Nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ và pháp luật Cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới

21/05/2018 03:39:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Từ thực tiễn hoạt động, BTL Cảnh sát biển đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nghiệp vụ pháp luật của Lực lượng Cảnh sát biển, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nóng cốt thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển của Việt Nam. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển. Trong đó, đã chú trọng nghiên cứu, kiện toàn, nâng cấp, từng bước hoàn thiện về tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị, cũng như nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ pháp luật. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động, đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nghiệp vụ pháp luật của Lực lượng, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn chuyên ngành Nghiệp vụ pháp luật năm 2018.

Do được sự quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với nhiều nội dung, giải pháp của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng, thời gian qua, công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển đã đạt được những hiệu quả khá cơ bản. Trong đó, nổi hơn là: công tác nghiệp vụ cơ bản đã đi vào nền nếp hơn; công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình trên biển; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là ngư dân và các thành phần kinh tế hoạt động trên biển; công tác đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, đặc biệt là tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; công tác tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách xử lý các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ hoặc để nước ngoài tạo cớ, gây điểm nóng, không có lợi cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, cũng như các hoạt động đối ngoại, kinh tế, thương mại của nước ta; công tác phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, lực lượng có sự chuyển biến rõ nét, đi vào thực chất, thường xuyên, có chuyên sâu, đạt nhiều kết quả tốt.
Chỉ tính riêng năm 2017, qua công tác nghiệp vụ pháp luật, đã thu, xử lý được trên 10.000 tin có liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra trên biển; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo cho trên 20.000 lượt người; phát hiện, tuyên truyền, yêu cầu trên 4.500 tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách; chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật trên 700 vụ, với gần 1.000 đối tượng.... Với những kết quả đã đạt được trong công tác nghiệp vụ pháp luật, Lực lượng Cảnh sát biển đã có nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng khen thưởng với nhiều hình thức khác nhau.
Năm 2018 và những năm tiếp theo, tình hình an ninh chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường. Đặc biêt, nhằm thực hiện yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, nước ngoài tiếp tục thực hiện nhiều nội dung, giải pháp vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược, lâu dài, như: cải tạo, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để nâng cấp các đảo, cấu trúc đá đang chiếm đáng trái phép ở Biển Đông; tổ chức nghiên cứu, tập hợp và củng cố hồ sơ pháp lý, các lập luận về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông theo hướng mới, thay cho cái gọi “chủ quyền lịch sử” theo yêu sách “đường chín đoạn”; tăng cường hoạt động của lực lượng chấp pháp và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế biển trong phạm vi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời, với tính chất phức tạp, nhạy cảm, khó lường, Biển Đông luôn thu hút được được sự quan tâm của các nước lớn trên thế giới, nhất là các nước có ảnh hưởng, lợi ích trực tiếp, “cốt lõi” từ Biển Đông. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển tiếp tục diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động hơn; hoạt động vi phạm của tàu thuyền nước ngoài, nhất là tàu cá tuy có giảm nhưng chưa vững chắc; tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản vẫn diễn ra nhiều; tình hình khí hậu, hải văn luôn diễn biến phức tạp, khó lường. Chính những yếu tố này sẽ tác động, chi phối đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển trong thời gian tới.
Từ thực tiễn trên, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và để nâng cao hơn nữa công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, lợi quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật, dân sự, đòi hỏi cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng cần tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác, nhất là công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tập trung lãnh đạo, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Có thể nói, công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển có tính đặc thù rất cao, ngoài việc thường xuyên phải hoạt động độc lập, đơn tuyến, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy, thì người cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển còn có điều kiện tiếp nhận, xử lý các thông tin, tài liệu có chứa nhiều nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật của Lực lượng. Đồng thời, do tính đặc thù của nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển hay phải tiếp xúc với mặt trái của nền kinh tế thị trường, có nhiều hoạt động tiêu cực, cám dỗ, nên đòi hỏi phải có phẩm chất, năng lực cần thiết mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do vậy, cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng Cảnh sát biển phải luôn quán triệt và thấm nhuần quan điểm của Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung lãnh đạo nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ pháp luật, gắn với những giá trị cốt lõi của người Chiến sỹ Cảnh sát biển “Trách nhiệm - Kỷ cương - Nhân Chính”. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, nhân viên có phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm tốt, phù hợp với tính chất đặc thù của công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển để tham mưu, đề xuất điều động, bổ nhiệm cán bộ, góp phần thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ pháp luật của mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng, toàn Lực lượng nói chung. Xong bên cạnh đó, cũng phải luôn chủ động rà soát, phát hiện những cán bộ, nhân viên không đủ phẩm chất, năng lực, có biểu hiện suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống để có biện pháp nhắc nhở, uấn nắn hoặc chủ động điều chuyển sang các vị trí công tác phù hợp, nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, tránh để xảy ra các hành vi tiêu cực, vi phạm kỷ luật, pháp luật phải xử lý.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển cho nhân dân các địa phương ven biển, nhất là ngư dân. Qua đó, để nhân dân các địa phương ven biển, nhất là ngư dân trực tiếp hoạt động trên biển nắm được quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Qua tuyên truyền, để nhân dân khi hoạt động trên biển luôn tự giác chấp hành pháp luật; kịp thời phát hiện, báo cho Lực lượng Cảnh sát biển về những hành vi vi phạm vùng biển Việt Nam của tàu thuyền nước ngoài, cũng như các hành vi tội phạm, vi phạm pháp luật khác ở trên biển. Với hàng triệu ngư dân ngày đêm hoạt động trên các vùng biển của Tổ quốc, khi Lực lượng Cảnh sát biển được nhân dân tin tưởng, giúp đỡ, báo tin thì đây thực sự là một nguồn lực to lớn, nhân tố đặc biệt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công tác nghiệp vụ pháp luật của Lực lượng.
Ba là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp nghiệp vụ của Lực lượng Cảnh sát biển. Theo quy định tại Điều 14, Pháp Lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp nghiệp vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam còn nhiều bất cập, mới quy định trên một số lĩnh vực, chưa bao quát hết toàn bộ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên biển. Các quy định hiện có mới chỉ ở dạng quy định chung, chưa quy định cụ thể, chi tiết nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng, triển khai thực hiện, dẫn đến kết quả đạt được còn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mà Lực lượng Cảnh sát biển đã được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao. Do vậy, từ thực tiễn hoạt động, chúng ta cần phải tập trung nghiên cứu, tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể các biện pháp nghiệp vụ của Lực lượng Cảnh sát biển. Trước mắt, biện pháp nghiệp vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phải được cụ thể hóa thành một Điều trong Dự thảo Luật Cảnh sát biển để trình Quốc hội thông qua trong năm 2018. Còn về lâu dài, chúng ta cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết các biện pháp nghiệp vụ của Lực lượng Cảnh sát biển, nhằm tạo hàng lang pháp lý đồng bộ, đủ mạnh để Lực lượng Cảnh sát biển triển các biện pháp nghiệp vụ đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên.
Bốn là, tăng cường công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý tình huống, không để bị động, bất ngờ. Cần xác định rõ, công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình trên hướng biển là nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cảnh sát biển. Trong đó, cơ quan, đơn vị và cán bộ tham mưu, nghiệp vụ pháp luật là lực lượng nòng cốt. Đồng thời, việc nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, dự báo tình hình từ xa, tình hình từ khi là dấu hiệu nghi vấn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng cần luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình trên biển. Đặc biệt, cần phát huy tối đa hiệu quả các trang thiết bị nghiệp vụ đã được đầu tư trong hoạt động thu thập tin tức, qua đó phát hiện các dấu hiệu nghi vấn để tổ chức theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình từ xa, nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách xử lý và điều động, sử dụng lực lượng bảo đảm hợp lý, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Năm là, làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển có liên quan chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ven biển và các lực lượng liên quan, nhất là lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Công an, Kiểm ngư, Hải quan... Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển cần phải làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển và các lực lượng liên quan. Nội dung, hình thức phối hợp phải thực chất, có chiều sâu, bảo đảm tính liên tục, hiệu quả. Quá trình phối hợp, hiệp đồng phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, theo đúng quyên tắc, quy định của pháp luật và không cản trở đến thực hiện nhiệm vụ của từng bên tham gia phối hợp, hiệp đồng. Qua đó, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển nói chung, công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát nói riêng.
Thực hiện tốt các nội dung, giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có tính chuyên nghiệp cao, bảo đảm cho toàn Lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bằng biện pháp pháp luật, dân sự và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Văn Sơn - Phụ trách Tư lệnh Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan