25/06/2019 07:51:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền nói riêng, phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật nói chung khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển có vị trí, vai trò rất quan trọng, không chỉ có tính quyết định đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của toàn Lực lượng.
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển kiểm tra tình trạng kỹ thuật tàu CSB 4037 Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. (Ảnh: Nam Trung)
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển; hoạt động trong vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài khi có yêu cầu nhiệm vụ. Trong những năm qua, Lực lượng Cảnh sát biển đã nhận được sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển của Đảng, Nhà nước, Quân đội theo hướng “Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Tổ chức biên chế cũng như phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 12/2018, số lượng tàu thuyền của Lực lượng đã tăng hơn 44,4% so với năm 2013, trong đó có nhiều chủng loại tàu thuyền khác nhau với lượng giãn nước, thời gian và nơi sản xuất rất đa dạng. Khí tài bảo đảm hàng hải cơ bản được trang bị hiện đại, được sản xuất từ các nước có nền công nghiệp hàng hải phát triển. Hệ thống thông tin chỉ huy đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lực lượng Cảnh sát biển cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh tình hình trên biển luôn diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường; các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép chưa có chiều hướng giảm; hiện tượng tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý còn phổ biến; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra bất thường với cường độ mạnh và không tuân theo quy luật (theo thống kê từ năm 2013-2018 đã có 60 cơn bão, 25 đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, 153 đợt không khí lạnh, 79 đợt gió mùa Tây Nam mạnh). Tất cả các yếu tố trên đã tác động không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ nói chung, công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền nói riêng của Lực lượng Cảnh sát biển.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển vững mạnh toàn diện, thời gian qua, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm an toàn tàu thuyền cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn hàng hải theo pháp luật Việt Nam và các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định về công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền của Lực lượng Cảnh sát biển cũng như quy trình kiểm tra, chế độ báo cáo trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hàng hải và an ninh hàng hải. Cơ quan chuyên môn nghiệp vụ đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy trong hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn con người, tàu thuyền, trang bị khi tàu neo đậu tại bến, khi thực hiện nhiệm vụ trên biển; Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trong phòng chống bão lốc, trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn sát với tình hình thực tế trên khu vực biển được phân công quản lý; Thực hiện tốt việc tiếp nhận, mua sắm, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí, xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn hàng hải. Điển hình như từ năm 2013 đến nay đã nạo vét được 07 lượt cảng với khối lượng nạo vét 443.218,39 m3 bùn đất đá các loại; thả 25 bộ phao mới; bảo quản, bảo dưỡng 57 bộ phao các loại; Tăng cường đầu tư các thiết bị, máy móc, phương tiện nhằm đảm bảo tốt an toàn hàng hải cho tàu thuyền trong thực hiện nhiệm vụ như: hệ thống hỗ trợ nhận dạng tự động và kiểm soát báo hiệu AIS, hải đồ điện tử, ống nhòm nhìn đêm, đèn chiếu xa công suất lớn…
Các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm nội dung chương trình huấn luyện về công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền cho các đối tượng theo quy định, nhất là cán bộ, chiến sĩ mới. Trong huấn luyện, coi trọng huấn luyện xử lý tình huống kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chuyên môn với xây dựng bản lĩnh vững vàng, khả năng linh hoạt, chủ động khi có tình huống. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, học tập pháp luật về hàng hải kết hợp chặt chẽ với công tác thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam…
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, chiến sĩ, trong 5 năm qua (2013-2018), toàn Lực lượng đã tổ chức được trên 3.155 lượt tàu, xuồng đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biển đảo; xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; bảo vệ các hoạt động kinh tế biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hợp tác quốc tế, đi được 993.424 hải lý an toàn. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị và cán bộ thuyền, sĩ quan, thủy thủ cơ bản đã tổ chức thực hiện tốt các quy định về công tác bảo đảm an toàn hàng hải.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số đơn vị còn để xảy ra vụ việc mất an toàn tàu thuyền, tai nạn hàng hải gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng. Các vụ việc chủ yếu tập trung vào đâm va, mắc cạn, gãy neo, mất neo, cá biệt có vụ cháy tàu, lật xuồng, phá nước gây hư hỏng nặng cho phương tiện, trang bị. Nguyên nhân các vụ việc mất an toàn tàu thuyền có cả chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Về nguyên nhân khách quan, do yếu tố thời tiết như ảnh hưởng của gió, dòng chảy trong khi điều khiển tàu ra vào cầu cảng làm tăng mức độ trôi dạt của tàu gây ra tai nạn; do sóng to gió lớn (giông, bão), dòng chảy mạnh tác động trực tiếp vào hệ thống neo, xích neo làm tàu rê neo, đứt mất neo, mắc cạn, đâm va; hoặc do điều khiển tàu trong luồng thủy hẹp, độ sâu luồng hạn chế làm mất lái khi điều khiển tàu xuôi dòng; do điều khiển tàu trong đêm tối, tầm nhìn hạn chế, không xác định được mục tiêu hoặc phát hiện nhầm mục tiêu đang hoạt động dẫn đến đâm va, mắc cạn…
Về nguyên nhân chủ quan, trước tiên là do nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy, đặc biệt là cấp tàu còn chủ quan, xem nhẹ, chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác bảo đảm an toàn hàng hải, việc phổ biến quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ trước khi đi biển có thời điểm chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, chưa làm tốt công tác hướng dẫn tàu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trước khi đi biển, thậm chí còn có trường hợp không tổ chức thông qua kế hoạch đi biển cho tàu.
Một nguyên nhân đáng chú ý là do trình độ năng lực chuyên môn của một số cán bộ tàu và thủy thủ chưa đáp ứng được với vị trí công tác đảm nhận. Bản thân người thuyền trưởng (người điều khiển tàu) chưa nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật của tàu cũng như của trang bị máy móc kỹ thuật trên tàu đang điều khiển; sự thiếu bình tĩnh, thiếu kinh nghiệm hoặc chủ quan trước các tình huống của người điều khiển tàu; không tính toán được ảnh hưởng của gió, dòng, dẫn đến mất an toàn tàu; không huấn luyện thành thạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu khi thực hiện nhiệm vụ. Một số cán bộ tàu còn trẻ, ít kinh nghiệm hoạt động thực tiễn nhưng chưa chịu khó nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ; việc phân công, kèm cặp bồi dưỡng của cấp trên đối với cấp dưới, người có kinh nghiệm đối với người chưa có kinh nghiệm chưa được thường xuyên; thiếu cương quyết, không kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở khắc phục các hạn chế, khuyết điểm trong chấp hành chế độ, quy định về bảo đảm an toàn hàng hải…
Từ thực trạng, nguyên nhân các vụ việc mất an toàn tàu thuyền của Lực lượng Cảnh sát biển trong thời gian qua, để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa, giảm thiểu, tiến tới không để xảy ra tai nạn, sự cố, tăng cường công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền hoạt động trên biển, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lực lượng thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, Tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va (COLREG-72); các chỉ thị, quy định của Tư lệnh Cảnh sát biển về công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an toàn tàu thuyền (Chỉ thị số 1806/CT-BTL ngày 27/5/2016 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền trong Lực lượng Cảnh sát biển; Quyết định số 4069/QĐ-BTL ngày 31/10/2016 ban hành Quy định công tác bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền của Lực lượng Cảnh sát biển; Quyết định số 6378/QĐ-BTL ngày 13/9/2018 ban hành Quy định chế độ báo cáo, công tác hồ sơ và sổ sách đăng ký ngành bảo đảm hàng hải và an ninh hàng hải; Quyết định số 4382/QĐ-BTL ngày 23/11/2016 về việc ban hành Quy trình kiểm tra chuyên ngành thuyền trưởng, phó thuyền trưởng định kỳ và kiểm tra trước khi bổ nhiệm chức danh thuyền trưởng). Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng cần thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình quản lý, khai thác, sử dụng trang bị kỹ thuật, tàu thuyền. Thường xuyên quan tâm sâu sát đến mọi công việc nhằm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trước khi rời bến, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như sau khi kết thúc đi biển. Duy trì nghiêm việc rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi biển, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, biểu dương khen thưởng cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời những vi phạm, khuyết điểm. Đặc biệt, đối với vụ việc liên quan đến mất an toàn hàng hải phải tổ chức rút kinh nghiệm đúng quy trình, làm rõ khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân, báo cáo kịp thời theo phân cấp và đầy đủ, trung thực theo quy định.
Hai là, Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định của Tư lệnh Cảnh sát biển, hướng dẫn của Bộ Tham mưu về công tác bảo đảm an toàn hàng hải như: hướng dẫn đảm bảo an toàn trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, hướng dẫn đảm bảo an toàn khi tàu hoạt động ở ngoài vùng biển Việt Nam… Thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời các vị trí neo đậu tránh bão, phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam kịp thời thông báo hàng hải phục vụ cho nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với việc tổ chức thực hiện các quy định về an toàn hàng hải. Cơ quan bảo đảm hàng hải Bộ Tư lệnh Vùng cần làm tốt công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn hàng hải của tàu thuyền trước, trong và sau khi đi biển, từ đó tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh các giải pháp cụ thể để kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện, dấu hiệu về vi phạm quy định an toàn hàng hải.
Ba là, Coi trọng công tác giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, cán bộ hải đội, thuyền trưởng, thuyền phó. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng năng lực chỉ huy lãnh đạo gắn liền với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong chỉ huy, khả năng điều động tàu thuyền của đội ngũ cán bộ thuyền. Tiếp tục chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả Quyết định số 4382/QĐ-BTL ngày 23/11/2016 của Tư lệnh Cảnh sát biển về việc ban hành Quy trình kiểm tra chuyên ngành thuyền trưởng, phó thuyền trưởng định kỳ và kiểm tra trước khi bổ nhiệm chức danh thuyền trưởng theo hướng nghiêm túc và thực chất, chú trọng kiểm tra thực tế khả năng điều động tàu thuyền. Công tác kiểm tra, sát hạch cán bộ thuyền trước khi đề bạt, bổ nhiệm thuyền trưởng phải đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy định, quy trình và chất lượng.
Bốn là, Đổi mới công tác huấn luyện theo hướng thực chất và đầy đủ các tình huống trong thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển, coi trọng huấn luyện thực tế. Tổ chức tốt và hoàn thành đầy đủ nội dung, chương trình huấn luyện chuyên ngành cho các đối tượng theo quy định. Tăng cường huấn luyện qua hội thi, hội thao, huấn luyện bổ sung, bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm cho cán bộ, nhất là cán bộ tàu thuyền để nắm chắc pháp luật về an toàn hàng hải, các bảng bố trí chiến đấu, điều lệ công tác kỹ thuật, quy tắc đảm bảo an toàn, quy tắc đi lại của tàu thuyền trong luồng thủy hẹp, tầm nhìn hạn chế. Tổ chức tốt các lớp học luồng trong điều kiện đêm tối, thời tiết phức tạp; kết hợp khảo sát luồng ở những khu vực phức tạp (độ sâu hạn chế, thay đổi theo mùa) khi đi hoạt động trên biển và khi kết thúc hoạt động, về cảng. Coi trọng huấn luyện bổ sung cho tàu trước khi đi biển, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ được giao và khu vực biển tàu hoạt động.
Năm là, Tuân thủ và thực hiện nghiêm Điều lệnh tàu Cảnh sát biển, các quy trình, quy định về khai thác, sử dụng trang thiết bị trên tàu, xuồng. Chấp hành và thực hiện tốt chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan cấp trên; làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan với đơn vị để từng bước nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền của Lực lượng. Chấp hành nghiêm các quy định sử dụng hải đồ đúng tỷ lệ đối với từng khu vực biển và trong luồng lạch. Nghiêm cấm tuyệt đối sử dụng định vị vệ tinh để xác định vị trí tàu khi đi trong luồng thủy hẹp. Khi điều kiện cho phép phải sử dụng các mục tiêu địa văn để kiểm tra độ chính xác vị trí tàu của các thiết bị hàng hải. Tổ chức tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí, các trang thiết bị hàng hải, cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất về nạo vét các khu vực neo đậu, luồng lạch, chất lượng phao buộc tàu, phao tránh bão do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển quản lý.
Sáu là, Cấp ủy, chỉ huy, đặc biệt là chính ủy, chính trị viên các cấp cần chấp hành và thực hiện nghiêm quy trình, nền nếp hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong nhiệm vụ đi biển. Làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm các vụ việc mất an toàn tàu thuyền. Ngoài thực hiện tốt công tác giáo dục tuyên truyền trong Lực lượng, cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Lực lượng tổ chức tốt công tác tuyên truyền các chính sách, văn bản pháp luật, thông tư, quyết định của Chính phủ, quân đội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về công tác bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu, xuồng.
Bảy là, Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với lực lượng chức năng các nước theo đúng quy chế đối ngoại của Chính phủ và Bộ Quốc phòng nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về huấn luyện, quản lý và xử lý các tình huống khi xảy ra mất an toàn tàu thuyền.
An toàn hàng hải là yêu cầu thường xuyên, đặc biệt quan trọng của mọi lực lượng khi hoạt động trên biển. Công tác bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp toàn Lực lượng Cảnh sát biển. Bảo đảm an toàn tàu thuyền góp phần quyết định trực tiếp đến chất lượng xây dựng và hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị. Do đó, đòi hỏi các cấp ủy, chỉ huy và toàn thể cán bộ, chiến sĩ phải có nhận thức đầy đủ và sâu sắc, luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, trước hết là vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền./.
Thiếu tướng PHẠM KIM HẬU
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển