Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biển đảo trong tình hình mới

02/08/2017 03:10:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Tư duy bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay đã có bước phát triển mới. Bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ được tiến hành bằng sức mạnh quân sự mà phải bằng sức mạnh tổng hợp trên tất cả các mặt trận: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, với sự đồng thuận, đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ quốc tế. Tuyên truyền về biển đảo trở thành một trong những phương thức quan trọng để tạo nên sức mạnh tổng hợp từ sự đồng thuận, đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ quốc tế.

Tàu CSB 8004 thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trường Sa. (Ảnh: Đức Hạnh)

Phải thừa nhận rằng, trong xu thế chủ đạo của thế giới là hòa bình, ổn định và phát triển thì tình hình Biển Đông những năm gần đây trở nên rất “sôi động” và “nóng bỏng”. Biển Đông đã và đang thể hiện đầy đủ, rõ nét 3 tính chất như là 3 thuộc tính của nó: phức tạp, nhạy cảm, khó lường. Tình hình Biển Đông tác động đến nhiều nước, nhiều bên và liên quan đến chiến lược mới của các cường quốc trên thế giới, đồng thời tác động sâu sắc đến chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của các nước trong khu vực.
Nhìn lại mấy năm trở về đây, tình hình Biển Đông, trong đó có vùng biển đảo của Việt Nam, tuy rằng vẫn mang tính chất phức tạp, nhạy cảm, khó lường nhưng đã giữ được “không khí” tương đối hòa bình, ổn định để chúng ta tiếp tục triển khai thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển của Nhà nước. Chính “không khí” hòa bình, ổn định đó đã cho thấy sự đúng đắn trong lựa chọn đường lối, đối sách; sự thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta; cho thấy sức mạnh tổng hợp của cả nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, để có được “không khí” hòa bình, ổn định ấy, không thể không kể đến vai trò to lớn và những đóng góp vô cùng hiệu quả của công tác tuyên truyền đang được các cấp, các ngành tiến hành một cách toàn diện và rộng khắp.
Thật dễ nhận thấy, dù tác động của “Giàn khoan HD-981”, “sự cố môi trường Formosa”, thiên tai lũ lụt kéo dài ở miền Trung hay tác động từ sự lợi dụng tình hình để chống phá của các thế lực thù địch, song nhận thức của toàn xã hội về tình hình Biển Đông vẫn không ngừng được nâng lên; tinh thần yêu nước thông qua việc “vươn khơi - bám biển”, tạo thế trận quốc phòng - an ninh trên biển tiếp tục được phát huy và củng cố; sự đồng thuận xã hội được nhân rộng; toàn dân luôn đồng hành với chính quyền để vượt qua khó khăn, thái độ nhìn nhận về vấn đề “Biển Đông” ổn định, ôn hòa và tích cực hơn… Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành, các lực lượng, các tổ chức xã hội triển khai toàn diện, rộng khắp và hiệu quả. Nội dung tuyên truyền xuất hiện nhiều nét mới, chân thật, khách quan, khoa học. Tính chất tuyên truyền đã kết hợp tốt giữa đấu tranh và xây dựng. Hình thức tuyên truyền ngày một đa dạng và phong phú hơn, phù hợp với từng loại đối tượng tác động: đối với ngư dân thì tuyên truyền thế nào? Đối với học sinh, sinh viên tuyên truyền ra sao? Rồi các vùng miền, ven biển, đồng bằng, miền núi… đều có những cách tuyên truyền phù hợp. Trong công tác tuyên truyền đã có tính thống nhất cao, tính tập trung rõ nét hơn; sự phối hợp, liên kết được phát huy tốt hơn; tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền ngoại giao được đẩy mạnh…
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biển đảo thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, thiếu đồng bộ, chưa đồng đều ở các đơn vị truyền thông và các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Do vậy, nhận thức của người dân về vị trí kinh tế biển, đảo vẫn còn khiếm khuyết, bất cập so với yêu cầu. Công tác bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển chưa cao; đâm va trên biển do chủ quan còn xảy ra nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng; một bộ phận ngư dân của chúng ta còn vi phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia trong và ngoài khu vực; nhận thức về chủ quyền có mặt chưa đầy đủ hoặc phiến diện; triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách ưu đãi liên quan đến biển, đảo chưa hiệu quả; môi trường biển chưa được đề cao; vai trò định hướng dư luận của các cơ quan tuyên truyền và truyền thông còn bất cập; còn những vết sạn trong thông tin tuyên truyền... Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh truyên truyền về biển đảo nói chung, về đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo nói riêng.
Tình hình thế giới, khu vực đang diễn ra có nhiều mặt khó dự báo, nhất là chính sách của các nước lớn trong quan hệ quốc tế. Tình hình đó chắc chắn có tác động đến Biển Đông và Biển Đông cũng có những tác động ngược đối với Việt Nam và khu vực. Biển Đông vẫn là vấn đề còn tiếp diễn những phức tạp, khó lường, có tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Do vậy, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần phải được tiến hành một cách đồng bộ, cụ thể hơn, hiệu quả hơn, chủ động và tích cực hơn dựa trên cơ sở pháp lý và luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo.
