01/10/2019 02:09:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam có đa chức năng, nhiệm vụ, với tính đặc thù cao, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều địa phương. Do vậy, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đòi hỏi Lực lượng Cảnh sát biển phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong phòng chống tội phạm trên biển, nhất là ở các tuyến, vùng biển trọng điểm.
Cảnh sát biển phối hợp Bộ đội Biên phòng bắt giữ, xử lý tàu vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Văn Nhâm)
Thời gian qua, trên hướng biển và địa bàn liên quan, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nam, tập trung chủ yếu vào các loại tội phạm, vi phạm như: tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau (vi phạm quy định đi qua vô hại trong lãnh hải Việt Nam, đánh bắt hải sản trái phép, nghiên cứu biển trái phép, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm về ma túy, cướp biển…). Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, vi phạm thường rất tinh vi, manh động và liên tục thay đổi. Hậu quả do tội phạm trên biển gây ra thường rất lớn. Mặt khác, loại tội phạm này là một trong những nguyên nhân chính làm cho tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép thời gian qua luôn diễn biến phức tạp. Tính chất hoạt động của tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên biển thường rất manh động, nhất là đối với số đối tượng thực hiện hành vi cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, buôn lậu thuốc lá, xăng, dầu. Từ năm 2010 đến nay, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã ghi nhận có 02 người chết, 04 người bị thương do hành vi của bọn cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền gây ra; 1 vụ đối tượng buôn lậu dầu DO tàng trữ 01 khẩu súng tiểu liên THOM-SON cùng 17 viên đạn; 2 vụ đối tượng buôn lậu thuốc lá sử dụng xuồng cao tốc (công xuất 1.000 CV) đâm va vào phương tiện của Lực lượng Cảnh sát biển; có hàng chục vụ khi Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ đối tượng đã không chấp hành yêu cầu dẫn giải, cố tình chây ì hoặc có biểu hiện, hành vi chống đối, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh, xử lý.
Trước tình hình trên, nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phối hợp lực lượng trong phòng chống tội phạm, vi phạm trên biển, trong những năm qua, căn cứ Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14/6/2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đã quan tâm, chú trọng thực hiện có nền nếp, hiệu quả công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ven biển (nhất là huyện, xã đảo ven bờ) và các lực lượng chức năng liên quan (Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm…) để triển khai các nội dung, hình thức phối hợp phù hợp, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng và đúng quy định của pháp luật. Nội dung phối hợp lực lượng thường tập trung vào: trao đổi thông tin, tài liệu về tình hình hoạt động của tội phạm trên biển; đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương ven biển và các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa, khai thác tài nguyên biển (dầu khí, thủy sản, du lịch…), nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân (nhất là ngư dân) các địa phương ven biển; đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về biển, đảo; thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; tổ chức xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cảnh sát biển; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, trong đó xác định đối tượng trọng tâm là ngư dân, thuyền trưởng, thuyền viên tàu vận tải - những người thường xuyên hoạt động trên biển; các hoạt động hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm trên biển, nhất là nhóm tội phạm về cướp biển, tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức và hoạt động xuyên quốc gia, các hành vi vi phạm về đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Quá trình phối hợp, Cảnh sát biển xác định rõ phương châm: Công tác phối hợp phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển làm chính, không phô trương, hình thức, phối hợp lấy lệ. Nội dung, hình thức phối hợp lực lượng phải phong phú, đa dạng, theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, sát với thực tiễn và điều kiện cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị; công tác phối hợp không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị; quá trình phối hợp phải đảm bảo an toàn về mọi mặt, nhất về con người, vũ khí trang bị, tài liệu và các biện pháp nghiệp vụ.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời, từ năm 2012 đến nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký kết quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với 03 đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, gồm: Tổng cục Tình báo Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; 08 đầu mối thuộc các Bộ, ngành, gồm: Tổng cục Cảnh sát (nay chuyển giao cho Cục Nghiệp vụ và Pháp luật tiếp tục thực hiện) và Học viện Cảnh sát Nhân dân/Bộ Công an, Tổng Cục Hải quan/Bộ Tài chính, Tổng cục Thủy sản/Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Biển và Hải đảo/Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân. Các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đã ký kết được 75 quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm của nhiều tỉnh, thành phố ven biển. Toàn Lực lượng Cảnh sát biển đã trao đổi với lực lượng phối hợp 14.321 tin liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; tham gia đóng góp ý kiến vào trên 100 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, lực lượng phối hợp chủ trì soạn thảo; đề nghị đơn vị phối hợp hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật cho gần 2.500 lượt cán bộ, nhân viên trinh sát, pháp luật (chỉ tính riêng Học viện Cảnh sát Nhân dân, trong 5 năm trở lại đây, đã đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật về phòng chống tội phạm cho gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển); phối hợp với chính quyền các xã, huyện đảo, khu vực biên giới biển tổ chức trên 50 buổi làm việc để trao đổi tình hình về tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; phối hợp tổ chức được 1.235 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân và thông qua thực hiện mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người dân thuộc nhiều đối tượng, thành phần, độ tuổi khác nhau; phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý gần 1.000 vụ án về ma túy và trên 100 vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.
Với kết quả đã đạt được, công tác phối hợp lực lượng trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển và địa bàn liên quan đã góp phần quan trọng giúp Lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tái phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển giữa Cảnh sát biển với cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển và lực lượng chức năng liên quan vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, bất cập; kết quả công tác phối hợp chưa tương xứng với điều kiện và khả năng của mỗi lực lượng. Nổi lên là: (1) Thông tin trao đổi trong phối hợp còn chung chung, dàn trải, chủ yếu có tính chất tham khảo, chưa có nhiều thông tin có giá trị cao; (2) Các lực lượng chưa chú trọng trong phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động nghiệp vụ, nhất là công tác điều tra cơ bản các tuyến, địa bàn trọng điểm về tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực ven biển; (3) Việc xác định thẩm quyền điều tra đối với các vụ án xảy ra trên biển còn gặp nhiều khó khăn do không xác định rõ được địa điểm xảy ra vụ việc trên biển thuộc địa bàn hành chính của tỉnh, thành phố nào; (4) Công tác phối hợp trong quản lý, phát hiện, xử lý các chủ tàu cá, các đối tượng, đường dây môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép chưa được chú trọng, hiệu quả thấp; (5) Chưa tạo được thế liên hoàn trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật từ biển đến khu vực biên giới biển đến nội địa và ngược lại...
Nguyên nhân của các tồn tại, khó khăn, bất cập nêu trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đó là: Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác phối hợp lực lượng nên trong lãnh đạo, chỉ đạo còn chung chung, thiếu quan tâm, không sâu sát; Vùng biển và địa bàn ven biển rất rộng, trải dài qua 28 tỉnh, thành trong khi địa hình, khí hậu phức tạp, gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả công tác phối hợp; Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác phối hợp còn chung chung, có tính nguyên tắc, không quy định rõ trách nhiệm các bên khi phối hợp; Năng lực, kinh nghiệm, kiến thức về nghiệp vụ, pháp luật của một số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phối hợp còn thiếu và yếu, có trường hợp chưa nêu cao trách nhiệm công vụ, tinh thần đấu tranh, tiến công với tội phạm còn thấp; Cá biệt, còn có nhiều hoạt động phối hợp nội dung, hình thức sơ sài, đơn điệu.
Trong thời gian tới, hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Để tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp trong phòng ngừa tội phạm trên biển, Lực lượng Cảnh sát biển cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo và gắn trách nhiệm của cấp ủy, người lãnh đạo, chỉ huy các cấp với kết quả công tác phối hợp lực lượng trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Thông qua quán triệt, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển và các lực lượng liên quan. Từ đó có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ Cảnh sát biển nói chung, trong nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, vi phạm trên biển nói riêng. Qua đó, xây dựng động cơ, tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Trên cơ sở nội dung các quy chế, kế hoạch phối hợp mà Cảnh sát biển đã ký kết với các lực lượng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa thành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo phân cấp, đảm bảo phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc điểm từng tuyến, địa bàn, vùng biển được giao quản lý trong từng giai đoạn cụ thể. Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị với kết quả công tác phối hợp trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển và địa bàn liên quan.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác phối hợp.
Như đã đề cập ở trên, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển với các lực lượng đã được xây dựng tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát biển và các lực lượng triển khai phối hợp hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã có một chương riêng (Chương IV) quy định về phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trước sự phát triển của tình hình trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã, đang làm nảy sinh nhiều vấn đề mới. Bên cạnh đó, hiện nay vai trò chủ trì, phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chưa đồng bộ, thống nhất... dẫn đến công tác phối hợp chưa đạt được mục tiêu, hiệu quả như mong muốn, phần lớn mới dừng lại ở giải quyết những vấn đề trước mắt, chưa có tính chiến lược, lâu dài. Vì vậy, Cảnh sát biển cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan, nhất là Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác phối hợp, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Cảnh sát biển cần chủ động phối hợp các cơ quan, lực lượng liên quan để xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ theo hướng quy định rõ nội dung, cơ chế, vai trò, trách nhiệm trong phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đảm bảo cho Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện đúng vai trò là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, trong đó có nhiệm vụ phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
Ba là, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân.
Qua đó, để nhân dân, ngư dân nắm được quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không tham gia, tiếp tay, bao che cho tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên biển; không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, làm cho tình hình an ninh, trật tự trên biển phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam đối với khu vực và thế giới; chủ động phát hiện các hành vi vi phạm vùng biển Việt Nam của tàu thuyền nước ngoài, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở trên biển, kịp thời thông báo ngay cho Lực lượng Cảnh sát biển hoặc chính quyền địa phương, lực lượng chức năng khác để có biện pháp, phương án xử lý theo đúng chủ trương, đối sách và pháp luật. Với hàng triệu ngư dân, thuyền viên ngày đêm hoạt động trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, khi Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân và thuyền viên trên các tàu vận tải biển, thì đây thực sự là một lực lượng to lớn, nhân tố chính trong đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong nắm, trao đổi tình hình, tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
Thời gian qua, thông tin trao đổi trong quá trình phối hợp lực lượng thường có giá trị thấp, chủ yếu chỉ sử dụng trong nghiên cứu, tham khảo, không có nhiều giá trị trong xây dựng, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, mật phục, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý tội phạm trên biển. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ vẫn chưa được chú trọng, hiệu quả thấp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển thì thu thập thông tin, tài liệu về tội phạm, vi phạm thông qua các hoạt động nghiệp vụ luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cho các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển và lực lượng phối hợp chủ động về thông tin, hình hình tội phạm trên biển, qua đó tham mưu, đề xuất, cũng như lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để phòng ngừa, kịp thời đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Chính vì vậy, Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường phối hợp trong các hoạt động nghiệp vụ, nhất là đối với công tác điều tra cơ bản các tuyến, địa bàn, vùng biển trọng điểm về tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Trước mắt, Lực lượng Cảnh sát biển cần phối hợp chặt chẽ với Công an, Bộ đội Biên phòng triển khai các hoạt động nghiệp vụ, tổ chức thu thập tin tức, tài liệu về các đối tượng, đường dây môi giới đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản. Ngoài ra, các lực lượng cần phối hợp chặt chẽ để quản lý số đối tượng đã có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, nếu phát hiện tái phạm, phải kịp thời ngăn chặn, điều tra, đề nghị xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu về tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 348 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Qua đó, từng bước làm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn cơ bản tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh của Việt Nam đối với khu vực, quốc tế và để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Năm là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp với các lực lượng.
Trước tính chất phức tạp, nhạy cảm, khó lường về an ninh, chủ quyền trên biển và tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển luôn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, cũng như các tồn tại, hạn chế trong phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thời gian qua, đòi hỏi Cảnh sát biển phải đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Theo đó, Lực lượng Cảnh sát biển cần chủ động đổi mới toàn diện công tác phối hợp hoạt động với các lực lượng, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ, cần tập trung vào nội dung trao đổi thông tin, triển khai tốt các hoạt động nghiệp vụ; phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến, vùng biển trọng điểm; trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân và thuyền viên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn. Để tăng cường sự gắn kết, thống nhất cao trong phối hợp, hiệp đồng, Lực lượng Cảnh sát biển cần chủ động mở rộng các mối quan hệ, bổ sung các hình thức, biện pháp phối hợp mới, như: tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm; luyện tập, xử lý các tình huống tội phạm phức tạp; diễn tập chống cướp biển; thiết lập đường dây nóng, duy trì nền nếp giao ban, thông báo tình hình; sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm trong phối hợp đấu tranh các vụ án lớn về ma túy, buôn lậu. Đặc biệt, các đơn vị Cảnh sát biển cần tiếp tục phối hợp, triển khai thiết thực, hiệu quả hơn nữa mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” nhằm tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Lực lượng Cảnh sát biển với nhân dân, góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững chắc, rộng khắp, làm nền tảng cho Cảnh sát biển và các lực lượng nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm trên biển.
Phát huy kết quả đã đạt được và quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới, là thành viên chủ động, tích cực trong các tổ chức ở khu vực và quốc tế mà Cảnh sát biển Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Chú trọng quan hệ, hợp tác tốt với lực lượng chấp pháp trên biển của các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống, hữu nghị với Việt Nam, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ...; duy trì nghiêm túc, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển; tổ chức tuần tra chung với lực lượng chấp pháp các nước có vùng biển giáp ranh với Việt Nam; tổ chức đưa tàu Cảnh sát biển thăm các nước và đón tàu của lực lượng chấp pháp các nước đến thăm, huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm với Cảnh sát biển Việt Nam,... qua đó, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật nói chung, phòng chống tội phạm trên biển nói riêng cho Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác trên biển./.
Thiếu tướng, TS Luật học BÙI TRUNG DŨNG
Phó Tư lệnh Cảnh sát biển