16/05/2018 10:19:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển là hoạt động thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của mọi tổ chức, cá nhân, đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi quốc gia, nhất là đối với các quốc gia có biển.
Nước ta nằm trong khu vực Biển Đông - một trong những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai, bão, lũ do biến đổi khí hậu gây nên. Thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường. Hằng năm, Việt Nam chịu ảnh hưởng từ 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có 5 - 7 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào nước ta với nhiều cấp độ rủi ro thiên tai khác nhau. Các địa phương nơi cơn bão, ATNĐ đi qua thường để lại nhiều hậu quả, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm cho hàng trăm người thương vong, hàng nghìn người mất nhà cửa; tàu thuyền, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng, thủy sản nuôi trồng… bị tàn phá, hủy hoại.
Trên các vùng biển Việt Nam, hoạt động hàng hải, nghề cá có chiều hướng gia tăng, phát triển kinh tế biển ngày càng diễn ra nhộp nhịp. Tình hình an ninh phi truyền thống trên biển luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường từ cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền đến tranh chấp ngư trường, đánh bắt trái phép thủy hải sản. Trong khi đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải chưa được coi trọng, ý thức của ngư dân còn chủ quan, đơn giản; nhiều tàu, thuyền tình trạng kỹ thuật đã xuống cấp, cũ hỏng nhưng không được quan tâm sửa chữa, khắc phục nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngoài chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là duy trì thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa; đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa… còn có nhiệm vụ thường xuyên, không kém phần quan trọng là tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiên tai, sự cố trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường biển.
Cứu nạn là việc làm cần thiết và cấp bách, thông qua các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa tính mạng của họ đến nơi an toàn.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPTT&TKCN) nên ngay từ ngày đầu thành lập lực lượng, Cảnh sát biển Việt Nam luôn chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên các vùng biển; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương 28 tỉnh, thành ven biển triển khai có hiệu quả công tác ƯPTT&TKCN trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc; góp phần giúp đỡ các tổ chức, cá nhân yên tâm bám biển làm ăn, phát triển kinh tế; được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc Phòng và nhân dân tin tưởng đánh giá cao.
Với phương châm “Không có lực lượng cơ động nào nhanh bằng lực lượng tại chỗ”, hằng tháng, BTL Cảnh sát biển thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), TKCN tại các cảng Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Cà Mau, Phú Quốc; tàu trực trên biển tại các đảo Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Hòn La/Quảng Bình, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Phú Quý/Bình Thuận và Thổ Chu/Phú Quốc. Ngoài ra, còn có từ 15-20 tàu thường xuyên hoạt động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên các vùng biển. BTL Cảnh sát biển cũng đã thiết lập kênh thông tin thu canh TKCN 24/24h trên các tần số 6650 KHz và 9939 KHz, tuyên truyền phổ biến cho ngư dân biết để khi gặp nạn cần thông báo ngay cho Lực lượng Cảnh sát biển. Sự có mặt của Lực lượng Cảnh sát biển trên các vùng biển của Tổ quốc thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, kịp thời hỗ trợ ngư dân xử lý những tình huống trên biển, nhất là khi bị tàu cá nước ngoài xua đuổi, đâm va, cướp ngư lưới cụ và khi gặp thiên tai, sự cố.
Năm 2017, BTL Cảnh sát biển đã triển khai thực hiện thành công mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền, đoàn thể địa phương ở 08 xã (huyện) đảo tổ chức tuyên truyền cho hơn 4.500 cán bộ, nhân dân; hơn 3.000 học sinh; cấp phát hàng nghìn tờ rơi về những điều ngư dân cần biết khi làm ăn trên biển và 250 cuốn sổ tay tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Từ năm 2013 đến nay, BTL Cảnh sát biển đã hỗ trợ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men, áo phao cứu sinh và chăm sóc y tế cho hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển. Sử dụng 150 lượt tàu, xuồng, 2.808 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp tổ chức TKCN trên các vùng biển. Trong đó, độc lập TKCN được 554 người, vớt được 14 thi thể và cứu kéo thành công 44 tàu thuyền bị nạn, (gồm có cả người, phương tiện nước ngoài).
Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 9001 tiếp cận, triển khai phương án cứu tàu cá BĐ 95066TS bị nạn trên vùng biển Phú Quý, Bình Thuận.
Trong những năm tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn và thiên tai, sự cố trên biển sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; công tác đảm bảo thiết bị cứu sinh, an toàn kỹ thuật tàu thuyền chưa được coi trọng; các hoạt động xâm phạm, tranh chấp ngư trường vẫn tiềm ẩn những nhân tố mất an toàn.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN của Lực lượng Cảnh sát biển nói riêng, các lực lượng khác nói chung, đề nghị cần tập trung nghiên cứu một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về mức độ nguy hiểm do thiên tai, bão lũ gây ra; giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh thiên tai, tai nạn cho các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, tránh tư tưởng chủ quan, đơn giản, để hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về hậu quả nặng nề mà thiên tai và các tai nạn gây ra; thấy rõ hơn vai trò nòng cốt, trách nhiệm to lớn, vinh quang của mình; coi đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của toàn lực lượng. Trong giáo dục tuyên truyền, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó thiên tai, sự cố và ý thức khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ TKCN trong mọi tình huống.
Hai là, Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020. Duy trì nghiêm chế độ trực ƯPTT&TKCN, nắm chắc tình hình; khi thiên tai, sự cố xảy ra cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, báo cáo kịp thời, chủ động tham mưu đề xuất các biện pháp xử lý; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, vào những thời điểm quan trọng thường xảy ra thiên tai, sự cố; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và trang thiết bị.
Ba là, Tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành cho bộ đội trong hoạt động ƯPTT&TKCN. Thực tế cho thấy, bão lũ ngày càng xảy ra với cường độ mạnh, diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng nên việc cơ động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó gặp nhiều khó khăn, dẫn tới hiệu quả xử trí các tình huống còn hạn chế, nhất là ở địa bàn phức tạp. Vì vậy, trong công tác huấn luyện, cần xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện cho sát với thực tiễn theo phương châm “Thiết thực, cơ bản, vững chắc”; xác định thời gian, hình thức, phương pháp huấn luyện cho phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy cao nhất thế mạnh của từng đối tượng. Chú trọng nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng thành thạo các phương tiện TKCN hiện đại và kỹ năng thực hành khắc phục sự cố tràn dầu, chống cháy nổ. Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong hiện đại hóa mô hình huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với ứng dụng khoa học công nghệ thông tin. Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo trình, tài liệu huấn luyện về TKCN bảo đảm tính chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bốn là, Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa to lớn của công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ ƯPTT&TKCN nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp. Các lực lượng cần đẩy mạnh phối hợp trong công tác nắm, trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến thiên tai, sự cố. Chủ động phối hợp chính quyền địa phương nơi đóng quân để nắm chắc tình hình các khu vực, địa bàn trọng yếu về thiên tai, sự cố; từ đó chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các bên kịp thời phối hợp tham mưu, đề xuất với Chính phủ, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo xử lý tình hình, sử dụng lực lượng, phương tiện ứng cứu nhanh chóng, hiệu quả, góp phần khắc phục giảm nhẹ thiên tai, sự cố đến mức thấp nhất. Cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng các quy chế, kế hoạch, chương trình phối hợp, hành động một cách chặt chẽ, chính xác, khoa học ở tất cả các khâu, từ tiếp nhận thông tin, xác minh đến tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện; xây dựng các phương án thực hành phối hợp ƯPTT&TKCN trong từng tình huống tai nạn, sự cố cụ thể. Nhất là đối với các vụ việc xảy ra trong điều kiện mưa bão, lũ lụt, xa đất liền thì công tác phối hợp càng phải chặt chẽ, thống nhất, kịp thời, phát huy được tối đa sở trường, tính đặc thù của từng lực lượng.
Năm là, Thực hiện nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo: “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả” và phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, nhằm huy động nhanh chóng sức mạnh tổng hợp (con người, phương tiện, vật chất) ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống, nhất là trong các tình huống khẩn cấp. Thực tế cho thấy, chi phí cho hoạt động đề phòng thiên tai, tai nạn rủi ro luôn thấp hơn chi phí khắc phục hậu quả trên biển; nếu chuẩn bị chu đáo mọi mặt, khi sự cố xảy ra, các đơn vị TKCN sẽ chủ động ứng phó nhanh chóng, kịp thời và giảm tối đa thiệt hại. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển lực lượng cùng các trang thiết bị hiện đại, nhất là phương tiện chuyên dụng, làm cơ sở hình thành các trung tâm cứu hộ, cứu nạn mạnh trên từng khu vực. Các đơn vị cần chú trọng thực hiện tốt chế độ bảo quản, sửa chữa, giữ gìn trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất, tài sản; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và duy trì khả năng SSCĐ, TKCN. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nắm và dự báo chính xác tình hình thiên tai, bão lụt; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực SSCĐ, CHCN, trực thông tin và trực canh, canh gác 24/24h.
Sáu là, Tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực TKCN nhằm tranh thủ sự giúp đỡ cả về vật chất, trang bị cũng như kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các nước. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác về dự báo, cảnh báo, sử dụng trang thiết bị TKCN; tích cực hoàn thiện cơ chế hợp tác với quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và TKCN; đồng thời mở rộng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, ý định thư, thiết lập kênh thông tin cứu trợ khẩn cấp, đường dây nóng phối hợp trong hoạt động TKCN với các lực lượng chuyên trách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN để thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, tình hình tai nạn, sự cố của tàu thuyền và sẵn sàng sử dụng lực lượng, phương tiện triển khai hỗ trợ trong hoạt động ƯPTT&TKCN trên biển khi có yêu cầu. Ngoài ra, các bên cần tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về chương trình, nội dung huấn luyện, đào tạo cán bộ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, sự cố và hỗ trợ các trang thiết bị ứng phó, cảnh báo thiên tai, TKCN. Tích cực tham gia các đợt diễn tập, tập huấn về TKCN trong khu vực để tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy và ứng phó với các tình huống.
Cảnh sát biển Việt Nam luôn xác định là lực lượng xung kích của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ ƯPTT&TKCN trên biển nhằm góp phần tạo nên môi trường biển Việt Nam an toàn hơn, tin cậy hơn; thúc đẩy việc đầu tư, khai thác, bảo tồn nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc./.
Trung tướng, TS. Nguyễn Quang Đạm - Nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển