25/10/2016 10:55:03 AM
(Canhsatbien.vn) -
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Biển có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đất liền đang ngày càng cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống bị thu hẹp, nhiều quốc gia đang hướng ra biển để tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên, bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm. Biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới; đồng thời có ý nghĩa quan trọng về kinh tế quốc phòng.
Vùng biển Tây nam Việt Nam có liên quan đến nhiều nước. Việc phân chia lãnh hải chưa đạt được sự đồng thuận của các bên, nên các nước có xu hướng chọn các thỏa thuận tạm thời, như ký kết các thỏa thuận khai thác chung để giảm bớt xung đột, các sáng kiến về khu vực hợp tác chung đã góp phần gác lại tranh chấp về phân định để thúc đẩy khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển đồng thời cũng làm giảm đi những nghi ngại của hai bên xung quanh việc phải vạch một đường biên giới ràng buộc cuối cùng mà tài nguyên có thể lại nằm bên kia biên giới. Bên cạnh những thuận lợi cho khai thác phát triển kinh tế đất nước đã xuất hiện nhiều vấn đề có tính chất nguy hiểm về an ninh mà các nước trong khu vực phải đối mặt từ những hành vi trái pháp luật; nếu một quốc gia trong khu vực không xử lý triệt để các vấn đề phức tạp đó thì sẽ ảnh hưởng chung đến an ninh, an toàn vùng Vịnh và lợi ích của chính quốc gia đó. Những thách thức an ninh và an toàn trên vùng Vịnh xuất phát từ những hoạt động như: Khai thác trái phép thủy sản của ngư dân nước này trên vùng biển của quốc gia khác; ô nhiễm môi trường biển; buôn bán người; cướp biển, cướp có vũ trang có tính chất xuyên quốc gia trở thành vấn đề báo động; tình hình buôn lậu qua đường biển ngày càng phát triển.
Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, Đảng ta thể hiện rõ quan điểm về phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Quan điểm đó được thể hiện trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị đặc biệt là “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” trong Nghị quyết TW4 (khóa X). Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc ta phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”
Vùng Cảnh sát biển 4 có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển; phòng chống khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn vùng biển, đảo Tây nam của Tổ quốc. Địa bàn đóng quân phân tán, doanh trại, cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt của bộ đội còn gặp nhiều khó khăn. Những đặc điểm trêntrên phần nào ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và xây dựng Vùng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, xây dựng Vùng thực sự vững mạnh về chính trị, nền tảng là xây dựng nhân tố con người; tập trung bồi dưỡng nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho cán bộ chiến sĩ, qua đó xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cảnh giác cao, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, có tinh thần sẵn sàng hi sinh, thực hiện đúng đối sách trên biển, giữ vững chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, TBKT, tiếp thu kiến thức KH-KT hiện đại, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các phương án, kế hoạch, quyết tâm chiến đấu, nâng cao hiệu quả và năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển và chất lượng trực SSCĐ, quản lý vững chắc vùng biển, kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.
Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, trọng tâm là chi bộ, làm cho mỗi tập thể chi bộ, mỗi con tàu phải luôn chủ động, cảnh giác tỉnh táo, mưu trí sáng tạo, kiên quyết và xử lý đúng đắn ngay từ đầu trong các tình huống diễn ra trên biển theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; gắn xây dựng tổ chức Đảng TSVM với xây dựng đơn vị VMTD, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu thực sự là hạt nhân lãnh đạo tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ.
Bốn là, quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển. Tham gia tốt các hoạt động giao lưu với Cảnh sát biển và Hải quân các nước trong khu vực, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự an toàn và phát triển kinh tế biển.
Năm là, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nam Bộ, các lực lượng (Hải quân, Biên phòng…) và ngư dân hoạt động trên biển. Tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về luật biển và chức năng nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt nam để nhân dân nắm và thực hiện tốt chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, của toàn thể nhân dân chung tay, chung sức hướng về biển, đảo Tổ quốc.
Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Vùng cảnh sát biển 4