21/05/2018 03:49:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một lực lượng chuyên trách về thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển đảo Việt Nam, những năm qua, Lực lượng Cảnh sát biển đã có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh hàng hải trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt trong đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển.
Từ năm 2006, Việt Nam đã ký kết và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á. BTL Cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan thường trực, đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia thực hiện Hiệp định. Đồng thời là cơ quan đầu mối trong việc hợp tác với Trung tâm Chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Hiệp định, có nhiệm vụ thu thập, phân tích và đánh giá thông tin do các bên ký kết chuyển tới kể cả các thông tin khác (nếu có) liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền; quản lý và duy trì việc lưu chuyển nhanh chóng các thông tin liên quan đến các vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền giữa các bên ký kết; cung cấp các cảnh báo cho hoạt động vận tải biển, tàu đánh cá Việt Nam và các bên ký kết nếu có cơ sở pháp lý về các khu vực có nguy cơ xảy ra cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
Đại tá Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển theo dõi sĩ quan cấp 1 xử lý tình huống trên bản đồ trong diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang ở BTL Vùng Cảnh sát biển 3.
Thực tiễn cho thấy, tình hình an ninh hàng hải khu vực Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh trên biển. Theo thống kê của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, những năm qua đã có một số tàu vận tải biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công; gia tăng số vụ xô xát trên vùng biển vịnh Thái Lan giữa ngư dân Việt Nam với tàu Thái Lan và Campuchia. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển kinh tế biển là một mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP-AN ở nước ta. Kinh tế biển bao gồm nhiều ngành: hàng hải (vận tải biển); đánh bắt và nuôi trồng hải sản; khai thác dầu khí; du lịch biển; dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; phát triển kinh tế đảo… Theo dự báo, trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, sẽ gia tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới. Vùng biển Việt Nam sẽ trở thành cầu nối quan trọng để phát triển kinh tế trong nước và giao thông thương mại quốc tế. Mối lo ngại về cướp biển, cướp có vũ trang trên vùng biển Việt Nam hoặc do người Việt Nam chủ mưu luôn tiềm ẩn, khó đoán định. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ của mình, việc tổ chức luyện tập, diễn tập phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang là một trong các vấn đề cần thiết và cấp bách hàng đầu trong công tác Cảnh sát biển.
Đấu tranh chống cướp có vũ trang, buôn bán vận chuyển hàng hóa trái phép và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên của Lực lượng Cảnh sát biển. BTL đã đưa vào chương trình huấn luyện hằng năm nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, rèn luyện kỹ năng cho bộ đội, thành thạo trong thực hiện nhiệm vụ, xử lý phù hợp với pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn đang diễn ra. Hằng năm, luân phiên tổ chức diễn tập tại các Vùng Cảnh sát biển, đây là cuộc diễn tập chuyên ngành, đặc thù của Lực lượng Cảnh sát biển. Theo dõi các cuộc diễn tập các năm vừa qua nổi lên một số đặc điểm như sau :
Công tác chuẩn bị: Đảng ủy, chỉ huy các cấp đã nhận thức sâu sắc, tổ chức quán triệt nhiệm vụ và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển theo Chỉ thị của Tư lệnh Cảnh sát biển cũng như ý định của BTL Cảnh sát biển đã được thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu phê chuẩn. Chất lượng hệ thống văn kiện chỉ đạo cơ bản đúng với điều lệ công tác tham mưu tác chiến. Tổ chức huấn luyện những kiến thức cơ bản về chống cướp biển, cướp có vũ trang và tìm kiếm cứu nạn trên biển đồng thời huấn luyện bổ sung cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tham gia diễn tập. Tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá trong quá trình luyện tập.
Đội hình tàu tham gia diễn tập thực binh trên biển.
Diễn tập chỉ huy - tham mưu trên bản đồ: Nắm được thứ tự nội dung, phương pháp tham mưu tác chiến trong giai đoạn chống cướp biển, cướp có vũ trang và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tổ chức vận dụng vào diễn tập cơ bản đúng với yêu cầu công tác tham mưu tác chiến và gắn với chức năng nhiệm vụ Cảnh sát biển. Tổ chức chỉ huy điều hành diễn tập cơ bản thống nhất kể từ khi nhận nhiệm vụ đến việc triển khai thực hiện và kết thúc diễn tập. Bảo đảm thực hành đầy đủ nội dung diễn tập theo kế hoạch đề ra, kết thúc diễn tập bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, trang bị và các phương tiện. Hoạt động của Đảng ủy và điều hành của Bí thư Đảng ủy đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, hướng dẫn CTĐ, CTCT trong diễn tập của Tổng cục Chính trị, gắn với thực tế đơn vị Cảnh sát biển. Cơ quan, đơn vị trong khung tập C1, C2 đã nắm được các bước trong các giai đoạn diễn tập, có tham mưu đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ cho thủ trưởng BTL Vùng. Kế hoạch hiệp đồng chống cướp biển, cướp có vũ trang đã thể hiện được sự kết hợp giữa điều lệ công tác tham mưu tác chiến với thực tế đơn vị và chức năng nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển, nhất là đã tổ chức phối hợp chặt chẽ mọi hoạt động của các lực lượng theo nhiệm vụ - địa điểm - thời gian - phương pháp thực hiện nhiệm vụ để đạt được mục đích là bắt giữ cướp biển, tàu buôn lậu, gian lận thương mại.
Xử lý tình huống trên bản đồ: Đã xây dựng kế hoạch xử lý từng tình huống kịp thời đầy đủ theo đúng quy định. Tổ chức chỉ huy xử trí các tình huống kiên quyết, nội dung phù hợp, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật trong tác chiến.
Thực binh trên biển: Công tác chỉ huy và điều hành lực lượng tàu Cảnh sát biển phối hợp tiếp cận, truy đuổi, vây bắt, khống chế tàu cướp, tàu buôn bán vận chuyển hàng hóa trái phép và TKCN trên biển, bảo đảm chặt chẽ, tổ chức xử lý được các tình huống. Chỉ huy và điều hành lực lượng cơ bản theo kịch bản như: chỉ thị mục tiêu, cảnh giới, kịp thời vây bắt, bắn uy hiếp, khống chế, trấn áp bọn cướp có vũ trang trên biển. Tổ chức được công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đã kịp thời động viên khi các biên đội thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Tuy nhiên, trong quá trình diễn tập còn một số hạn chế như:
Một số cơ quan, đơn vị nắm chưa sâu ý định của người chỉ huy, chưa đầu tư thời gian và tập trung chỉ đạo cũng như phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các lực lượng, có bộ phận điều chỉnh kế hoạch chưa tỉ mỉ, chưa sát với thực tế.
Chất lượng của một số văn kiện diễn tập chưa tốt, chưa thể hiện đầy đủ theo quy định của công tác tham mưu tác chiến (thiếu kế hoạch quy định, kế hoạch chưa bảo đảm yếu tố, chưa rõ giữa bản đồ công tác và kế hoạch tác chiến), cơ quan báo cáo đề đạt chưa có bản đồ công tác của cơ quan mình nên khi báo cáo còn lúng túng, không kết hợp được giữa nói và chỉ trên bản đồ, chưa thoát ly được tài liệu.
Trong diễn tập chỉ tập trung vào giai đoạn bắt giữ, chưa đề cập nhiều đến giai đoạn xử lý vi phạm; do đó vai trò của cơ quan pháp luật chưa nổi bật trong quá trình diễn tập. Quá trình xử lý bắt cướp chưa phát huy được trí tuệ của tập thể, còn xuôi chiều theo kịch bản, chưa dự kiến được các tình huống có thể xảy ra.
Từ thực trạng trên, để công tác huấn luyện, diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang đạt được hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, cần phải thực hiện tốt một số chủ trương, biện pháp sau:
Một là, chống cướp biển, cướp có vũ trang trên biển là vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong nghiên cứu xây dựng phương án chuẩn và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phép người chỉ huy và lực lượng làm nhiệm vụ chống cướp biển, cướp có vũ trang trên biển được phép hành động trong tình huống khẩn cấp. Nghiên cứu đưa ra các tình huống có thể xảy ra để trong quá trình hoạt động đấu tranh thực tiễn không bị động bất ngờ. Tập trung nghiên cứu về công tác tổ chức chỉ huy, công tác phối hợp hiệp đồng giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng chức năng trong khu vực để xử lý tình huống trên biển đạt hiệu quả cao nhất.
Hai là, đối với công tác huấn luyện chiến dịch, thời gian tới cần đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập; đây là hình thức huấn luyện cao nhất, sát thực tế nhất. Việc nâng cao ở đây phải cả số lượng và chất lượng theo hướng tất cả các Vùng Cảnh sát biển đều phải tổ chức diễn tập 1 lần/năm, với tình huống từ thấp đến cao, để khi xảy ra thực tế thì đã có phương án và đã được huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, các đơn vị cần đầu tư trí tuệ, nghiên cứu sâu hơn về cướp biển, cướp có vũ trang mà cụ thể là nghiên cứu về tổ chức lực lượng, phương tiện, VKTB, thủ đoạn của chúng trong việc đột nhập các tàu hàng trên biển. Trên cơ sở đó đề ra biện pháp, cách xử lý của các lực lượng nói chung và biện pháp của Lực lượng Cảnh sát biển trong thực hiện các nhiệm vụ trên cho phù hợp. Mặt khác, cần nghiên cứu thêm về CTĐ, CTCT trong chống cướp biển. Đây là hình thức chiến thuật đặc thù Cảnh sát biển chưa được nghiên cứu sâu, chưa có tài liệu nghiên cứu và hướng dẫn thực hiện. Từ đó, tổng kết thành lý luận cơ bản để qui định thống nhất thực hiện khi có tình huống xảy ra.
Ba là, thông qua diễn tập, tiếp tục nghiên cứu, kiểm nghiệm, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án chống cướp biển cho phù hợp với đặc thù hình thái diễn tập của Cảnh sát biển.
Bốn là, trong tình huống chống cướp có vũ trang, việc đầu tiên là xác định chính xác mục tiêu, đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu để tổ chức sử dụng lực lượng, do đó phải có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan trong nước và quốc tế. Khi quyết định sử dụng vũ khí trấn áp cần có phương án cụ thể, nhất là khi có yếu tố nước ngoài để bảo đảm an toàn, đúng pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Năm là, cần lưu ý sử dụng thêm các phương tiện khác yêu cầu tàu cướp dừng lại như: cờ tay, đèn, còi… không nên đơn thuần chỉ dùng loa. Việc tổ chức lực lượng sang tàu cướp, ngoài bố trí lực lượng đặc công nên cần bố trí thêm thành phần tuần tra kiểm soát theo Thông tư 80 để tiến hành kiểm tra, kiểm soát, khám tàu, lấy lời khai, thu thập chứng cứ.
Sáu là, đối với giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, vận dụng tình hình thực tế của Cảnh sát biển và thực tiễn tình huống xảy ra: Nghiên cứu tổ chức hội nghị Thường vụ mở rộng thông qua điều chỉnh bổ sung kế hoạch chống cướp biển của Tư lệnh Vùng và quyết nghị chủ trương biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ. Vì trong nhiệm vụ chống cướp biển thời gian diễn ra rất mau lẹ, khẩn trương, đòi hỏi người chỉ huy phải có quyết định đúng, mau lẹ, đáp ứng kịp thời với tình huống xảy ra.
Công tác huấn luyện, diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang của Lực lượng Cảnh sát biển trong thời gian qua góp phần không nhỏ trong kết quả đấu tranh, xử lý các vụ việc trên các vùng biển Việt Nam. Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ giúp Lực lượng Cảnh sát biển tổ chức huấn luyện, diễn tập đạt kết quả cao hơn, phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan chuyên trách thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an ninh hàng hải, đấu tranh có hiệu quả chống cướp biển, cướp có vũ trang đối với tàu thuyền./.
Đại tá Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển