Cần thiết xây dựng lực lượng giám sát tài nguyên môi trường biển Việt Nam

30/11/2016 10:03:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Tài nguyên của đất nước cần phải được bảo quản và giám sát. Thực thi nhiệm vụ này đối với tài nguyên trên rừng hiện nay đã có lực lượng Kiểm lâm.  Tương tự trên biển cũng cần phải có đội ngũ kiểm tra/giám sát tài nguyên biển. 

Ký kết Quy chế phối hợp hoạt động giữa BTL Cảnh sát biển với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Sự cần thiết phải giám sát tài nguyên môi trường biển Việt Nam
Có thể nói, hiện nay, việc giám sát khai thác tài nguyên vùng ven biển 28 tỉnh thành và ngoài khơi của nước ta còn rất nhiều điều chưa hợp lý. Hoạt động quản lý, thanh kiểm tra ngư nghiệp tuy đã được tiến hành bởi các lực lượng: Thanh tra thủy sản, Kiểm ngư,… nhưng hiệu quả chưa cao, gây ra việc đánh bắt không trật tự, không phép giữa tàu thuyền các tỉnh ven biển, tàu nước ngoài và bằng các phương pháp hủy diệt như thuốc nổ, hóa chất xyanua, tàu dùng lưới cào… dẫn đến nguồn lợi ven bờ bị suy giảm nghiêm trọng. Đồng thời, hiện tượng tranh chấp ngư trường đã xảy ra trên hầu hết các khu vực biển ven bờ, nơi có tương đối nhiều hải sản tự nhiên. Điển hình như có hiện tượng bảo kê “xí phần biển” hay “chiếm vùng biển” của cá nhân rồi thu tiền trái quy định pháp luật để cho phép ngư dân vào đánh bắt tại khu vực biển Tây Nam bộ (Cà Mau - Kiên Giang), Hải Phòng…
Tình trạng tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vi phạm vào các vùng biển chủ quyền của quốc gia khác để đánh bắt hải sản vẫn còn, đặc biệt là tại vùng biển các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và thường xuyên bị bắt giữ, bị đốt cháy hay đánh chìm tàu thuyền, nhiều người bị bắt giam trong tù dài hạn.
Hiện tượng xả thải trộm từ tàu thuyền trên biển ra môi trường còn rất phổ biến. Điển hình như vụ tàu của Công ty gang thép Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã bị Bộ đội Biên phòng Nghệ An phát hiện và bắt giữ với hành vi đổ thải không phép trên vùng biển tỉnh Nghệ An (tổng số 500 tấn chất thải). Các hiện tượng đổ dầu thải, hóa chất và chất thải sinh hoạt từ tàu thuyền trên biển cũng vẫn diễn ra thường xuyên và ít khi bị phát hiện. Hàng trăm, hàng ngàn tấn dầu thải thường xuyên trôi dạt vào các bãi biển Việt Nam gây tác động xấu tới cảnh quan, du lịch.
Sự phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển gây ra lượng chất thải rắn, nước thải và khí thải rất lớn, phá vỡ chất lượng không khí, nước mặt và nước biển, đặc biệt là sự gia tăng các chất dinh dưỡng, thường hay dẫn tới các hiện tượng cá chết hàng loạt. Tháng 4/2016, sự cố thảm họa môi trường biển miền Trung do Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đã thải ra biển Vũng Áng với lượng chất thải vô cùng độc độc hại, làm xáo trộn và tổn hại lớn tới sinh kế, xã hội, môi trường của hàng triệu ngư dân ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Sự cố này ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển, du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản của nhân dân và an sinh xã hội. Mặc dù Công ty Formosa đã bồi thường tới 500 triệu USD cho sự cố này nhưng để phục hồi được hệ sinh thái biển, hải sản sạch thì phải mất nhiều năm và số kinh phí vô cùng lớn. Các khu công nghiệp thép, hóa dầu lớn có nguy cơ gây tổn hại môi trường biển đang được xây dựng và quy hoạch phát triển rất nhiều ở vùng ven biển như Nghi Sơn, Cà Nà, Phương Mai,.. và nguy cơ sự cố môi trường bất ngờ là khó có thể tránh được.
Bên cạnh đó, sự hủy diệt của con người đối với các hệ sinh thái biển quan trọng như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển bằng các biện pháp thuốc nổ, hóa chất độc hại,.. dẫn đến mất nơi cư trú và sinh trưởng của các loài thủy hải sản. Đặc biệt gây hại là những hoạt động lấn biển xây dựng đô thị, cảng biển gây mất rừng ngập mặn, bồi lấp hủy diệt rạn san hô để xây dựng đảo và các công trình. Để phục hồi được hệ sinh thái san hô thuộc loại dễ bị tổn thương nhất của biển phải mất hàng chục năm tái tạo, với công sức, công nghệ hiện đại thân thiện môi trường và kinh phí rất tốn kém.
Trật tự, pháp lý trên biển còn chưa được thực thi nghiêm chỉnh đối với hầu hết các ngành nghề khai thác tài nguyên biển như: hải sản, dầu khí, khoáng sản và đối với các khu bảo tồn biển-đa dạng sinh học biển, các bãi cá, các loài động vật biển quý hiếm và các khu có hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn.
Ngoài ra, các quốc gia láng giềng trên Biển Đông, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine liên tục tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển, tuần tra bắt giữ các tàu thuyền vi phạm khai thác tài nguyên môi trường tại vùng biển thuộc tài phán quốc gia của mình. Philippine từng bắt phạt 1,4 triệu USD đối với 1 tàu hải quân Mỹ đã gây hư hại cho ít nhất 2.345 m2 của rạn san hô Tubbataha. Trung Quốc đang dân sự hóa các lực lượng vũ trang và sử dụng các lực lượng này để trấn áp những ngư dân và tàu thuyền nghiên cứu của nước khác, gây ra sự bối rối rất lớn cho các cơ quan quản lý biển dân sự của Việt Nam, Philippines trong việc tìm những phương thức, đối sách tương đương để ứng phó trên các vùng biển của chính mình.
Vì vậy, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, khai thác tài nguyên quá hạn cho phép và ngoài khu vực biển được cấp phép, giám sát đổ thải trộm vào môi trường biển, đối phó với tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vào vùng biển Việt Nam, Việt Nam cấp thiết phải thành lập lực lượng thực thi pháp chế- giám sát tài nguyên trên biển nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Đề xuất xây dựng Lực lượng giám sát tài nguyên môi trường biển Việt Nam
Hiện chúng ta đang có hơn 10 bộ ngành quản lý biển với vai trò chủ yếu là Lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc Phòng. Đây cũng là những lực lượng được trang bị phương tiện tàu thuyền- máy bay hiện đại. Cùng với đó là các bộ ngành kinh tế biển chính như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có Cục Kiểm ngư giám sát việc khai thác hải sản; Bộ Giao thông vận tải có Lực lượng Thanh tra hàng hải; Bộ Công thương có các tập đoàn Dầu khí; Bộ Tài chính có Lực lượng Hải quan; ngành Điện lực cũng có những phương tiện tàu thuyền và máy bay để giám sát quản lý chuyên ngành của mình vùng ven bờ và ngoài khơi. Trách nhiệm quản lý tuy đã được giao cho từng bộ, ngành nhưng việc giám sát thực thi pháp luật của chúng ta còn hạn chế - chủ yếu là chỉ khai báo trên đất liền, còn trên biển thì có rất mỏng hoặc hầu như không có lực lượng tàu thuyền tuần tra giám sát môi trường biển của cơ quan bộ ngành nào.
Năm 2008, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng nhiệm vụ quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo. Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chưa có lực lượng giám sát tổng hợp trên thực địa để thực thi pháp chế trên biển và giám sát môi trường biển. Nếu không có lực lượng giám sát tài nguyên môi trường biển đối với vùng ven bờ và vùng đặc quyền kinh tế thì chúng ta khó có thể đảm bảo thực thi luật pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên trên biển và việc phát triển kinh tế biển sẽ rất khó khăn, khó có thể đạt mục tiêu đóng góp 53-55% GDP vào năm 2020 như Chiến lược Biển Việt Nam năm 2007 đã đề ra.
Luật Biển Việt Nam 2012 và Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo năm 2016 chưa có qui định Lực lượng giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường biển là lực lượng thực thi pháp luật- giám sát tổng hợp trên các vùng biển Việt Nam. Hiện mới chỉ có quy chế, quy định phối hợp của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng chấp pháp khác trong lĩnh vực này. Trong bộ máy tổ chức biên chế của các lực lượng như Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển cũng đã có các đơn vị cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, với vùng biển hơn 1 triệu km2 trải dài và rất rộng thì chỉ các đơn vị nhỏ, lẻ này sẽ không đủ năng lực để giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường biển. Đối với các lực lượng chấp pháp trên biển đã có, chỉ riêng nhiệm vụ chính chuyên ngành của các lực lượng này thực sự đã rất nặng nề trong tình hình hiện nay. Vì vậy, để thực thi được pháp luật về tài nguyên và môi trường trên biển, chúng ta cần phải sớm thành lập lực lượng giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường biển Việt Nam. Lực lượng này có thể trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và sẽ hiện diện tại cả 4 vùng Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ, Tây Nam bộ để tiện cho công tác tuần tra, phối hợp, giám sát tài nguyên, môi trường biển.
Song song với đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực chuyên nghiệp cho lĩnh vực này. Xây dựng cơ chế phối hợp và chỉ huy giám sát môi trường biển theo các phân vùng với các lực lượng chấp pháp khác trên biển như Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư…Tiến tới xây dựng Hệ thống giám sát tài nguyên, môi trường biển và lãnh thổ biển thống nhất bằng các phương tiện: vệ tinh VINASAT, máy bay do thám có và không người lái, lực lượng giám sát biển, các tàu thuyền hải quân, vận tải, kiểm ngư, đánh cá, các trạm, phao nghiên cứu khoa học.
Nhằm duy trì trật tự, hòa bình và tăng cường an ninh, hợp tác quốc tế, cần đề xuất với ASEAN và Trung Quốc thành lập Ủy ban hỗn hợp hay quốc tế về tuần tra và giám sát môi trường biển chung trên Biển Đông. Việc hoạt động của các tàu giám sát tổng hợp tài nguyên biển của các quốc gia cũng cần phải được công khai minh bạch và đưa lên bàn đàm phán quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế PCA đã ra phán quyết vụ kiện của Philippines và Trung Quốc về quyền, phạm vi của các đảo đá tại quần đảo Trường Sa rất rõ ràng minh bạch. Các cơ quan quản lý biển, đảo của các quốc gia xung quanh Biển Đông cần phải có phương thức ngồi lại đàm phán, hợp tác để phân định ranh giới biển theo Công ước Luật biển UNCLOS 1982.
Trước mắt, khi chưa phân định ranh giới cụ thể được, thì các quốc gia cần có các giải pháp hòa bình, đồng kiểm soát môi trường sinh thái biển. Tầm khu vực thì các nước ASEAN cần thành lập một tổ chức hay ủy ban quốc tế nhằm kiểm soát hoạt động của lực lượng giám sát tài nguyên môi trường biển của các nước trên Biển Đông để tăng cường lòng tin và duy trì sự hiểu biết lẫn nhau, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Cũng cần có sự thống nhất từ các nhà lãnh đạo về phương thức, giải pháp để các cơ quan quản lý môi trường biển của các quốc gia quanh Biển Đông như Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng Cục Hải dương Trung Quốc, Bộ Công tác biển Indonesia,.. có các cuộc họp, trao đổi thường kì, thường niên để tránh xung đột tiếp diễn về giám sát tài nguyên môi trường biển.
Nên xem xét đến các giải pháp mềm, tạm thời như thiết lập các khu vực, mạng lưới các khu bảo tồn biển, bảo tồn san hô và xem xét thiết lập công viên biển hòabình (MPP) trên Biển Đông.

TS. Dư Văn Toán
Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com