Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ SSCĐ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển

11/05/2017 08:48:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Nhiệm vụ SSCĐ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Lực lượng Cảnh sát biển. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đóng vai trò quyết định đến kết quả hoàn thành những nhiệm vụ này. Trước yêu cầu mới, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng cần phải được đổi mới tư duy, bài bản hơn, quyết liệt hơn, theo hướng thiết thực, cụ thể hơn và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Những năm qua, trước diễn biến mới của tình hình Biển Đông, đặc biệt là sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết ngày 12/7/2016, cùng với sự cố ô nhiễm môi trường biển 04 tỉnh miền Trung, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước trong khu vực; tình hình cướp biển, cướp có vũ trang, buôn lậu, gian lận thương mại trên hướng biển, thời tiết cực đoan… đã ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, an toàn khu vực biển và tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng CSB (LL CSB). Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của QUTW, BQP và sự phối hợp của các lực lượng liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, Đảng ủy, BTL CSB đã có nhiều chủ trương, giải phcáp phù hợp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, toàn diện, hiệu quả các mặt công tác, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ theo nghị quyết, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), nhiệm vụ BM, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển. Qua đó, góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển của đất nước. Cụ thể:

Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, LL CSB đã quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của BQP về công tác SSCĐ; duy trì nghiêm hệ thống trực SSCĐ 24/24 tại Sở Chỉ huy các cấp và các tàu trực tại các điểm đảo, sẵn sàng xử lý khi có tình huống. Đã tổ chức 317 lần/chiếc tàu, xuồng thực hiện các nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển. Phát hiện, tuyên truyền, yêu cầu 1.365 lần/chiếc tàu cá “NN” vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam (tăng 221 lần/chiếc so với năm 2015), trong đó tạm giữ, lập biên bản vi phạm, cảnh cáo, phóng thích ngay trên biển 87 lần/chiếc (tăng 84 lần/chiếc). Phát hiện, theo dõi 12 tàu “NN” (tàu nghiên cứu thăm dò, tàu vận tải, tàu kéo...) vi phạm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và đã kịp thời tuyên truyền, yêu cầu các tàu này ra khỏi vùng biển Việt Nam. Quá trình thực hiện, luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đối sách của trên.

Trong giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm, LL CSB đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.064 vụ/1.417 đối tượng (tăng 79 vụ/150 đối tượng so với năm 2015). Đã khởi tố 90 vụ (tăng 31 vụ); xử lý vi phạm hành chính 863 vụ/1.030 đối tượng (tăng 86 vụ); bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý 108 vụ/370 đối tượng. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính và giá trị tang vật thu được ước tính gần 60 tỷ đồng.

Trong tìm kiếm cứu nạn, xây dựng thế trận trên biển, đã chỉ đạo, tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả (đã cứu hộ, cứu nạn 44 vụ/23 tàu cùng 278 ngư dân; 02 xà lan, 01 boong - tông, vớt được 03 thi thể). Phối hợp các lực lượng liên quan tiếp nhận 228 ngư dân Việt Nam do Indonesia trao trả. Sử dụng 11 tàu, phối hợp các lực lượng tham gia tìm kiếm máy bay Su 30MK2 và máy bay CASA 212 bị nạn trên vùng biển vịnh Bắc bộ. Đã xây dựng 115 phóng sự, chuyên mục, tin bài ảnh về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng, chống tội phạm vi phạm để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền để ngư dân chấp hành pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt, tránh bị bắt giữ, xử phạt.

Trong công tác đối ngoại, CSB Việt Nam thực hiện nghiêm các thỏa thuận song phương đã ký với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước Campuchia, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Trao đổi, thống nhất và ký văn bản hợp tác với CSB Trung Quốc. Phối hợp CSB Trung Quốc tổ chức 02 đợt kiểm tra liên hợp nghề cá vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ Việt Nam - Trung Quốc.Tham gia tích cực các hoạt động của Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCCAP); Hội nghị Những nhà đứng đầu các lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á (HACGAM)...

Thời gian tới, tình hình an ninh, chính trị trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là kinh tế - xã hội, thiên tai diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ nội bộ. Trên hướng biển, dự báo vẫn tiềm ẩn những yếu tố mới, phức tạp, khó lường và hết sức nhạy cảm… Tình hình đó không chỉ đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới rất nặng nề đối với toàn Lực lượng mà còn tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Để toàn Lực lượng thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, nhiệm vụ BM, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật hiệu quả, Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quán triệt, giáo dục tư tưởng cho bộ đội nhiệm vụ SSCĐ, phương án BM, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xác định rõ đối tượng, đối tác; luôn cảnh giác SSCĐ cao, xử lý có hiệu quả các tình huống. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng trinh sát, thu thập thông tin, nắm tình hình, phân tích, đánh giá 3chất lượng công tác tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, nhiệm vụ BM, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển. Từ đó, kịp thời xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến sát với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ các lực lượng liên quan nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình trên biển và kịp thời tham mưu cho QUTW, BQP, Thủ trưởng BTL CSB chủ trương, đối sách, biện pháp phù hợp để xử lý các tình huống, không để bị động bất ngờ hoặc để NN tạo cớ gây xung đột quân sự.

Duy trì nghiêm hệ thống trực SSCĐ ở các cấp theo Chỉ lệnh số 82/CL-BQP ngày 14/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chỉ lệnh số 2255/CL-CSB-TM ngày 06/11/2009 của Tư lệnh CSB về công tác SSCĐ của LL CSB; Chỉ lệnh số 27, số 28/CL-BTTM ngày 03/12/2012 của Bộ Tổng Tham mưu về xử trí các tình huống tác chiến phòng không, tác chiến bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam; các chỉ thị, hướng dẫn của BTL CSB về công tác SSCĐ và xử trí các tình huống trên biển. Lực lượng, phương tiện trực phải luôn đảm bảo sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có lệnh. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng và khả năng tác chiến. Lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhiệm vụ “Chủ trì phối hợp các lực lượng, các quân khu, địa phương ven biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp dân sự, chống NN hạ đặt giàn khoan, thăm dò trái phép vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền”.

Tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống văn bản pháp luật CSB, thực hiện có hiệu quả thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính, khởi tố vụ án hình sự. Lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các vùng biển trọng điểm, khu vực nhạy cảm... có kế hoạch trinh sát, phương án cơ động, đấu tranh có hiệu quả, đảm bảo kịp thời có mặt tại khu vực biển, địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy chú trọng và làm tốt công tác điều tra cơ bản, quản lý, nắm chắc địa bàn, xây dựng cơ sở bí mật... đấu tranh hiệu quả với các loại đối tượng vi phạm, tội phạm.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quan hệ quốc tế, tăng cường trao đổi, mở rộng quan hệ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực và các nước trong Dự án Hợp tác hỗ trợ nâng cao năng lực cho CSB Việt Nam; Coi trọng chỉ đạo việc xây dựng hình ảnh, xây dựng lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế nhằm góp phần nâng cao vị thế của Lực lượng, của quân đội và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD, trọng tâm là xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp, tác phong công tác; nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, coi trọng huấn luyện thiết thực, cơ bản, vững chắc, đồng bộ và chuyên sâu, nâng cao trình độ làm chủ VKTB mới, huấn luyện nghiệp vụ pháp luật, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ tàu; huấn luyện thành thạo các phương án BM và chống NN thăm dò khảo sát, hạ đặt giàn khoan, cướp biển, cướp có vũ trang, buôn lậu, gian lận thương mại, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hành luyện tập các phương án tác chiến, các tình huống sát với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cảnh sát biển Việt Nam phải thực thi nhiều nhiệm vụ, trên nhiều vùng biển. Mỗi nhiệm vụ có tính chất, đặc điểm riêng và ngay trong một nhiệm vụ khi thực hiện ở những vùng biển khác nhau cũng có sự khác nhau. Hơn nữa, do phải thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng có sự đối lập về lợi ích nên tính chất các nhiệm vụ của CSB không chỉ phức tạp, nhạy cảm mà còn nguy hiểm. Những vấn đề có tính đặc thù đó đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, nhiệm vụ BM, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển phải vừa bám sát thực tiễn để đảm bảo tính linh hoạt đồng thời phải đổi mới tư duy, sáng tạo hơn, bài bản hơn, quyết liệt hơn. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, cần chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; cụ thể hóa vào xây dựng quy chế làm việc và quy chế lãnh đạo các mặt công tác chủ yếu. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cần đảm bảo sự thống nhất cao, phân công phân nhiệm rõ ràng, cụ thể; phát huy tốt trách nhiệm cá nhân đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Những kết quả đạt được trong công tác SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ BM, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển của LL CSB thời gian qua là biểu hiện sinh động và đầy sức thuyết phục của tinh thần “đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm được giao. Phát huy tinh thần đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung trí tuệ, tâm huyết và sức lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng đơn vị, xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó. Đây cũng chính là điều kiện then chốt để thực hiện thắng lợi Nghị quyết về xây dựng LL CSB “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao” cũng như Đề án Xây dựng CSB Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo./.

Đại tá Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan