21/05/2018 03:50:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
20 năm xây dựng và trưởng thành, với những chiến công, thành tích trong bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ ngư dân,… hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam” ngày càng trở nên sáng đẹp trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Song, trước quy luật biến thiên của vạn vật, mọi giá trị dù sáng đẹp đến mấy cũng có thể bị lu mờ, phai nhạt nếu không được gìn giữ, củng cố, đắp bồi và trao truyền qua các thế hệ.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng, có tính quyết định của yếu tố CON NGƯỜI trong xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, những năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển và cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện, trau dồi cho mọi cán bộ, chiến sĩ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, hành vi ứng xử… Coi đây là nền tảng cơ bản để xây dựng Lực lượng vững mạnh toàn diện.
Trong bài viết mang tiêu đề “Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trách nhiệm - kỷ cương - nhân chính” đăng trên Tạp chí Cảnh sát biển Việt Nam số 6 (24)/2018, đồng chí Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Quang Đạm - nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển đã khẳng định: “Lực lượng Cảnh sát biển cũng như bất kỳ tổ chức, lực lượng nào, muốn phát triển bền vững lâu dài, đầy đủ toàn diện, cần phải coi trọng xây dựng, phát triển yếu tố con người dựa trên những giá trị nền tảng cơ bản về phẩm chất đạo đức, phong cách, hành vi. Đó là cái gốc, là nền móng quan trọng bảo đảm cho Lực lượng phát triển đúng định hướng và đạt được các mục tiêu chiến lược đã xác định”.
Bài viết có nội dung toàn diện, sâu sắc, vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn cần thiết trong xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, việc xây dựng bộ 3 giá trị đạo đức cốt lõi “TRÁCH NHIỆM – KỶ CƯƠNG – NHÂN CHÍNH” được xem là một chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng Lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Đây cũng là một bước cụ thể hóa việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” đang được toàn quân tích cực hưởng ứng thực hiện. Từ đó, nhằm hoàn thiện nhân cách, đạo đức chuẩn mực của người quân nhân cách mạng nói chung, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng trong điều kiện hiện nay.
Những năm gần đây, Lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nơi đóng quân. Chất lượng tổng hợp của Lực lượng từng bước được nâng lên. Nội bộ đoàn kết, thống nhất cao. Tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP ổn định, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng ngày càng nặng nề và đa dạng trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi toàn lực lượng phải tiếp tục nỗ lực, phát triển vững chắc hơn, toàn diện hơn nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện trên tất cả các mặt, nhất là về bản lĩnh chính trị, nhận thức, phẩm chất, trình độ, năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển.
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” chống phá cách mạng nước ta; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống luôn hiện hữu và chuyển hóa phức tạp; trên hướng biển, những kẻ ôm mộng bá quyền không từ bỏ âm mưu thực hiện ý đồ bành trướng; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có nguy cơ đánh sập cả nền kinh tế; nạn buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy manh nha muốn phá hỏng cả một thế hệ… Có đặt vào bối cảnh nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen với không ít nguy cơ và thách thức đó chúng ta mới ý thức được rõ trách nhiệm của mình với đơn vị, với lực lượng, với quân đội mà lớn lao hơn là với quê hương, đất nước. Từ đó mới nhận thức được đầy đủ nội dung, ý nghĩa to lớn và sự cần thiết của bộ 3 giá trị đạo đức cốt lõi “TRÁCH NHIỆM – KỶ CƯƠNG – NHÂN CHÍNH” mà chúng ta cần phải xây dựng và hướng tới. Bởi, đây vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là những thước đo nội quy, nguyên tắc, khuôn mẫu ứng xử và là kim chỉ nam cho mọi hành động của bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong quá trình hoạt động, công tác, thực thi nhiệm vụ, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Đối với việc tiếp tục xây dựng và bồi đắp bộ 3 giá trị đạo đức cốt lõi “TRÁCH NHIỆM – KỶ CƯƠNG – NHÂN CHÍNH”, Đảng ủy, BTL Cảnh sát biển xác định đây là một chủ trương, định hướng kịp thời và cần thiết, là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng để xây dựng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”.
Đặc thù hoạt động của Cảnh sát biển là thường xuyên và trực tiếp phải đối mặt với những đối tượng tội phạm vi phạm liều lĩnh, khôn ngoan, xảo quyệt, trong điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt trên biển, trước rất nhiều khó khăn, phức tạp, hiểm nguy. Nếu mỗi cán bộ chiến sĩ không xác định được rõ trách nhiệm của bản thân, không nêu cao được tinh thần trách nhiệm thì sẽ hun đúc được ý chí khắc phục khó khăn; khó giữ vững được bản lĩnh chính trị, tư tưởng lập trường. Nói một cách biện chứng, những thách thức, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ sẽ là môi trường, là động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ thể hiện và củng cố phẩm chất đạo đức “TRÁCH NHIỆM” ở mức cao nhất; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Với yêu cầu giá trị đạo đức cốt lõi “KỶ CƯƠNG”, “NHÂN CHÍNH” - cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cần phải coi như một nguyên tắc bất di bất dịch, một khẩu hiệu đi liền với mỗi bước đường thực hiện nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, nếu đấu tranh với quân xâm lược đã ác liệt thì đấu tranh với kẻ thù giấu mặt, với những âm mưu lôi kéo xảo quyệt, mua chuộc tinh vi, những áp lực, thử thách của kinh tế thị trường, với lối sống xa hoa và những cám dỗ đời thường ác liệt cũng không kém. Chúng ta tự hào là đến nay, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển vẫn vững vàng trên con đường đấu tranh của mình, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, kiên quyết, khôn khéo xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; luôn giữ vững lý tưởng, thực sự cầu tiến, từ thể chất tới tinh thần đều sẵn sàng cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Họ dám dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương; đấu tranh với cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, bảo vệ chính nghĩa, thực hiện trách nhiệm của một quốc gia có trách nhiệm. Họ dám dấn thân vào sóng gió để cứu dân, dám hy sinh vào hiểm nguy để giữ vững an ninh trật tự, hòa bình ổn định cho nhân dân yên tâm làm ăn trên biển… Một loạt các vụ việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ đã được ngăn chặn, xua đuổi, kịp thời theo đúng chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng và luật pháp quốc tế. Hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển bị xử lý nghiêm minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật cùng bao chiến công vô cùng ý nghĩa khi những con tàu Cảnh sát biển vượt qua sóng dữ đưa người bị nạn từ biển xa trở về với gia đình trong sự ngóng trông, cảm động đầy nước mắt… Đó là nhờ ngọn cờ “KỶ CƯƠNG” luôn được giương cao. Đó cũng là minh chứng sinh động của giá trị đạo đức “NHÂN CHÍNH” trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, theo quy luật biến thiên của vạn vật, mọi giá trị dù sáng đẹp đến mấy cũng có thể bị lu mờ, phai nhạt nếu không được gìn giữ, củng cố, đắp bồi và trao truyền qua các thế hệ. Vì vậy, để tiếp tục kế thừa, phát huy và không ngừng bồi đắp các giá trị đạo đức cốt lõi “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH” của người chiến sĩ Cảnh sát biển, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển xác định cần phải thường xuyên quan tâm, coi trọng việc giáo dục, tuyên truyền, quán triệt nội dung, yêu cầu xây dựng Lực lượng “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH”. Đồng thời có hình thức triển khai và giải pháp thực hiện phù hợp, sát với đặc điểm, đặc thù chức năng nhiệm vụ của lực lượng, sao cho đạt kết quả cao nhất và bền vững nhất.
Ngày 8/3/2018, thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển, Cục Chính trị Cảnh sát biển đã có Công văn số 816/CT-TH về việc hướng dẫn học tập, tuyên truyền bài viết “Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trách nhiệm - kỷ cương - nhân chính” của Tư lệnh Cảnh sát biển đăng trên Tạp chí Cảnh sát biển Việt Nam số 6 (24)/2018. Công văn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lãnh đạo tổ chức giáo dục, quán triệt sâu sắc tới toàn thể cán bộ chiến sĩ, coi đây là một nội dung sinh hoạt chính trị trong cơ quan, đơn vị mình. Thông qua nội dung sinh hoạt, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về những giá trị đạo đức cốt lõi “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH” trong hệ thống giá trị nền tảng mà Lực lượng Cảnh sát biển đã, đang xây dựng và hướng tới. Công văn cũng yêu cầu sau đợt giáo dục, quán triệt phải tạo được sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ theo các giá trị đạo đức “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH”, góp phần xây dựng lòng tự hào yêu mến lực lượng, xây dựng ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, xứng đáng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.
Để việc xây dựng, bồi đắp các giá trị đạo đức cốt lõi “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH” được trao truyền và tiếp nối qua các thế hệ; để những giá trị này thực sự trở thành “tinh hoa truyền thống”, thành phong cách, thành bản sắc văn hóa mang đặc trưng riêng của Lực lượng Cảnh sát biển, theo đúng mục đích, yêu cầu, định hướng mà đồng chí Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Quang Đạm - nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển đã đặt ra, đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tổ chức giáo dục, tuyên truyền sâu rộng đến tất cả cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và hội viên Hội Phụ nữ trong lực lượng thông qua các đầu mối cơ quan đơn vị (trung đội, đại đội, tàu, hải đội, cụm, trung tâm huấn luyện, phòng, ban). Đối với tổ chức quần chúng, lấy đầu mối cấp chi đoàn, hội phụ nữ để giáo dục quán triệt. Công tác tuyên truyền giáo dục tập trung vào ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và bồi đắp các giá trị đạo đức cốt lõi của người chiến sĩ Cảnh sát biển. Các hình thức giáo dục, tuyên truyền có thể thông qua sinh hoạt, giáo dục chính trị; tổ chức tọa đàm, hái hoa dân chủ, diễn đàn thanh niên; triển khai đăng ký phấn đấu học tập và thực hiện theo giá trị đạo đức “TRÁCH NHIỆM – KỶ CƯƠNG – NHÂN CHÍNH” trong cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, tuyên truyền cổ động trực quan trên hệ thống pa-no, áp-phích, bảng LED của cơ quan, đơn vị.
Hai là, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị chỉ đạo cơ quan chính trị và tổ chức quần chúng quán triệt theo giá trị đạo đức “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH”; đưa nội dung xây dựng và bồi đắp các giá trị cốt lõi này vào sinh hoạt thường kỳ, là việc làm thường xuyên của các tổ chức cá nhân trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, gắn việc thực hiện theo giá trị đạo đức “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH” với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống” trong cơ quan, đơn vị mình.
Ba là, căn cứ vào tình hình thức tế, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chỉ đạo đơn vị mình tổ chức các đợt thi đua nhằm tạo điều kiện và môi trường để cán bộ chiến sĩ hưởng ứng thực hiện và hành động theo giá trị đạo đức trên tất cả các mặt công tác đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Tập trung vào nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị cũng như trong thực thi pháp luật và bảo vệ ngư dân trên biển; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm, hiệu quả công tác của cán bộ chiến sĩ. Khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, quan tâm giúp đỡ nhau trong công tác, sinh hoạt trên tình yêu thương đồng chí đồng đội và quy định của đơn vị.
Bốn là, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả triển khai việc xây dựng và bồi đắp các giá trị đạo đức “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH” trong cơ quan, đơn vị mình. Hằng năm, lấy kết quả xây dựng, bồi đắp giá trị đạo đức cốt lõi “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH” là một tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng cá nhân, tập thể và đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện, xây dựng và vun đắp giá trị đạo đức cốt lõi ở mỗi cơ quan, đơn vị.
Với 20 năm xây dựng và trưởng thành, tuy chưa có một bề dày truyền thống nhưng Lực lượng Cảnh sát biển tự tin với sức trẻ đang có. Bởi, trong sức trẻ đó tiềm ẩn một nội lực trỗi dậy và vươn lên, một khát khao lập chiến công, khẳng định vị thế. Bằng sức trẻ của tuổi 20 đang có, chắc chắn rằng, Lực lượng Cảnh sát biển sẽ xây dựng và bồi đắp thành công các giá trị đạo đức cao đẹp “TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG - NHÂN CHÍNH”. Đây chính là mục tiêu, là động lực để Lực lượng tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, củng cố và tô đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Cảnh sát biển trong hoàn cảnh mới, thời đại mới./.
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy Cảnh sát biển