Thứ nhất: Để nhận thức về tình hình Biển Đông luôn đảm bảo đúng định hướng, toàn diện, kịp thời, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải chủ động, thống nhất, toàn diện hơn. Điều này xuất phát từ tình hình Biển Đông còn tiếp diễn phức tạp với khá nhiều vấn đề cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Bên cạnh yếu tố phức tạp, nhạy cảm, những tác động do chính sách, chiến lược của các nước lớn đối với Biển Đông đã khó lường càng thêm khó lường. Do vậy, hơn lúc nào hết việc nhận thức, đánh giá và dự báo đúng tình hình sẽ giúp cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả nhất quán hơn. Cần thường xuyên bám sát, đánh giá đúng tình hình, nhất là tình hình trên biển và tư tưởng, dư luận trong nhân dân, từ đó chủ động đề xuất, phối hợp tuyên truyền. Trong công tác tuyên truyền, hết sức tránh khi có tình hình phức tạp hay vụ việc xảy ra thì lúc đó mới tập trung tuyên truyền. Như vậy sẽ mất đi tính định hướng và thiếu chủ động. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi lực lượng cần lựa chọn một hoặc một số phương pháp tuyên truyền phù hợp với mình để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Nội dung và mục tiêu của một chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo phải kết thành các thông điệp hoặc khẩu hiệu để giúp các giai tầng xã hội dễ nhớ, dễ hiểu và hiểu đúng, hiểu rõ bản chất của vấn đề.
Thứ hai: Biển Đông không chỉ có ý nghĩa về chủ quyền mà còn là cửa ngõ trong chính sách “mở cửa” của đất nước, có vị trí quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng - an ninh cũng như kinh tế - xã hội. Nhìn rộng hơn, Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam chính là “cánh đồng sinh tồn” của dân tộc ta trong thế kỷ 21 và tương lai. Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn, phù hợp của lãnh đạo đất nước ta trong điều kiện hiện nay. Do đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ, vươn ra biển, làm giàu từ biển, từ đó tạo động lực thúc đẩy các vùng miền khác trong đất liền phát triển. Cần tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với an ninh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tạo điều kiện phát triển môi trường đầu tư và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn sinh sống trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển xa. Phải quan tâm đặc biệt, có chính sách toàn diện, rõ ràng, có bước đi thích hợp để làm sao cải tạo được những yếu tố bị động, khó lường thành yếu tố cơ bản, thực chất. Làm sao để ngư dân ta phải tự giác bám biển, yêu biển và tự bảo vệ lấy biển của mình. Chính vì lẽ đó, công tác tuyên truyền phải thiết thực hơn, cụ thể hơn và có tính thuyết phục cao hơn. Đặc biệt, thông qua truyền thông để giáo dục lòng tự hào và tình yêu đối với biển, đảo Việt Nam; giáo dục, tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm, ý thức cộng đồng về bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, an toàn biển, đảo.
Thứ ba: Thực tế hiện nay, “bộ mặt” của Biển Đông đã không còn như vốn có, đã bị xâm lấn, bồi đắp, quân sự hóa, “biến dạng” nghiêm trọng. Tuy nhiên, pháp lý về Biển Đông cũng đang ngày càng chặt chẽ và đầy đủ hơn. Có “Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông” (DOC); có phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) xung quanh vụ kiện của Philippines; rồi sắp tới sẽ có “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC) và nhiều thỏa thuận song phương hay đa phương khác. Nhưng trong quá trình đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Việt Nam vẫn cần phải xây dựng đầy đủ hơn, vững chắc hơn những yếu tố về pháp luật và pháp lý. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải đánh giá được đầy đủ những “yếu tố bất đồng”, từ đó có định hướng để “cải tạo” những “yếu tố bất đồng” này và phát huy được “yếu tố tương đồng”. Cần đánh giá toàn diện hơn chính sách, chiến lược của các nước lớn để vừa cảnh giác, vừa hợp tác nhưng cũng luôn giữ được sự chủ động, hiệu quả trong đấu tranh.
Thứ tư: Vì lợi ích khác nhau, các thế lực phản động còn tiếp tục chống phá và xuyên tạc. Công tác tuyên truyền về biển đảo bên cạnh yếu tố chủ động cần phát huy đầy đủ các loại hình tuyên truyền, phát huy đa dạng các kênh tuyên truyền khác nhau. Kết hợp chặt chẽ tuyên truyền trong nước với đối ngoại và tuyên truyền đặc biệt, kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, âm mưu lợi dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động tuyên truyền các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo.
Hiện nay, báo chí là kênh thông tin tuyên truyền kiến thức biển, đảo đến người dân, thế hệ trẻ gần gũi nhất. Nhưng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các cơ quan báo chí cũng cần có sự hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiểu biết về biển, đảo để có thể mang đến cho nhân dân những thông tin chính xác nhất, những chứng cứ lịch sử, pháp lý thuyết phục nhất. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước… Phải chủ động và tập trung được trí tuệ của các lực lượng để tham mưu tốt cho Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ cho vùng biển hòa bình, ổn định, vừa giữ được quan hệ hợp tác hữu nghị.


Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và những điều ngư dân cần biết khi hoạt động trên biển. (Ảnh: Đức Hạnh)

Thứ năm: Phải thường xuyên củng cố các ủy ban, ban chỉ đạo của các bộ, ngành, Trung ương để có tính thống nhất và tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, việc chỉ đạo tuyên truyền phải theo một chiến lược và chủ trương chung, thống nhất. Các Bộ, ngành phải luôn đánh giá được hiệu quả và mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền về biển, đảo. Bên cạnh tính toàn diện, công tác tuyên truyền phải có tính đồng bộ và phối hợp cao. Cần chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, thông qua đội ngũ này để tuyên truyền, giáo dục một cách hiệu quả đến người dân trên cả nước, nâng cao hơn nữa nhận thức về cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Có như vậy mới khắc phục được những tồn tại bất cập; hạn chế những “vết sạn” trong công tác tuyên truyền thời gian qua.
Với đặc thù là một quốc gia biển, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo luôn là vấn đề cấp thiết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là trách nhiệm chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, linh hoạt, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng và các lĩnh vực. Do đó phải bám sát, nắm chắc đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chung của công tác tuyên truyền, từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, các lực lượng, các tổ chức trong cả hệ thống chính trị; tích cực, chủ động, kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống, nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn mới./.

Trung tướng, TS. Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan