Tiếp tục xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển phát triển toàn diện, đồng bộ, vững chắc, tiến thẳng lên hiện đại

12/05/2020 08:32:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Với mục tiêu xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, tổ chức biên chế hợp lý, tinh gọn, trang bị đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển và hợp tác quốc tế, ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển chủ trì Hội nghị Thông qua kế hoạch xây dựng đơn vị điểm VMTD “mẫu mực, tiêu biểu” năm 2020. (Ảnh: Đức Hạnh)

Những năm qua, tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều tình huống mới về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như vi phạm chủ quyền biển, đảo, các hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, mất an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường biển ngày càng có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều vi phạm có yếu tố nước ngoài, có tổ chức chặt chẽ. Trước tình hình đó, việc xây dựng và phát triển Lực lượng Cảnh sát biển (LLCSB) thành lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực thi pháp luật và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết, chính đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Xác định rõ sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực thi pháp luật, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước trong xu hướng hội nhập toàn cầu, ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2048/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng LLCSB đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng LLCSB Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, tổ chức biên chế hợp lý, tinh gọn, trang bị đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển và hợp tác quốc tế; làm cơ sở xây dựng hoàn chỉnh LLCSB trong những năm tiếp theo để Lực lượng đủ sức và đủ tầm gánh vác chức năng, nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó.

Qua 5 năm thực hiện Đề án trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen, quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trên các mặt hoạt động, công tác, thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là bất cập về cơ cấu nguồn vốn cho Đề án và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nghị định, thông tư hướng dẫn… chưa đồng bộ, thống nhất, còn sửa đổi bổ sung sau khi ban hành nên có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện Đề án. Song, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án/Bộ Quốc phòng, cùng sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, LLCSB đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nội dung, mục tiêu, yêu cầu của Đề án, kể cả các dự án mở mới và dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước đó. Qua đó, đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Đề án, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.

Mặc dù công tác xây dựng tổ chức, biên chế theo Đề án đến nay còn có nội dung chưa triển khai được, quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, công tác xây dựng tổ chức, biên chế đã được triển khai cơ bản; các cơ quan, đơn vị được thành lập, nâng cấp đã nhanh chóng kiện toàn và đi vào hoạt động đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, LLCSB đã có bước phát triển cả về bề rộng, chiều sâu; hệ thống chỉ huy, chỉ đạo nghiệp vụ thống nhất từ trên xuống dưới, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Song song với công tác tổ chức biên chế, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý để hoạt động cũng được Cảnh sát biển quan tâm. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của LLCSB trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, thực thi pháp luật trên biển, BTL Cảnh sát biển đã chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quốc hội và tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Từ năm 2015 đến nay đã xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam; 04 nghị định; 02 thông tư; hiện đang tiếp tục xây dựng 03 văn bản của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; đóng góp hàng trăm văn bản liên quan đến quản lý, bảo vệ vùng biển; tích cực chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương, định hướng trong công tác quản lý, bảo vệ vùng biển, tiêu biểu là tổng kết Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc, tăng cường hợp tác quốc tế với Cảnh sát biển Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước ASEAN…

Trong công tác đầu tư mua sắm đóng mới trang bị, toàn Lực lượng đã có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng yêu cầu tiến thẳng lên hiện đại. Hàng chục trang bị, phương tiện tàu thuyền hiện đại, công suất cao, lượng giãn nước lớn được đầu tư đóng mới và đưa vào biên chế hoạt động; hệ thống chỉ huy, chỉ đạo nghiệp vụ thống nhất từ trên xuống dưới, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đảm bảo an ninh trật tự, duy trì thực thi pháp luật và môi trường hòa bình ổn định trên các vùng biển được giao quản lý từ đó cũng được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng, doanh trại các cơ quan, đơn vị được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng ngày một khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển tổ chức, biên chế, xây dựng chính quy của Lực lượng..., góp phần củng cố và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Nhiều cơ quan, đơn vị mới thành lập được nhanh chóng kiện toàn, ổn định và đi vào hoạt động đạt hiệu quả.

Những kết quả đạt được từ việc thực hiện Đề án mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần củng cố và phát triển cả về quy mô, tổ chức, biên chế, trang bị tàu thuyền, máy bay và cơ sở hạ tầng của toàn Lực lượng. Qua đó, đã trực tiếp góp phần nâng cao khả năng SSCĐ, năng lực thực hiện nhiệm vụ của LLCSB. Nhiều năm liền Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá cao về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật là nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển, phòng chống tội phạm, vi phạm, cướp biển, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển. Quan hệ giữa LLCSB Việt Nam và Cảnh sát biển các nước trong khu vực và quốc tế ngày càng được mở rộng; LLCSB đã từng bước khẳng định được vai trò nòng cốt, trực tiếp trong thực thi pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”...

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác vẫn là chủ đạo nhưng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trên hướng biển, tình hình an ninh, chủ quyền sẽ có những diễn biến mới, khó lường hơn. Tình hình vi phạm, tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; các vi phạm, tội phạm có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng; phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi, tổ chức chặt chẽ với phương tiện, trang bị hiện đại, trực tiếp tác động đến an ninh chủ quyền, trật tự an toàn trên biển. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển ngày càng nặng nề. Ðảng, Nhà nước ta xác định chủ trương, đối sách để giải quyết các xung đột, tranh chấp trên biển là đấu tranh bằng biện pháp dân sự, pháp luật. LLCSB được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là lực lượng được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại đồng thời được giao bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ mới. Chính vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện Ðề án Xây dựng LLCSB trong những năm tiếp theo là chủ trương đúng đắn và cần thiết.

Ðể tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đặc biệt là phát huy hiệu quả của Ðề án, khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trước hết, cần tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương; chỉ lệnh, mệnh lệnh, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về nhiệm vụ quân sự quốc phòng và nhiệm vụ Cảnh sát biển. Chủ động nhạy bén nắm, dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình, nhất là phải lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, phức tạp có thể nảy sinh để kịp thời tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có đối sách xử lý phù hợp với các tình huống, diễn biến mới, không để bị động, bất ngờ; bảo đảm cho Lực lượng vừa xây dựng và phát triển theo đúng chủ trương, định hướng đã xác định, vừa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

Thứ hai, trên cơ sở rút kinh nghiệm và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng theo quy định. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của LLCSB nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức đối với nhiệm vụ xây dựng LLCSB trong tình hình mới.

Thứ ba, tích cực chủ động trong nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là về chủ trương, đường lối và cơ chế bảo đảm nguồn vốn cho các dự án thành phần để triển khai Ðề án giai đoạn tiếp theo đúng tiến độ và hiệu quả, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng LLCSB Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, vững chắc, tiến thẳng lên hiện đại, xứng tầm là lực lượng nòng cốt, chuyên trách của Nhà nước trong thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện về tổ chức biên chế của Lực lượng, nâng cấp các hải đội, hải đoàn, các đoàn trinh sát có đủ các cơ quan chức năng để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; Hoàn chỉnh biên chế quân số khối bờ toàn lực lượng, giải quyết các bất cập phát sinh sau khi triển khai tổ chức lại Lực lượng. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và các địa phương để bám nắm, tham mưu, đề xuất mở rộng các vị trí đóng quân cho các đơn vị mới thành lập, đồng thời tích cực triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại, cầu cảng, bến bãi, kho tàng, trạm xưởng đáp ứng yêu cầu phát triển về tổ chức, biên chế, trang bị trước mắt và lâu dài của Lực lượng.

Thứ năm, tiếp tục triển khai các dự án đóng mới tàu thuyền, trước mắt ưu tiên triển khai các dự án đóng mới các gam tàu tuần tra cao tốc có lượng giãn nước lớn, tính cơ động cao, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện thời tiết phức tạp để phục vụ tốt cho nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là ở những vùng biển xa bờ, nhạy cảm. Ngoài mua sắm, đóng mới tàu thuyền, LLCSB cũng cần tập trung vào mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng mang tính đặc thù của Cảnh sát biển và mua sắm máy bay tuần thám biển.

Bên cạnh đó, một nội dung rất quan trọng cần tập trung đầu tư xây dựng phát triển một cách toàn diện đó là nguồn lực con người. Do yếu tố đặc thù của Lực lượng, nên Cảnh sát biển tiếp tục đề xuất với Bộ Quốc phòng cho phép được nâng cấp Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển thành Trường Đào tạo chuyên ngành Cảnh sát biển để đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cho Lực lượng.

Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn tập trung triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và toàn diện các nội dung của Đề án cả về tổ chức biên chế, trang bị, phương tiện, hạ tầng cơ sở và con người nhằm xây dựng LLCSB Việt Nam phát triển toàn diện, đồng bộ, vững chắc, tiến thẳng lên hiện đại. Với quyết tâm cao của toàn Lực lượng, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, việc triển khai Đề án trong giai đoạn tiếp theo hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả quan trọng, tạo bước phát triển vượt bậc để Lực lượng Cảnh sát biển tiến thẳng lên hiện đại; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó./.

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan