11/05/2016 03:20:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Thực hiện Quyết định số 4359/QĐ-BQP ngày 19/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, sáng 10/5, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam”. Thiếu tướng, TS. Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển chủ trì Hội thảo.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn)
Tham dự Hội thảo có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam; các tướng lĩnh nguyên là lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ vùng biển. Tiêu biểu như PGS.TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; PGS.TS. Nguyễn Bá Diến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao; PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Viện trưởng Viện Biển và hải đảo; TS. Nguyễn Văn Nhật - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử/Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Nguyễn Lan Anh - Trưởng khoa Luật/ Học viện Ngoại giao… Về phía BTL Cảnh sát biển, có sự tham gia của PGS.TS. Hoàng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển cùng các đồng chí là đại diện Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong cơ quan BTL.
Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam” là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tranh thủ ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ biển trong tình hình mới; những nội dung lý luận liên quan đến xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Tại Báo cáo đề dẫn Hội thảo, bên cạnh việc nêu bật sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Quang Đạm đã trân trọng cảm ơn những nghiên cứu tâm huyết, sự quan tâm tham dự Hội thảo của các đại biểu, đồng thời nêu bật mong muốn một số vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận làm rõ trong Hội thảo nhằm giúp BTL Cảnh sát biển định hướng xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Tại Hội thảo, với 15 chuyên đề và 8 ý kiến tham luận được gửi đến và trình bày đã cung cấp thêm các thông tin về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ vùng biển trong tình hình mới, về tổ chức lực lượng thực thi pháp luật trên biển của một số quốc gia trên thế giới. Các nghiên cứu chuyên sâu cũng đã góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm thực thi pháp luật trên biển liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt nam. Các ý kiến đã đề cập cách tiếp cận sâu để xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đặc biệt, các phát biểu tại Hội thảo đã thể hiện:
- Tính đúng đắn, sự cần thiết nâng Pháp lệnh LLCSBVN lên thành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và yêu cầu quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển hiện nay.
- Xu hướng xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh với chức năng dân sự, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển theo quy định của luật pháp quốc gia và quốc tế.
- Kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng các quy định về Lực lượng Cảnh sát biển, nhất là trong việc nội luật hóa các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
- Sự cần thiết phải bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, biện pháp công tác của Cảnh sát biển để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển trong điều kiện hiện nay.
Tàu CSB 8001 thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển. (ảnh: Anh Tuấn)
Kết quả Hội thảo là cơ sở khoa học, là những gợi mở quan trọng để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục tổ chức nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, hoàn thiện hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển, góp phần tích cực vào việc giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc.