12/10/2016 04:58:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Thời gian qua, trên hướng biển, các nước vẫn tiếp tục tăng cường sử dụng tàu chấp pháp, tuần tra hoạt động ở vùng biển còn có nhận thức khác nhau về chủ quyền, tuyên bố, yêu sách ở Biển Đông. Các hành động này của nước ngoài đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và làm cho tình hình an ninh, chủ quyền ở Biển Đông vốn đã phức tạp, nay lại càng phức tạp, nhạy cảm, khó lường hơn.
Đặc biệt, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) đã ra phán quyết vụ kiện của Philippin đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Phán quyết của Tòa đã làm thay đổi căn bản nhận thức pháp lý về các tuyên bố, yêu sách chủ quyền về biển, đảo, quần đảo ở Biển Đông của các quốc gia có liên quan. Nếu các quốc gia có liên quan, nhất là các nước lớn không có hành động kiềm chế, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp đối thoại, hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, có thể sẽ dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực có liên quan.
Lực lượng chức năng Cụm Trinh sát số 1/BTL Cảnh sát biển kiểm tra, lập biên bản tàu vi phạm.
Bên cạnh đó, hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, nhất là tội phạm, vi phạm về ma túy, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển (xăng, dầu D.O, than, thuốc lá điếu...) vẫn diễn ra ở nhiều vùng biển. Trọng điểm là vùng biển Đông Bắc, Đông Nam Bộ và Tây Nam; thời gian vào dịp trước, trong và sau các kỳ Tết Nguyên đán. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên biển ngày càng liều lĩnh, manh động hơn. Thời gian gần đây, xuất hiện một số thủ đoạn mới, như: đối tượng sử dụng tàu cá cải hoán thành tàu chứa xăng dầu lậu; mang biển số giả của nước ngoài để mua bán trái phép hàng hóa trên biển; thuê lao động Việt Nam làm việc trái phép ở trên các tàu buôn bán dầu lậu của nước ngoài; đối tượng buôn lậu hàng hóa còn tàng trữ vũ khí quân dụng trên tàu, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển, đảo của Việt Nam; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật, hòa bình, trong những năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (BTL CSB) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật trực thuộc BTL CSB từng bước phát triển theo hướng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật đã quán triệt, chủ động triển khai toàn diện, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trong đó, nổi bật là: công tác nắm, tổng hợp, đánh giá, dự báo và tham mưu, đề xuất xử lý tình hình trên biển ngày một tốt hơn, theo đúng chủ trương, đối sách; công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy; buôn lậu, gian lận thương mại; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển đạt hiệu quả cao. Chất lượng huấn luyện các nội dung, nhất là huấn luyện về pháp luật, nghiệp vụ được chú trọng; việc xây dựng nền nếp chính quy được giữ vững và tăng cường; công tác triển khai các dự án, xây dựng công trình, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền được đẩy nhanh; công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nội bộ đoàn kết thống nhất. Tuy nhiên còn để xảy ra một số vụ việc vi phạm; có cán bộ, đảng viên phải thi hành kỷ luật...
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng thế giới luôn phải đối mặt với những thách thức mới về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Khu vực châu Á - Thái Bình dương và cộng đồng ASEAN tiếp tục phát triển năng động, hội nhập sâu hơn. Tranh chấp chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc tại Biển Đông tiếp tục có các diễn biến phức tạp, khó lường. Tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trọng điểm là vùng biển Đông Bắc, Tây Nam và các tuyến hàng hải lớn từ nước ngoài về Việt Nam.
Nhằm quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 120-NQ/ĐU ngày 12/9/2016 của Đảng ủy CSB Việt Nam về lãnh đạo xây dựng CSB Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong thời gian tới, cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật CSB cần tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp thực hiện có kết quả nhiệm vụ nắm, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình trên biển; điều động, sử dụng lực lượng, phương tiện hợp lý, hiệu quả, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc và địa bàn có liên quan; thực hiện công tác pháp chế CSB. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật trực thuộc BTL CSB cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần tự giác, ý chí quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ.
Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lập trường, quan điểm và bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giáo dục truyền thống, đạo đức, nhân cách với phổ biến, giáo dục tình hình nhiệm vụ, định hướng tư tưởng, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Làm cho mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ luôn nhận thức đúng đắn, có ý thức tự giác, tự lực, tự cường, chủ động vượt qua mọi khó khăn trong học tập, công tác và chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước; nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiệp vụ, pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung của CSB; chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cao, không sợ hy sinh, gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp “xây và chống”, lấy giáo dục, thuyết phục, động viên là cơ bản, kết hợp với các biện pháp về tổ chức; chống tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ bị lợi dụng, móc nối, mua chuộc, tham gia tiếp tay cho tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; quán triệt và thực hiện tốt 4 chống: “Chống làm ngơ, chống bao che, chống tiếp tay, không can thiệp và chống can thiệp”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, vi phạm; đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tuyên tuyền; vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm; tố giác tội phạm với Lực lượng CSB. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện truyền thông của cơ quan, đơn vị với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền; làm tốt công tác thi đua khen thưởng; kịp thời tuyên truyền về gương “người tốt - việc tốt” và kết quả thực hiện nhiệm vụ để cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn lực lượng.
Hai là, nâng cao chất lượng huấn luyện, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện theo phương châm “Thiết thực, cơ bản, vững chắc”; huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tăng cường huấn luyện thực hành, nâng cao chất lượng các hội thi, hội thao, kiểm tra, phúc tra…; kết hợp chặt chẽ với rèn luyện nâng cao thể lực, sức dẻo dai, ý chí tự lực, tự cường; chủ động nghiên cứu, làm chủ VKTB mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Làm tốt việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra tồn tại, thiếu sót để kịp thời khắc phục. Chú trọng thực hiện tốt việc biên soạn mới và thống nhất hệ thống tài liệu huấn luyện phù hợp thực tiễn, theo chức năng, nhiệm vụ và sự phát triển của lực lượng; lấy kết quả huấn luyện là một tiêu chí cơ bản trong đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và trong xem xét, đánh giá đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, bình xét khen thưởng tập thể, cá nhân. Qua đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hành công tác huấn luyện các nội dung nghiệp vụ pháp luật.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành biểu tổ chức biên chế (TCBC) các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ pháp luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chủ động quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc xây dựng nền nếp chính quy tại mỗi cơ quan, đơn vị nghiệp vụ pháp luật.
Cùng với sự phát biển của Lực lượng CSB, trong những năm qua, biểu TCBC của các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật CSB đã có nhiều thay đổi. Xong vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy, để các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật CSB phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ Quốc phòng ban hành biểu TCBC mới theo hướng nâng cấp các cơ quan, đơn vị hiện có và điều chỉnh, tăng thêm quân số cho các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật, giảm quân số ở các cơ quan, đơn vị phục vụ, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật CSB có TCBC hợp lý, tinh gọn, có tính cơ động cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cấp ủy và người chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải luôn quan tâm, quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả cao các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về xây dựng nền nếp chính quy, nhất là Chỉ thị số 917/1999/CT-BQP ngày 22/6/1999 của Bộ trưởng BQP; Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 09/02/2012 của Bộ trưởng BQP; Nghị quyết chuyên đề số 685-NQ/ĐU ngày 14/7/2015 của Đảng ủy CSB về lãnh đạo công tác bảo đảm an toàn trong thực hiện nhiệm vụ; Chỉ thị số 113/CT-BTL ngày 13/01/2016 của Tư lệnh CSB về việc cấm uống rượu, bia, … qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét về xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng mất an toàn, thiếu trách nhiệm cộng vụ, để cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm kỷ luật phải xử lý.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới lề lối, phương pháp, tác phong công tác; tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt 02 khâu đột phá:“Lấy công tác điều tra cơ bản là gốc, biện pháp trinh sát là mũi nhọn”; “Công tác hồ sơ nghiệp vụ pháp luật đảm bảo chính qui, chuyên nghiệp, khoa học”, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 631, 632 của Tư lệnh CSB về ban hành Quy định hệ thống kế hoạch, sổ sách, chế độ báo cáo, kiểm tra công tác nghiệp vụ pháp luật và Quy định công tác quản lý hồ sơ nghiệp vụ pháp luật của LL CSB.
Năm là, làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng có liên quan, nhất là Lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, … trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ nắm, trao đổi tình hình; đưa ra các dự báo; đề ra chủ trương, đối sách, biện pháp, phương án, kế hoạch phối hợp, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Qua công tác phối hợp, chủ động phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn trên các vùng biển, đảo của Việt Nam.