18/07/2021 03:25:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Dạy học tích cực theo CDIO là mô hình mà Khoa Hàng hải/Học viện Hải quân đang áp dụng để thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với chuẩn đầu ra của sĩ quan Cảnh sát biển và sĩ quan Điều khiển tàu biển quân sự. Kết quả thu được từ việc áp dụng mô hình này thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Học viện Hải quân.
Bắt đầu từ năm học 2015-2016, Khoa Hàng hải/Học viện Hải quân đã thực hiện thành công việc triển khai thí điểm xây dựng chuẩn đầu ra cho đối tượng đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học chuyên ngành Cảnh sát biển và chuyên ngành Điều khiển tàu biển quân sự theo mô hình CDIO. Đây là mô hình dạy học trên cơ sở hình thành ý tưởng (Conceive), thiết kế ý tưởng (Densign), thực hiện (Implement) và vận hành (Operate) cho học viên mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm chất lượng chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu sử dụng cán bộ tại các đơn vị tàu. Qua thời gian triển khai và đưa vào giảng dạy đến nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ, giảng viên Khoa Hàng hải trong công tác xây dựng chuẩn đầu ra chuyên ngành Cảnh sát biển và chuyên ngành Điều khiển tàu biển quân sự theo mô hình mới. Đây là bước đi quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện Hải quân trong giai đoạn hiện nay. Để đạt được chuẩn đầu ra theo mô hình CDIO đòi hỏi công tác đào tạo phải có sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thượng tá TS. Phạm Trung Hiếu - Trưởng Khoa Hàng hải cho biết: Để dạy học theo mô hình CDIO, các giảng viên phải luôn quán triệt và nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực; thường xuyên cập nhật thông tin để đổi mới nội dung bài giảng, xây dựng phương pháp giảng dạy mới cho từng môn học. Khoa và các bộ môn phải đẩy mạnh hoạt động phương pháp, lựa chọn một số giảng viên có kinh nghiệm giảng mẫu cho các giảng viên khác học tập, nghiên cứu, vận dụng. Cùng với đó, cần đổi mới khâu biên soạn bài giảng, xác định rõ được mục tiêu, yêu cầu, phương pháp giảng dạy của từng môn học. Sau các giờ học, cần chủ động lấy ý kiến đánh giá của học viên, giúp giảng viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp, đạt chất lượng, hiệu quả. Mỗi giảng viên phải không ngừng nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong hoạt động dạy học, bảo đảm sự phù hợp giữa mục tiêu, nội dung với phương pháp, phương tiện dạy học. Khâu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên cũng phải đổi mới, trong đó, ngoài thi viết, vấn đáp, còn có thi trắc nghiệm, viết thu hoạch, mà tập trung vào việc yêu cầu học viên phải xử lý được các tình huống trong thực tế, buộc người học phải huy động tối đa khả năng tư duy, tính sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề khó mang tính độc lập... Để có được thành công trong việc giảng dạy theo mô hình CDIO, Chi bộ Khoa đã có các nghị quyết chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy với nhiều nội dung và giải pháp thực hiện. Trong tổ chức thực hiện đã được áp dụng nhiều khâu, nhiều bước, nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bài giảng trên lớp. Khoa thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng giảng viên cả về lý luận và thực tiễn phương pháp giảng dạy mới; yêu cầu giảng viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo trong tình hình mới.
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình CIDO ở Khoa Hàng hải cho đối tượng học viên Cảnh sát biển và Điều khiển tàu biển quân sự đã thu được kết quả khả quan. So sánh kết quả học tập của các năm học sau so với năm học trước thì tỷ lệ học viên khá giỏi tăng lên, trong khi đó tỷ lệ học viên trung bình giảm xuống. Điều đặc biệt, giờ đây, các buổi học trên lớp có không khí sôi nổi hơn, học viên được thể hiện bản thân nhiều hơn trong các buổi thảo luận nhóm; được trao đổi trực tiếp với giảng viên, tự tin trình bày quan điểm của mình trước tập thể.
Học viên chuyên ngành Cảnh sát biển trong giờ học thực hành.
Là học viên bước vào năm thứ tư, được tiếp xúc với phương pháp học tập hiện đại, học viên Lê Minh Hiếu - lớp trưởng Cảnh sát biển 13 thuộc Tiểu đoàn 2 chia sẻ: Phương pháp học tập này rất thiết thực và hiệu quả, chúng em có thể chủ động trong việc học tập và kiểm tra kiến thức mà mình đã học. Phương pháp này cũng giúp chúng em nhanh chóng nắm bắt vấn đề mà giảng viên đưa ra, thành thạo kỹ năng trong thao tác sử dụng máy móc, trang bị...
Tham dự một buổi học của học viên Cảnh sát biển tại Trung tâm huấn luyện mô phỏng, chúng tôi thấy các giảng viên đang miệt mài hướng dẫn cho học viên phương pháp tránh va trên biển theo Công ước quốc tế. Giảng viên đưa ra nhiều tình huống có thể xảy ra, các học viên sẽ phải vận dụng lý thuyết và tranh luận theo nhóm để xử trí từng tình huống thực tiễn. Mỗi học viên tự đưa ra cách xử trí của riêng mình để cả nhóm bàn luận, sau đó nhóm trưởng sẽ đưa ra kết luận cuối cùng. Buổi học sôi nổi với các ý kiến đóng góp trong quá trình rút kinh nghiệm xử trí từng tình huống thực tiễn.
Học viên năm cuối Đặng Văn Thông - Lớp Cảnh sát biển 12 thuộc Tiểu đoàn 1 cho biết: Học theo phương pháp này, chúng em tiếp cận được với trang thiết bị thực tế; nắm vững các yếu lĩnh động tác, khẩu lệnh và chủ động trong việc xử trí các tình huống... Chúng em hoàn toàn có thể tự tin đảm nhiệm các vị trí công tác sau khi ra trường.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực, thói quen tổ chức giảng dạy của giảng viên; phụ thuộc vào phương pháp tự học của học viên và hệ thống cơ sở vật chất phục vụ và phương pháp tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả. Theo phương pháp dạy học tích cực thì người dạy là người hướng dẫn, cố vấn cho người học trong toàn bộ quá trình lĩnh hội kiến thức. Người dạy phải phát huy năng lực sáng tạo, lựa chọn những nội dung trọng điểm, đồng thời phải thiết kế bài giảng sao cho súc tích mà hàm lượng thông tin cao, phù hợp với đối tượng đào tạo để có thể vận dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau như nêu vấn đề, đối thoại… nhằm kích thích hoạt động trí tuệ của người học. Trong phương pháp này thì người học là nhân vật trung tâm, do vậy động cơ học tập của người học có một ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu quả giáo dục, đào tạo. Để tích cực hóa hoạt động lĩnh hội của người học, trước hết phải phát triển nhu cầu, động cơ nhận thức của họ. Khi đó, người dạy cần phải sử dụng những thủ pháp hợp lý nhằm tích cực hóa hoạt động lĩnh hội tri thức của học viên.
Thượng tá, ThS. Phạm Văn Điệp - Chủ nhiệm bộ môn Thực hành biển chia sẻ: Để thực hiện phương pháp dạy học mới, trước khi lên lớp, chúng tôi phải chuẩn bị tốt nội dung bài giảng, định hướng những vấn đề cốt lõi để phát huy tư duy và tính tự học của học viên, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn đơn vị. Phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sự năng động và sáng tạo của học viên. Như vậy, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường mới đạt được các chuẩn đầu ra theo mục tiêu đào tạo.
Qua thời gian thực hiện mô hình dạy học tích cực đáp ứng chuẩn đầu ra CDIO, đến nay chất lượng đào tạo chuyên ngành Cảnh sát biển nói riêng và các chuyên ngành khác tại Học viện Hải quân nói chung đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ rệt và mang lại những kết quả thiết thực, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Đại tá ThS. Nguyễn Thanh Điệp
Chủ nhiệm bộ môn Khí tượng Hải dương và Môi trường biển/Khoa Hàng hải/Học viện Hải quân