm giam và không có nhà tạm giam, buồng tạm giữ hình sự (theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015) nên hầu như chưa làm được vụ án loại này.
2. Về thời hạn thực hiện công tác điều tra ban đầu:
Theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Nhưng thực tế hoạt động phát hiện, chứng minh hành vi phạm tội trên biển gặp rất nhiều khó khăn (khu vực biển xa đất liền, điều kiện thời tiết, khí hậu phức tạp, thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn, thu thập, củng cố chứng cứ...). Vì vậy, thời hạn 7 ngày đối với các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng là quá ngắn, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh...
Từ những vấn đề khó khăn, bất cập nêu trên, một mặt phải đề nghị sửa đổi, bổ sung những quy định về quyền hạn điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự để các quy định này không mâu thuẫn, chặt chẽ, tương ứng, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn; mặt khác cần phát huy kinh nghiệm, kiến thức và triệt để khai thác những điều kiện cho phép để phát hiện, đấu tranh và tấn công tội phạm một cách hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lực lượng thực thi pháp luật trên biển./.

Thiếu tướng, TS Luật học BÙI TRUNG DŨNG 
Phó Tư lệnh Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan