09/06/2017 09:23:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Từng là bên nguyên đơn, khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA) liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, song chính sách Biển Đông cũng như mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc của Philippines, dưới thời Tổng thống Duterte đã thay đổi gần như đảo ngược. Vậy đâu là nguyên nhân và tác động của sự thay đổi này đối với khu vực cũng như tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào?
Sự thay đổi trong chính sách Biển Đông của Duterte
Dưới chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III, Philippines theo đuổi chính sách cứng rắn ở Biển Đông, chủ động khởi kiện Trung Quốc lên PCA, củng cố liên minh với Mỹ nhằm mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm các lợi ích của Philippines ở Biển Đông. Tuy nhiên, từ tháng 5/2016, khi R. Duterte được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ 2016-2022, chính sách Biển Đông của Philippines đã có những điều chỉnh, cả về mục tiêu, ưu tiên và biện pháp triển khai.
Chính quyền Philippines theo đuổi mục tiêu giữ chủ quyền và giành lợi thế về pháp lý và dư luận để đổi lấy quan hệ ổn định với Trung Quốc, tạo cơ hội cho phát triển đất nước và ổn định cuộc sống cho người dân với tính toán rằng, việc tạm gác đòi hỏi chủ quyền ở khu vực bãi cạn Scarborough là “chi phí” nhỏ để đổi lấy lợi ích lớn hơn. Tổng thống R. Duterte ngầm chấp nhận việc Trung Quốc kiểm soát thực tế ở Scarborough, nhưng đổi lại ngư dân của Philippines được ra vào đánh bắt cá bình thường ở khu vực này. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống R. Duterte, từ ngày 18-21/10/2016, Trung Quốc đã cam kết cho Philippines vay khoản tín dụng 9 tỉ USD; hai nước cũng đã ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng hơn 15 tỉ USD. Tổng thống Duterte cho rằng, giảm căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tạo cơ hội hợp tác và làm giảm nguy cơ từ bên ngoài, tạo điều kiện để Philippines tập trung vào xử lý các vấn đề trong nước như chống tội phạm ma túy, tham nhũng và phát triển kinh tế.
Tổng thống R. Duterte đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos, người có quan hệ thân thiết và là cố vấn cao cấp của ông R. Duterte, làm đặc phái viên kết nối và “phá băng” quan hệ với Trung Quốc. Ông Fidel Ramos cũng là một trong những vị tổng thống uy tín hàng đầu của Philippines, người có công chèo lái đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và được ví như Lý Quang Diệu của Philippines. Điều quan trọng hơn nữa, ông là người có kinh nghiệm trong việc xử lý căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Vành Khăn năm 1995. Tháng 8/2016, ông Ramos đã bay sang Hồng Kông gặp bà Phó Oánh - Trưởng ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc và ông Ngô Sỹ Tồn - Viện trưởng Viện Biển Đông để bắt đầu các cuộc trao đổi với tư cách cá nhân, tạo cơ sở cho các cuộc tiếp xúc tiếp theo giữa các quan chức chính phủ hai bên, trong đó cao nhất là chuyến thăm của Tổng thống R. Duterte tới Trung Quốc.
Ông R. Duterte đã tránh công khai đề cập đến phán quyết của PCA, coi đó là vấn đề song phương giữa Philippines và Trung Quốc và không nêu vấn đề Biển Đông tại bất cứ diễn đàn quốc tế nào, kể cả ASEAN. Tuyên bố chung của chuyến thăm cũng cho thấy, Biển Đông chỉ là một phần trong tổng thể quan hệ Philippines-Trung Quốc. Hai bên cam kết “tham vấn song phương”, giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán song phương đồng thời tiếp tục thảo luận các biện pháp xây dựng lòng tin.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông R. Duterte công khai tuyên bố: “Ông ngoại tôi là người Hoa, chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp đỡ chúng tôi” và không ngớt lời ca ngợi Trung Quốc. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông R. Duterte nói: “Tôi không có hứng thú để nước khác tham dự đàm phán về vấn đề Biển Đông. Tôi chỉ sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc” và sẵn sàng cùng với Trung Quốc khai thác, phát triển lĩnh vực này.
Trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, ông R. Duterte áp dụng cách tiếp cận “cân bằng” hơn. Thay vì chọn Mỹ là nước ngoài ASEAN đi thăm đầu tiên như các Tổng thống trước, ông R. Duterte đã quyết định đi Trung Quốc. Trong chuyến thăm, ông đã có những công khai chỉ trích Tổng thống Obama và đe dọa giảm quan hệ, ngừng tham gia tập trận, tuần tra chung với Mỹ. Thậm chí, ông Duterte còn tuyên bố sẽ “tách” khỏi Mỹ, đi với Trung Quốc và Nga… Khác với người tiền nhiệm Benigno Aquino III, Tổng thống Philippines - Duterte muốn dựa vào Trung Quốc để cải thiện kinh tế đất nước. Điều này cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, cho nên lãnh đạo Trung Quốc đã nhiệt tình chào đón Tổng thống R. Duterte.
Nguyên nhân
Vì lợi ích quốc gia, dân tộc
Ngày nay, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc được coi là nguyên tắc tối cao của mọi hoạt động đối ngoại; lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại. Chính sách đối ngoại nói chung và chính sách Biển Đông của Tổng thống Philippines R. Duterte nói riêng cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Quan điểm chủ yếu trong chính sách của Duterte là lấy sự nhượng bộ về sách lược để đổi lấy lợi ích kinh tế thực tế, đổi lấy việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough, nhưng vẫn kiên định về chủ quyền. Theo tính toán trên, ông R. Duterte đã sử dụng phán quyết của PCA như một lợi thế để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Hành động xoa dịu của R. Duterte đối với Trung Quốc giống như kiểu “giương cung không bắn”, “chờ thời cơ hành động” của người chiếm ưu thế chiến lược. Vì lẽ đó, trong khi cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ông R. Duterte vẫn nhấn mạnh quan hệ đồng minh với Mỹ, đặc biệt là mối quan hệ đồng minh quân sự, chỉ yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi đảo Mindanao, nơi các phần tử phiến loạn đang nổi lên, chứ không phải trên khắp cả nước, nhất là ở Biển Đông. Ngoài ra, với tư cách là một quốc gia thành viên ASEAN, là một phần của Đông Á và châu Á, Philippines cũng chịu sự kiềm chế của môi trường khu vực. Duterte không thể vì quá chú trọng quan hệ với Trung Quốc mà gây tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo số liệu thống kê năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines đã giảm 2 điểm phần trăm so với mục tiêu dự toán của chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do thương mại với Trung Quốc giảm sút. Theo quan điểm của Tổng thống R. Duterte, do Chính quyền Benigno Aquino III dựa vào việc bảo vệ chủ quyền và quyền đánh cá, hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khu vực, tăng cường liên kết đối kháng với Trung Quốc, từ đó hình thành xu thế ngoại giao nghiêng về một bên. Điều đó tác động đến quan hệ kinh tế, thương mại giữa Philippines và Trung Quốc. Ông R. Duterte muốn thông qua việc cải thiện với Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế đất nước. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Philippines, các đơn đặt hàng, đầu tư cũng như du lịch góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Ông R. Duterte đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc; bày tỏ hoan nghênh Trung Quốc gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở Philippines; hy vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Philippines. Bộ trưởng Công thương Philippines, Ramon Lopez cho biết, trong chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc, phía Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận viện trợ kinh tế cho Philippines; điều này đồng nghĩa với việc Philippines sẽ có nguồn vốn lớn để triển khai các dự án phát triển kinh tế.
Lòng tin của Philippines đối với Mỹ đã giảm sút
Sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (08/3/2012), lòng tin của Philippines đối với Mỹ đã bị giảm sút. Tổng thống R. Duterte cho rằng, cam kết an ninh của Mỹ đối với Philippines như hiện nay là không đủ và nếu tuyên chiến với Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông thì Philippines đã “tự tìm con đường chết”. Đây là hệ lụy tất yếu của chính sách hai mặt của Mỹ và việc Mỹ quá tập trung vào các vấn đề trong nước như bầu cử Tổng thống hay các khu vực khác, nhất là Trung Đông và coi nhẹ Đông Nam Á, nơi Mỹ có các đồng minh như Philippines và Thái Lan - các quốc gia được coi là đồng minh chủ chốt trong chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở khu vực. Tuy có giảm sút lòng tin đối với Mỹ, song với Philippines, Mỹ vẫn là một đồng minh quan trọng. Đó cũng là lý do vì sao trong khi không tiếc lời nói xấu các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama, R. Duterte cũng không đủ dũng cảm để cắt bỏ Hiệp ước đồng minh giữa hai nước. Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines vẫn là nền tảng cho chính sách ngoại giao, là chỗ dựa để Philippines có địa vị chiến lược trong khu vực. Sự thay đổi của R. Duterte mang tính sách lược, là kế sách thích nghi tạm thời của thiên hướng thực dụng nhằm lợi dụng nền kinh tế phát triển của Trung Quốc phục vụ cho sự lớn mạnh của nền kinh tế Philippines.
Dưới sự dẫn dắt của Mỹ, trung tâm quyền lực của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang châu Á và Đông Á. Mục tiêu quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là giành quyền chủ động trong quá trình dịch chuyển này và giành địa vị lãnh đạo trong thể chế quan hệ quốc tế mới. Cho dù Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã từng tuyên bố không ủng hộ chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, song xu thế chính sách này sẽ không thay đổi, thậm chí sẽ tiếp tục được tăng cường. Chính quyền R. Duterte sớm hay muộn cũng sẽ quay trở lại chính sách ngoại giao đang đi chệch hướng để thích ứng với xu thế lớn ở khu vực và trên thế giới, trong khi tối đa hóa lợi ích quốc gia, quan tâm tới cục diện lớn trong khu vực liên quan đến lợi ích cốt lõi của đất nước.
Xu hướng chủ nghĩa dân túy
Chủ nghĩa dân túy là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự thay đổi chính sách đối ngoại nói chung và chính sách Biển Đông của Philippines. Tổng thống R. Duterte đã nhiều lần nhấn mạnh, trọng tâm chính sách của mình là ở trong nước, tăng cường nền kinh tế, trấn áp các hoạt động buôn bán ma túy và các phần tử phiến loạn. Thực dụng và cứng rắn cùng với chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc là đặc điểm nổi bật của phong cách cầm quyền của R. Duterte. Với chính sách cứng rắn, Duterte đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử, tập trung nỗ lực trấn áp các hoạt động buôn bán ma túy và những kẻ nghiện ma túy. Trong khi ngăn chặn có hiệu quả sự lan tràn của các hoạt động buôn bán ma túy, R. Duterte cũng công khai đả kích Mỹ luôn coi trọng nhân quyền và pháp trị. Duterte bước lên vũ đài chính trị cao nhất dựa vào chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc đã gây ra những phản ứng gay gắt, song lại phản ánh đúng tính cách của ông. R. Duterte đã yêu cầu quân đội nên tập trung ưu tiên vào các công việc trong nước, ví dụ như trấn áp những kẻ buôn bán ma túy và phản loạn.
Coi phán quyết của PCA là con bài để đàm phán với Trung Quốc
Theo R. Duterte, phán quyết của PCA khó có thể giải quyết được tranh chấp Biển Đông, nhưng đây là cơ sở và là con bài để đàm phán với Trung Quốc. Duterte từng bày tỏ: “Lập trường của tôi và Trung Quốc tương tự nhau, tôi không tin Tòa Trọng tài có thể giải quyết được xung đột này”, nhưng lại nhiều lần tuyên bố với Mỹ và Nhật Bản là sẽ tôn trọng phán quyết. Ông R. Duterte mong muốn gác lại tranh chấp, chấp nhận hợp tác Biển Đông có điều kiện. Trong các cuộc đàm phán gần đây giữa Philippines và Trung Quốc, hai bên đã bàn đến việc phải thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa hai nước, đồng thời nhiều lần đề cập khả năng gác lại tranh chấp, cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Duterte cho rằng, sự đối kháng với Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông của Chính quyền Benigno Aquino III đã có tác động xấu tới nền kinh tế Philippines, nhưng đã để lại toàn bộ thành quả thắng lợi của vụ kiện cho Chính quyền Duterte; vì vậy, việc ông tiến hành điều chỉnh chính sách là một động thái cần thiết trong ngắn hạn.
Tác động đối với khu vực
Sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của Tổng thống Duterte đang và sẽ tạo ra các tác động đối với khu vực và cục diện Biển Đông.
Thứ nhất, sự điều chỉnh chính sách của Chính quyền Duterte sẽ tạo sự dịch chuyển địa - chính trị ở khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Sự trở mặt trong chính sách của Duterte làm cho xu thế tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông bị đảo ngược, quay trở về quỹ đạo từng cặp nước liên quan đàm phán, hiệp thương giải quyết và quan trọng hơn là Trung Quốc quay trở lại nắm quyền chủ đạo vấn đề Biển Đông, trong khi Mỹ mất đi cơ hội bắt tay với các nước trong khu vực và trở thành “kẻ gây nhiễu”. Chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy, cũng mất đi tính hợp pháp ở khu vực. Đối với Trung Quốc, “công lao” của Duterte là “vĩ đại”. Bên cạnh đó, quan hệ Trung Quốc - Philippines sẽ đảo chiều từ đối đầu sang đối thoại, từ căng thẳng sang hòa dịu và sẽ tạo ra hiệu ứng Domino ở khu vực. Các nước khác ở khu vực cũng sẽ thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.
Thứ hai, sự điều chỉnh chính sách của Duterte tạo ra cú sốc ngắn hạn cho những nước muốn kiềm chế Trung Quốc. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực ngày càng tăng là nhân tố thúc đẩy các nước khu vực lựa chọn hợp tác hơn là kiềm chế Trung Quốc. Nhưng sự chuyển dịch của Philippines đồng nghĩa với lợi ích và vai trò của các nước muốn kiềm chế Trung Quốc, tiêu biểu là Mỹ ở Philippines sẽ bị thu hẹp vì Philippines án ngữ chuỗi đảo thứ nhất bao quanh Biển Đông, trong khi Biển Đông là vấn đề an ninh trung tâm hiện nay, là phép thử cho sức mạnh và cam kết của Mỹ ở khu vực. Do đó, các nước như Mỹ, Nhật Bản hoặc Australia phải tính toán lại khía cạnh kiềm chế trong tổng thể chính sách khu vực của họ.
Thứ ba, vấn đề Biển Đông trong năm Philippines làm Chủ tịch ASEAN 2017 có thể “chìm xuống”, nhưng sự đồng thuận ASEAN có thể được cải thiện. Với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN và nhu cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Philippines có thể sẽ hạn chế nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ ASEAN. Ở một góc độ khác, ASEAN sẽ ít bị chia rẽ hơn vì Philippines không muốn làm mất lòng Trung Quốc và tránh căng thẳng với các nước thành viên khác. Ngoài ra, với việc Philippines tập trung vào các nghị trình phát triển, các chủ đề về cộng đồng kinh tế và kết nối ASEAN có thể sẽ được chú ý hơn.
Thứ tư, do Duterte bất ngờ thay đổi chính sách, nên lợi ích cơ bản của Mỹ ở khu vực bị tổn thương và Mỹ sẽ không dễ gì bỏ qua cho những hành động của Duterte. Ngày 15/10/2016, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - Mark Toner phản ứng về thông tin Tổng thống Philippines Duterte thăm Trung Quốc đã nêu rõ, đây là sự kiện tích cực. Quan hệ Philippines - Trung Quốc được tăng cường là vô cùng quan trọng đối với an ninh, ổn định của khu vực. Quan hệ Mỹ -Philippines là quan hệ đồng minh lâu dài nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong suốt 70 năm qua, quan hệ này là nền tảng của ổn định tại khu vực. Hợp tác giữa Mỹ và Philippines vẫn tiếp tục được duy trì, đến nay Mỹ vẫn chưa nhìn thấy trên phương diện này có bất kỳ một dấu hiệu nào rõ ràng cho thấy Philippines đang rời xa Mỹ, thân Trung Quốc. Thậm chí, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Ned Price đã nhấn mạnh: “Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines được xây dựng trên nền tảng lịch sử 70 năm. Thời gian 70 năm khiến cho thế lực thân Mỹ tại Philippines đã trở nên thâm căn cố đế, thế lực này thông qua phương thức bạo loạn hoặc vạch tội để ép Duterte từ chức cũng là điều có thể xảy ra”./.
Đại tá, ThS. Vũ Văn Khanh - Viện Chiến lược Quốc phòng